‘Con tình nguyện đi chống dịch’: Niềm tự hào đan xen lo lắng của cha mẹ
Hứng khởi, nhiệt huyết, bản lĩnh, tự hào, có lúc cười tít mắt nhưng cũng có khi chạnh lòng muốn rơi nước mắt vì nỗi nhớ nhà hay nỗi nhớ con da diết. Tất cả là một "trận chiến” giữa nhiều tâm trạng đan xen của người ở hậu phương và người nơi tuyến đầu chống dịch.
Khép nỗi nhớ nhà, chung tay chống dịch
Là một trong hơn 300 tình nguyện viên Đại học Y dược – Đại học Thái Nguyên đăng ký tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19, sinh viên Hoàng Phương Linh (sinh viên năm thứ 4) đã lên đường vào TP Hồ Chí Minh. Đây là chuyến đi đầu tiên xa nhà của Linh và cũng là một chuyến đi vô cùng đặc biệt.
“Khi nhận được thông tin được lên đường đi chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, em phấn khởi và hồi hộp. Bản thân em hiểu rằng, là sinh viên trường y được tham gia hỗ trợ chống dịch ở là niềm hạnh phúc…”, Linh hào hứng nói.
Linh nhớ lại, trước khi quyết định đăng ký đi tình nguyện, bản thân đã băn khoăn với rất nhiều câu hỏi: “Liệu bố mẹ mình có đồng ý cho mình đi không ? Lần đầu xa nhà, mình có làm được không?...”. Nhưng là sinh viên y khoa, dù không trả lời được hết những câu hỏi đó, Linh vẫn quyết định đăng ký tình nguyện.
Trái với những suy nghĩ của Linh, khi về nhà trình bày và xin phép, bố Linh im lặng phút chốc rồi nói: “Bố tự hào về con, con gái!”. Câu nói đó khiến mọi khoảng cách được xóa nhòa. Mọi sự lo ngại của Linh đã được thế chỗ bởi sự tin tưởng bố. Bố Linh hiểu rằng con gái mình đang tham gia một công việc rất quan trọng, đó là cuộc chiến với Covid-19. Tuy nhiên, mẹ Linh lại khá lo lắng, mẹ vẫn đồng ý cho Linh lên đường đi tình nguyện nhưng qua cách mẹ chuẩn bị hành lý, mẹ dặn dò, động viên, Linh hiểu nỗi lòng của mẹ.
Ngày lên đường đã đến, chia tay gia đình, Linh cùng các bạn bước đi TP Hồ Chí Minh. Khi chiếc xe lăn bánh, những giọt nước mắt của Linh cứ tự nhiên chảy, Linh cảm nhận được nỗi nhớ nhà ngay từ giây phút ấy. Chính bản thân Linh cũng chưa từng nghĩ, mình sẽ khóc bởi Linh rất háo hức với chuyến đi này.
Bước chân đến TP Hồ Chí Minh, sau khi được phân công nhiệm vụ, Linh và các bạn bắt tay ngay vào “cuộc chiến” bằng kiến thức đã được học, được tập huấn và bằng sự tự tin, sự nhiệt huyết của sức trẻ. Có những ngày cả nhóm làm việc thông trưa, miệt mài để hoàn thành mục tiêu. Lần đầu tiên mặc bộ bảo hộ dưới cái nắng của TP Hồ Chí Minh, đeo găng tay, đeo kính, Linh cảm nhận rõ: “Nóng, rất nóng, nhưng không thể cởi ra được, hơi thở che mờ cả kính….”. Vượt qua tất cả, Linh cùng các bạn luôn giữ vững tinh thần lạc quan, luôn tiến về phía trước để góp phần công sức vào công cuộc phòng, chống dịch và tất cả đều coi đây là một “thử thách”, một kỷ niệm đẹp trong đời sinh viên y khoa của mình.
