Một lòng xây dựng đời sống văn hóa
54 ông bà đại diện 54 dòng họ trong xã lên ký cam kết vận động dòng họ thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc hiếu, hỷ và đảm bảo cảnh quan môi trường. Đó là ấn tượng đặc biệt tại Hội nghị đại biểu nhân dân xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội được tổ chức hàng năm.
Dị Nậu từ xưa là xã “nông giang”, nằm ở phía đông huyện Thạch Thất, địa hình đồng ruộng bằng phẳng, người dân cần cù chất phác, tích cực thâm canh, năng suất, sản lượng lúa luôn dẫn đầu huyện, nên đã từng được là “vựa lúa” của huyện.
Mặc dù có nhiều dòng họ, đời sống tín ngưỡng tôn giáo có khác nhau, nhưng trong mọi công việc, nhân dân Dị Nậu luôn gắn bó trong truyền thống cố kết gia đình, dòng tộc, làng xã. Đó chính là yếu tố đặc biệt quan trọng để MTTQ xã Dị Nậu tổ chức có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở địa phương.
Phát huy dân chủ, chú trọng đề cao ý thức tự trọng, tình cảm, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân, gia đình, dòng họ là kinh nghiệm xuyên suốt quá trình tổ chức hoạt động của Ủy ban MTTQ, của các Ban công tác Mặt trận (CTMT) trên địa bàn xã. Hiện 6 Ban CTMT đều chú trọng cơ cấu cá nhân tiêu biểu là người có uy tín trong các dòng họ. Các kỳ họp, hội nghị của Ủy ban MTTQ xã, hội nghị Ban CTMT đều chú trọng phát huy ý kiến, sáng kiến của đại diện các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, nhất là các ông bà Trưởng các dòng họ.
Thông qua các ý kiến đó, chủ trương của địa phương, nội dung công việc của MTTQ được triển khai sâu đến các tổ chức, các gia đình, dòng họ trên địa bàn xã. Mọi người đều biết, đều giám sát và nhắc nhở nhau thực hiện các quy định của làng, xã. Các gia đình, dòng họ đều nâng cao lòng tự trọng, thi đua với nhau trong các công việc của địa phương.
Theo ông Lê Vĩnh Thịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thạch Thất, khi thực hiện các công việc, Ủy ban MTTQ xã, các Ban CTMT luôn tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền thực hiện công khai dân chủ trong các công việc hoạt động của địa phương, nhất là việc thực hiện chính sách bình xét hỗ trợ hộ nghèo, bình xét gia đình văn hóa hay các việc đóng góp các loại quỹ… Đồng thời, chủ động tham mưu, chủ trì phối hợp trong các hoạt động của địa phương. Công việc của mỗi gia đình đều có sự hiện diện của thôn, xã. Các ngày lễ trọng ở đình làng, ở các nhà chùa, nhà thờ đều có lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đồng bào địa phương không cùng tôn giáo đến chúc mừng, tham gia.
“Sức mạnh đoàn kết đã tạo nên những thành quả trên các lĩnh vực ở Dị Nậu nhiều năm qua, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở địa phương. Khi thực hiện việc này, mỗi người, mỗi nhà đều nhận rõ trách nhiệm, tạo không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp. Nông dân đã tập trung dồn điền đổi thửa, đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn, cứng hóa kênh mương nội đồng…”- ông Thịnh chia sẻ.
Tính cố kết, trách nhiệm cộng đồng, truyền thống đoàn kết của cán bộ và nhân dân đã và đang được cấp ủy, chính quyền, MTTQ xã Dị Nậu phát huy trong điều kiện mới từ những cam kết như vậy.