Học cao đẳng nghề: Không nhất thiết phải có bằng tốt nghiệp THPT
Theo quy định mới nhất của Bộ LĐTB&XH, đối tượng tuyển sinh trình độ cao đẳng (CĐ) nghề sẽ không nhất thiết phải có bằng tốt nghiệp THPT, mà chỉ cần tốt nghiệp trung cấp (TC), đã đạt yêu cầu về khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Quy định này đã tạo nhiều thuận lợi cho những người muốn học nghề để kiếm việc làm ngay.
Học nghề 9+ đang là xu hướng
Chứng kiến cuộc đua vào lớp 10 THPT tại Hà Nội hàng năm, nhiều người so sánh kỳ thi này còn khốc liệt hơn việc tranh “vé” vào trường ĐH. Theo nhiều chuyên gia, HS không trúng tuyển vào lớp 10 công lập không có nghĩa là “cửa” đã đóng. Các trung tâm GDTX, các trường thuộc hệ thống GDNN... luôn sẵn sàng chào đón thí sinh, quan trọng là các em lựa chọn sao cho phù hợp.
Năm học 2021-2022, toàn TP Hà Nội có hơn 67.000 chỉ tiêu vào các trường THPT công lập trên tổng số hơn 93.000 thí sinh đăng ký dự tuyển. Nếu trừ đi số lượng HS trúng tuyển vào các trường THPT chuyên, sẽ có gần 30.000 HS không trúng tuyển vào các trường THPT công lập, chiếm khoảng 30%.
Cuối tháng 6 vừa qua, ngay sau khi Sở GDĐT Hà Nội công bố điểm trúng tuyển lớp 10 vào các trường THPT công lập, thay vì... thất vọng, nhiều phụ huynh và HS đã chọn hướng đi mô hình 9+ (vừa học văn hóa, vừa học nghề).
Tại một số trường CĐ nghề và TC nghề trên địa bàn TP Hà Nội như: CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội, CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội,... có nhiều phụ huynh đến tìm hiểu chương trình 9+, bao gồm thông tin về môi trường học văn hóa và học nghề, sức khỏe có đảm bảo cho việc cùng lúc học văn hóa và học nghề hay không…
Trên thực tế thời gian qua, một số trường TC, CĐ của hệ thống GDNN đang thí điểm tuyển sinh và đào tạo HS hoàn thành bậc THCS. Đây được xem như một giải pháp đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau bậc THCS, giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho cả người học cũng như xã hội; mở ra thêm con đường lập thân, lập nghiệp cho giới trẻ, đó là mục tiêu mà Chương trình 9+ hướng đến. Thay vì mất thêm 3 năm theo học PTTH, ngay từ khi học xong lớp 9, HS học hệ trung cấp, CĐ sẽ gia nhập thị trường lao động sớm hơn. Đồng thời, các em vẫn có cơ hội học tiếp lên CĐ, ĐH sau này.
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) khẳng định, với mô hình 9+ người học có lợi thế là có thể cân nhắc chọn học một nghề phù hợp và sẽ sớm tham gia thị trường lao động sau khi đã có bằng tốt nghiệp trường nghề. Chưa kể, trong thời gian học ở cơ sở GDNN, các em được sắp xếp hợp lý để học các môn văn hóa, đủ điều kiện sau này có thể học liên thông lên trình độ cao hơn.
Ông Nguyễn Minh Phương- đại diện Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, chương trình 9+ được nhà trường thực hiện từ năm 2018 đến nay đã mang lại hiệu quả thiết thực và rất đáng khích lệ. Chương trình 9+ rút ngắn được thời gian, tiết kiệm kinh phí học tập; sau 3 năm HS hoàn thành được chương trình văn hóa THPT, chương trình trung cấp nghề và tham gia thị trường lao động ngay. Đặc biệt, có không ít HS 9+ có kết quả học nghề và học văn hóa rất nổi trội.
Như vậy, dù xuất phát điểm không cao, nhưng việc đạt kết quả thi tốt nghiệp THPT ấn tượng đã ít nhiều góp phần thay đổi quan niệm về học nghề, học văn hóa trong trường nghề hiện nay.
Đầu ra thuận lợi
Hiện nay, nhiều trường TC, CĐ nghề đã liên kết với các doanh nghiệp để người học vừa có môi trường thực hành tốt, vừa dễ dàng có cơ hội việc làm. Đơn cử, từ năm 2020, 5 cơ sở GDNN đã tham gia ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với VinFast là Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội, CĐ Công nghiệp Huế, CĐ Công nghệ Hà Tĩnh và CĐ Lý Tự Trọng (TPHCM). Nội dung đào tạo do các trường và VinFast phối hợp xây dựng, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật GDNN, đồng thời đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn đầu ra của VinFast.
Tại Hội thảo liên quan đến đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp diễn ra vào đầu quý II vừa qua (tổ chức tại Bắc Ninh), một thông tin vui đã được đưa ra: Tỉ lệ sinh viên có việc làm khi ra trường của Trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh luôn đạt trên 95%. Mức thu nhập trung bình từ 6-12 triệu đồng/tháng, nhiều sinh viên có thu nhập 15-20 triệu đồng/tháng sau 3 năm làm việc…
Ông Đỗ Văn Giang, Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN (Bộ LĐTB&XH) nhận định, sự chuyển mình của GDNN từ đào tạo theo hướng “cung” chuyển sang đào tạo theo hướng “cầu” là bước ngoặt lớn của GDNN.
Lựa chọn học nghề thay vì học ĐH cho thấy tư duy chọn học để làm “thợ” thay vì làm “thầy” đang dần phổ biến hơn, bởi đích đến của các bạn trẻ là việc làm, là cơ hội khởi nghiệp rộng mở.