Quyết định đi xa tình nguyện chống dịch là thế, nhưng với đứa chưa từng xa nhà lần nào như Linh thì nỗi nhớ về gia đình, quê hương càng da diết. Sau những buổi làm việc, Linh đều dành thời gian để gọi điện cho gia đình, cho em trai, cho mẹ. Ngày đầu tiên, Linh không dám gọi video call về vì sợ mình sẽ khóc khi nhìn thấy bố mẹ và em trai. Những ngày tiếp theo dần quen với sự xa nhà, quen với công việc và lịch sinh hoạt, Linh vui vẻ gọi điện cho gia đình mỗi ngày, luôn dặn dò cả nhà giữ sức khỏe: “Mọi người ở nhà phải khỏe nhé, ở xa đã có con chung sức lo chống dịch”.
Có những điều không dám tâm sự cùng ai
Trò chuyện với chị Vũ Thu Hà – mẹ của sinh viên Hoàng Phương Linh, phóng viên chúng tôi cảm nhận rõ sự tự hào của chị khi con tình nguyện lên đường tham gia chống dịch, cùng với đó là những lo lắng “giấu kín” trong lòng.
“Trong sâu thẳm trái tim, chị tự hào lắm khi con chị - một sinh viên ngành y đã không ngại khó khăn, gian khổ, không ngại nguy hiểm để đăng ký đi tình nguyện. Nhưng người mẹ nào cũng thế, cũng lo cho con nhiều khi con đi xa, đặc biệt là đi vào nơi dịch bệnh đã diễn biến phức tạp” – chị Hà rơm rớm.
Chị Hà có 1 tuần để chuẩn bị đồ đạc cho con lên đường, 1 tuần ấy, tối nào cũng vậy, chị xếp ra, xếp vào, kiểm đi kiểm lại những thứ cần thiết để con mang theo. Ngoài quần áo, chị cũng chuẩn bị cho con một số loại thuốc cần thiết, một ít đồ ăn khô phù hợp với con. Một chiếc vali nhỏ để vật dụng, tư trang cá nhân cho con và cũng chứa đựng cả tình yêu thương vô bờ bến của mẹ theo con lên đường.
Ngày con đi, chị Hà đưa con đến sân trường, nhìn con háo hức với chuyến đi, chị Hà cũng yên tâm phần nào. Xe lăn bánh, chị Hà về nhà với cảm giác ngôi nhà trống vắng hơn rất nhiều khi Linh đi xa. “Từ bé đến lớn, con luôn ở nhà, những chuyến đi xa đều là đi cùng gia đình. Trường đại học cũng gần nhà nên đây là chuyến đi xa nhà một mình đầu tiên của con” – chị Hà chia sẻ. Đêm đầu tiên Linh xa nhà cũng là đêm chị Hà không ngủ, vì phần lo lắng cho con, phần nhớ con.
Mỗi ngày trôi qua, Linh quen dần với công việc, với đồ ăn và nếp sinh hoạt trong đó, chị Hà không còn lo lắng nhiều. Cả nhà đều dành thời gian trò chuyện cùng nhau, chia sẻ công việc trong ngày. Và khi chị Hà nhận được hình ảnh Linh chụp đôi tay của mình sau một buổi làm việc, không còn là những hình ảnh chị thấy trên ti vi mà đây là hình đôi tay của Linh. Đôi tay nhăn nheo sau một buổi đeo găng, mặc quần áo bảo hộ để làm việc.
“Khi nhận được tấm hình đó, chị rơi nước mắt. Bàn tay Linh có chỉ tay khá đặc biệt là có 1 đường ngang, con gửi hình chưa cần nói chị đã nhận ra đó là đôi tay con rồi. Thương con vất vả nhưng có lẽ con chị trưởng thành thật rồi, tự tin và đã trở thành một chiến sỹ áo trắng thật rồi”, chị Hà xúc động.
Chuyến đi của con chưa có ngày về nhưng qua mỗi ngày xa nhau, mỗi ngày con làm việc, chị Hà càng cảm thấy yên tâm hơn, không còn những lo lắng, băn khoăn như những ngày đầu. Đây có lẽ là tâm trạng của nhiều bố mẹ khi có con lên đường tình nguyện đi chống dịch, với các bậc làm cha, làm mẹ đây là niềm tự hào của cả gia đình.