Di tích Quốc gia 400 năm chờ sập
Đình Yên Phú thuộc xã Khánh An, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) là ngôi đình có niên đại gần 400 năm tuổi, được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Trải qua hàng trăm năm, đến nay, công trình này đang dần bị xuống cấp, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Đình Yên Phú là một trong những ngôi đình cổ nhất của tỉnh Ninh Bình, còn lưu giữ nguyên vẹn những kiến trúc cổ xưa. Đình thờ ông Đinh Điền, là một trong số những công thần theo Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp 12 sứ quân, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt và là người tận trung với nhà Đinh. Năm 2001, đình được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóá cấp Quốc gia.
Đình Yên Phú có quy mô kiến trúc bề thế, nghệ thuật chạm, khắc trên gỗ khá tinh tế. Theo các cụ cao niên trong làng thì ngôi đình này được xây dựng cách ngày nay khoảng gần 400 năm. Đình gồm 5 gian bái đường, 1 gian chính tẩm thờ ông Đinh Điền. Quan sát từ bên ngoài, đình Yên Phú hiện còn khá nguyên trạng. Mục thị bên trong ngôi đình cổ kính, rêu phong, điều dễ nhận thấy ở đây là phần chất liệu xây dựng đình chủ yếu là gỗ, những cột trụ to lớn một người ôm không xuể, hệ thống kèo, cột, mái được chạm khắc tinh xảo…
Trải qua hàng trăm năm tồn tại, chứng kiến biết bao thay đổi, thăng trầm của lịch sử, đình Yên Phú vẫn tồn tại uy nghiêm, là nơi sinh hoạt cộng đồng của biết bao thế hệ người dân xã Khánh An. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều cây cột trong đình đã bị mục nát, mái ngói bị vỡ nhiều chỗ, tường bị rạn nứt, thấy cả phần gạch đỏ và đá... Tại 5 gian bái đường và gian chính tẩm, nhiều cột trụ bằng gỗ đã bị sụt lún, mái ngói bị thủng và có xu hướng cong vênh ở giữa, các cột, kèo bị mục ruỗng, có thể sập đổ vào bất cứ lúc nào.
Ông Đinh Văn Vinh, 70 tuổi, phụ trách quản lý di tích tại làng Yên Phú cho biết: Ngôi đình bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp từ khoảng năm 1960. Khi đó, hợp tác xã đã sử dụng đình làm nơi chứa phân bón khiến nhiều kiến trúc bị ăn mòn. Sau đó, đến năm 1972, do một số hạng mục trong đình bị hư hại nặng nên buộc hợp tác xã phải di chuyển phân bón, không tập kết ở đình nữa. Theo ông Đinh Ngọc Thất, thủ từ đình Yên Phú thì nhân dân trong thôn chủ yếu sống bằng nghề nông, kinh phí hạn chế. Bên cạnh đó, đình Yên Phú là Di tích lịch sử văn hóa được Bộ VHTTDL công nhận nên người dân không thể thay đổi kết cấu của đình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Minh- Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An cho biết: Do đình được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia nên không có sự đồng ý từ trên Bộ thì không được sửa chữa, làm thay đổi diện mạo di tích. Xã cũng đã có tờ trình báo cáo lên huyện, huyện cũng đã có văn bản gửi lên Sở Văn hóa Thể thao của tỉnh. Trong mấy năm qua, các đoàn của bộ, sở và huyện có về khảo sát nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa có kinh phí để trùng tu, sửa chữa.