Giá thực phẩm leo thang từng ngày, đâu là nguyên nhân?
Giá thực phẩm tươi sống, rau củ quả tại các chợ dân sinh đang có dấu hiệu tăng từng ngày, trong khi đó giá tại các hệ thống siêu thị vẫn ổn định. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu các tiểu thương có đang lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá?
Giá thực phẩm leo thang chóng mặt
“Những ngày này, đi vào siêu thị mua hàng lại nhanh, tiện lợi hơn vì vừa mát mà vừa không bị yêu cầu phải đi sáng, hay chiều. Tôi vừa mang thẻ ra chợ Nhân Chính, do không để ý lịch nên đến nơi mới biết phiếu đi chợ của mình quy định đi buổi chiều (từ 16h – 19h các ngày thứ 2, thứ 4, thứ 6). Thành ra đến nơi rồi lai phải quay về”, chị Trần Phương Lan (Nhân Hòa, Nhân Chính, Hà Nội) cho biết.
Theo chị Lan, mọi ngày chị đi siêu thị ở gần nhà rất nhanh và thuận tiện, thực phẩm cũng rất tươi ngon. Tuy nhiên, thông tin có ca F0 của DN thực phẩm Thanh Nga có liên quan đến hệ thống hàng trăm siêu thị ở Hà Nội khiến chị Lan thay đổi quyết định, những ngày này chị không đi siêu thị nữa mà quay sang đi chợ dân sinh.
Cùng tâm lý như chị Phương Lan, chị Nguyễn Thúy Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, do có siêu thị gần nhà nên chị ít khi đi ra các chợ dân sinh để tránh dịch. Tuy nhiên, nghe có ca F0 liên quan đến nhiều siêu thị, chợ đầu mối, khiến các noi này bị phong tỏa... nên chị Thúy Anh lại chuyển sang đi dân sinh (chợ Pháo Đài Láng) ở cách nhà khoảng 3 km. “Cứ nghĩ hàng hóa dồi dào như các bộ, ngành khẳng định thì giá vẫn ổn, ai dè giá thực phẩm mấy ngày này tăng cao quá”, chị Thúy Anh cho biết.
“Tôi vừa mua ít đồ như dứa, bí, mà mỗi thứ đội lên tới 30-50%. Như trái dứa mấy hôm trước mua có 10.000 đồng/quả, hôm nay lên 20.000 đồng/quả. Bí xanh lên 30.000 đồng/kg trong khi trước đó có 12.000 đồng/kg. Tăng mạnh nhất là trứng, bình thường trứng chỉ khoảng 23.000 -25.000 đồng/chục trứng, giờ đội lên 47.000 đồng/chục”, chị Thúy Anh cho hay.
Không chỉ rau củ quả tăng giá, khảo sát của PV Đại Đoàn Kết Online tại các chợ dân sinh, chợ truyền thống cho thấy, giá các thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò đều tăng mạnh so với những ngày trước đó.
Tại chợ Ngọc Hà, giá một cân thịt lợn bị đẩy lên đến 180.000 - 200.000 đồng/kg, trong khi tại các hệ thống siêu thị, giá thịt lợn vẫn chỉ dao động quanh mức 120.000 -150.000 đồng/kg tùy loại. Các loại rau củ quả cũng bị đội lên tới 50%. Tại chợ Hôm, giá các mặt hàng cũng bị đẩy lên cao so với những ngày trước. Chị Nguyễn Thị Thanh Hà (phố Hòa Mã, Hà Nội) cho biết, một cân cà chua từ 15.000 đồng/kg nay đã lên đến 40.000 đồng/kg.
Giá tăng do tâm lý?
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thu H. (tiểu thương tại chợ Nhân Chính), những ngày này giá tại các chợ dân sinh có tăng thật, nguyên nhân là do chi phí vận chuyển tăng, người dân chỉ được đi chợ 2-3 lần/tuần theo phiếu đi chợ đã được phát nên mỗi người thường mua số lượng thức ăn nhiều cho vài ngày dẫn đến giá một số mặt hàng tươi sống có nhích lên nhẹ.
Còn bà Trần Thu T. (tiểu thương ở chợ Ngọc Hà) cho biết, giá các loại thực phẩm leo thang những ngày gần đây là do yếu tố tâm lý, chứ thực ra giá thịt lợn lấy tại lò mổ vẫn không tăng, kể các các loại rau củ quả cũng vậy, do tâm lý người dân lo ngại các ca F0 liên quan đến hệ thống các siêu thị nên quay sang mua nhiều ở chợ dân sinh, thành ra đẩy giá lên.
Quả thực, ghi nhận tại các như Nhân Chính, Pháo Đài Láng, Cầu Giấy, Thành Công, Ngọc Hà... có hiện tượng người dân đổ xô mua thịt lợn, rau củ quả khiến các sạp hàng “cháy hàng” rất nhanh. Một tiểu thương tại chợ Ngọc Hà cho biết, giá thịt có tăng cao như vậy nhưng cũng không có hàng mà bán.
Trước đó, cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương Hà Nội cũng đều khẳng định, hàng hóa thiết yếu rất dồi dào, do đó, người dân thủ đô hoàn toàn yên tâm không lo tình trạng khan hàng, tăng giá.
Theo khẳng định của ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): “Việc chủ động có các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu của TP Hà Nội và các DN, tiểu thương trên địa bàn, nguồn cung, dự trữ hàng hóa thiết yếu hiện nay cũng như trong các tình huống diễn biến của dịch bệnh theo kịch bản đã được chuẩn bị tốt, người dân hoàn toàn có thể yên tâm mua sắm trong cao điểm giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19”.