Y, bác sĩ Bệnh viện Việt Đức lên đường chi viện miền Nam chống dịch
Với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt, sáng ngày 5/8, đoàn cán bộ y tế Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã tổ chức lễ xuất quân, lên đường làm nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh.
Thực hiện lời kêu gọi của Bộ Y tế, nhằm tăng cường công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng ở TP HCM, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã huy động các y bác sĩ lên đường tiếp sức hỗ trợ miền Nam. Nghe lời hiệu triệu, hàng trăm y bác sĩ đã xung phong lên đường không chỉ vì tinh thần trách nhiệm mà còn vì mệnh lệnh từ trái tim mỗi người.
Theo đó, hơn 300 y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã lên đường vào TP Hồ Chí Minh tiếp quản Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện HN Việt Đức tại TP Hồ Chí Minh. Tất cả đã chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng chạy đua với thời gian, chung sức đồng lòng tham gia chống dịch, cứu chữa người bệnh Covid-19.
Tại lễ xuất quân, GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: “Lần này Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức được Bộ Y tế giao trọng trách vào TP Hồ Chí Minh thành lập Trung tâm hồi sức tích cực cho bệnh nhân Covid-19 với sức chứa 500 giường bệnh. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, gian khổ nhưng đồng thời là một nhiệm vụ hết sức vẻ vang. Ngay khi nhận được thông báo của bệnh viện, các cán bộ của bệnh viện, đặc biệt là các bạn trẻ đã đồng loạt xung phong lên đường. đây là một nghĩa cử hết sức cao đẹp, thể hiện rõ tinh thần của người thầy thuốc”.
“Mặc dù điều đi một lượng cán bộ lớn tham gia phòng chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh nhưng vẫn sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của bệnh viện tại trụ sở chính. Tất cả việc đón nhận bệnh nhân vẫn diễn ra bình thường. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng được Bộ Y tế giao chuẩn bị cơ sở 2 tại Hà Nam để sẵn sàng thành lập Trung tâm Hồi sức cấp cứu cho 500 giường bệnh nếu dịch Covid lan rộng. Yêu cầu của bệnh viện đối với những cán bộ, y bác sĩ tham gia lên đường nam tiến lần này là phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc phòng chống dịch để đoàn quân không có người nào bị lây nhiễm bệnh. Trước đó chúng tôi đã tổ chức các lớp tập huấn để đảm bảo các em đảm bảo làm việc tốt nhưng cũng phải an toàn”, GS.TS Trần Bình Giang cho biết thêm.
Tạm xa con gái mới 17 tháng tuổi, vợ chồng bác sĩ Phạm Đình Phương đã vượt lên trên những nỗi lo về hiểm nguy, gian khổ trước mắt cùng nhau xung phong tham ra lên đường chống dịch:” Khi đã xác định lên đường, hai vợ chồng cũng biết những nguy hiểm và vất vả phải trải qua. Vợ của mình tuy sức khỏe không phải là tốt lắm nhưng bạn ấy rất quyết tâm vì người bệnh.
Khi đọc những tin về miền Nam trong những ngày qua, mình xúc động và lo lắng và vì thế càng thôi thúc càng phải đi công tác để giúp đỡ mọi người. Theo thông báo của bệnh viện là sẽ đi một tháng nhưng ngay từ lúc đăng ký vợ chồng mình cũng xác định chưa bết ngày trở về và cứ lên đường thôi. Hành trang lên đường rất đơn giản, làm sao hết sức tối giản. Khi hai vợ chồng cùng nhau lên đường vào Nam tham gia chống dịch thì cũng chỉ mong gia đình ở nhà khỏe mạnh”.
Bạn Vũ Thị Ngọc, một bác sĩ trẻ của bệnh viện chia sẻ: “Khi Bệnh viện ra thông báo khẩn đề nghị các đơn vị lập danh sách nhân lực đợt 1 sẵn sàng tham gia hỗ trợ chống dịch tại các tỉnh phía Nam mình đã đăng ký. Khi biết tin mình đăng ký tham gia lên đường vào nam chống dịch bố mẹ cũng có chút lo lắng. Nhưng với lòng quyết tâm và hi vọng mình sẽ giúp một phần nào đó để mọi người cùng nhau vượt qua dịch bệnh”.
PGS-TS Lê Tư Hoàng, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Việt Đức, cho biết chỉ ít giờ sau khi Bệnh viện ra thông báo khẩn đề nghị các đơn vị lập danh sách nhân lực đợt 1 sẵn sàng tham gia hỗ trợ chống dịch tại các tỉnh phía Nam, đã có hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đăng ký tình nguyện vào TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19.