Nhiều bất cập tại khu tái định cư đồng bào dân tộc Chứt
Khu tái định cư đồng bào dân tộc Chứt bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) được đầu tư hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, do tồn tại nhiều bất cập, một số hạng mục của dự án được thiết kế xa rời thực tiễn khiến dân bản chưa thể an cư.
Nhiều bất cập
Đồng bào dân tộc Chứt tại bản Rào Tre thuộc địa bàn xã Hương Liên có 44 hộ, 153 nhân khẩu, sinh sống tại 2 điểm, trong đó, bản cũ có 33 hộ, bản mới (khu tái định cư) có 11 hộ. Đời sống dân bản chủ yếu dựa vào nghề đi rừng, sản xuất nông nghiệp và chính sách hỗ trợ của Nhà nước là chính.
Năm 2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo UBND huyện Hương Khê và trực tiếp là UBND xã Hương Liên xây dựng và tổ chức, triển khai thực hiện Đề án “Phát triển đồng bào dân tộc Chứt tại bản Rào Tre”. Giai đoạn 1, đề án được ngân sách nhà nước cấp hơn 45,9 tỷ đồng (trong đó vốn sự nghiệp hơn 2 tỷ đồng, xây dựng cơ bản gần 44 tỷ đồng). Ngoài ra, còn có hơn 2 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Khu tái định cư là “điểm nhấn” Đề án. Tổng mức đầu tư tại khu tái định cư hơn 14 tỷ đồng. Bao gồm các hạng mục: 11 nhà ở; hệ thống nước sạch (lấy từ nguồn tự chảy, xây 4 bể, hệ thống lọc nước và ống dẫn nước vào tận hộ dân); hệ thống lưới điện; nâng cấp và làm mới 2,7 km đường giao thông từ bản cũ đến bản mới… Các hạng mục này đã được bàn giao và đưa vào sử dụng vào năm 2017.
Tuy nhiên, ngay khi đưa vào sử dụng, một số hạng mục bị cắt giảm khiến dân bản “dở khóc dở cười” vì không phù hợp với thực tiễn sử dụng và có hạng mục xuống cấp nhanh chóng.
Cụ thể, trong hạng mục nhà ở, thiết kế nhà bếp trên tầng 2 của nhà sàn (tầng 2 có 3 phòng gồm 1 phòng khách, 1 phòng ngủ, 1 phòng bếp), sàn được lát bằng gỗ nhóm V. Trong khi, dân bản nấu bằng bếp củi nên việc sử dụng 1 phòng ở tầng 2 là không thể. Để có chỗ nấu ăn, các hộ dân ở đây buộc phải quây bạt, lợp tranh dưới nền đất.
Ngoài ra, ban đầu thiết kế nhà ở không có nhà vệ sinh nên xã phải bỏ tiền ra xây 7 nhà vệ sinh nhỏ phía sau dãy nhà sàn lối ngang cho 11 hộ dân sử dụng. Cũng chính vì thế mà đường nội bộ dẫn đến các nhà vệ sinh này không có.
“Mỗi khi mưa xuống, đường đến nhà vệ sinh lầy lội không thể đi nổi. Nhà tắm không có, bếp quây tạm bằng bạt hoặc tranh tre, ở đây chỉ có 1 hộ có tiền xây bếp nhưng nhà này đã chuyển đi Nam làm ăn rồi” - Trưởng bản Hồ Thị Kiên chia sẻ.
Không những vậy, sàn nhà và cầu thang được thiết kế, xây lắp bằng gỗ nhóm V nên chỉ sử dụng vài năm đã hư hỏng, xuống cấp. Ông Đinh Văn Sánh, Chủ tịch UBND xã Hương Liên cho biết: Loại gỗ nhóm V này ở địa phương chỉ dùng để làm củi chứ không ai dùng làm nhà. Dân sử dụng được hơn 2 năm bị nứt gãy, hư hỏng nên đơn vị thi công (Công ty TNHH xây dựng và thương mại Hoàng Ngọc) phải làm lại cầu thang bằng sắt cho dân.
Tuy nhiên, cầu thang chỉ làm được một bên, bên còn lại vẫn phải tận dụng thang gỗ đã nứt, gãy để đi lại. Một số nhà phải vứt bỏ, chỉ sử dụng một phía cầu thang lên nhà sàn.
Không chỉ dừng lại ở đó, việc san lấp, cải tạo đất sản xuất cho người dân bản Rào Tre được đầu tư hơn 20 tỷ đồng nhưng công năng sử dụng chưa được phát huy. Đất đai cằn cỗi, trơ lên toàn sỏi, đá nên cây cối trồng lên đều chết, đất nông - lâm nghiệp không thể sản xuất, các mô hình chăn nuôi cũng giậm chân tại chỗ.
Bế tắc giải pháp
Ông Đinh Văn Sánh thông tin, thời điểm xây dựng đề án ông chưa làm Chủ tịch UBND xã nhưng khi tiếp cận, nhận thấy đề án có nhiều hạng mục được thiết kế không hợp lý, ông đã kiến nghị nhiều lần để thay đổi thiết kế từ nhà gỗ sang nhà xây.
“Về nhà ở do Sở Xây dựng thẩm định. Kể cả cầu thang, ban công, sàn nhà được thiết kế là gỗ tạp từ nhóm V đến nhóm VIII, xã kêu rất nhiều lần, đề nghị đổi cầu thang từ gỗ sang sắt, sàn nhà làm bằng bê tông nhưng họ cắt giảm hết để tiết kiệm ngân sách” - ông Sánh nói và cho biết, Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập, các sở, ban, ngành... đến thanh kiểm tra nhiều lần nhưng tất cả các hạng mục đều được nhà thầu làm đúng quy định, không phát hiện sai phạm. Do đề án chỉ thực hiện như thế nên địa phương và dân phải chịu.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Trần Quốc Bảo cho hay, huyện đang triển khai giai đoạn 2 của Đề án “Phát triển đồng bào dân tộc Chứt tại bản Rào Tre”. Sau nhiều đợt khảo sát, Ban chỉ đạo đề án của huyện đã nhận diện được những bất cập trong giai đoạn 1.
“Đề án giai đoạn 1 có một số nội dung không phù hợp với thực tiễn cuộc sống người dân. Một phần do nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao, một phần do ngân sách hạn hẹp nên đề án phải “liệu cơm gắp mắm, cắt giảm nhiều hạng mục” - ông Bảo nói.
Cũng theo vị Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, vấn đề mấu chốt khi thực hiện đề án giai đoạn 2 là phải tìm được mô hình sản xuất phù hợp với tập tục của đồng bào dân tộc Chứt để người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, xóa bỏ hủ tục, tư duy trông chờ ỷ lại như hiện nay.
“Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để xây dựng được đề án giai đoạn 2 hiệu quả nhất. Đảm bảo vừa khắc phục được những bất cập của giai đoạn 1 vừa xây dựng được mô hình sản xuất phù hợp với tập quán sản xuất, giúp dân tự chủ cuộc sống” - ông Trần Quốc Bảo khẳng định.
Để giúp dân ổn định cuộc sống, xã Hương Liên phải bỏ tiền xây 7 nhà vệ sinh, mua dây thép gai làm hàng rào ngăn cách ở mỗi hộ, mua bể trữ nước, vận động bà con trong xã đến giúp dân bản cải tạo đất, hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi… Tuy nhiên, mọi nỗ lực của địa phương như “muối bỏ bể”.