Ca nhiễm Covid-19 toàn cầu vượt mức 200 triệu khi biến chủng Delta lan rộng

Mai Nguyễn 05/08/2021 15:42

Theo thống kê của hãng tin Reuters, các ca nhiễm vi rút Corona trên toàn thế giới đã vượt qua cột mốc 200 triệu người vào hôm thứ Tư, do biến thể Delta đang đe dọa trực tiếp khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp và các hệ thống chăm sóc y tế quá tải.

Các ca nhiễm trên toàn cầu vẫn tăng mạnh

Ít nhất 2,6% dân số thế giới đã bị nhiễm bệnh kể từ khi đại dịch bắt đầu, với con số thực tế có thể cao hơn do việc xét nghiệm ở nhiều nơi còn hạn chế. Theo phân tích của hãng tin Reuters, nếu số người bị nhiễm là dân số của một quốc gia, thì quốc gia đó sẽ đông dân thứ tám trên thế giới, sau Nigeria.

Hoa Kỳ chiếm một con số lớn trong những ca mắc được báo cáo trên toàn thế giới mỗi ngày. Các bang của Hoa Kỳ có tỷ lệ tiêm chủng thấp như Florida và Louisiana đang chứng kiến ​​số lượng bệnh nhân Covid-19 nhập viện kỷ lục, mặc dù quốc gia này đã tiêm cho 70% dân số của mình ít nhất một mũi vắc-xin. Người đứng đầu một bệnh viện ở bang Louisiana đã cảnh báo về “những ngày đen tối nhất của nước Mỹ”.

Nhân viên y tế đang mặc đồ bảo hộ trong một điểm xét nghiệm Covid-19 sau hàng loạt ca nhiễm do biến thể Delta ở Vũ Hán, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Nhân viên y tế đang mặc đồ bảo hộ trong một điểm xét nghiệm Covid-19 sau hàng loạt ca nhiễm do biến thể Delta ở Vũ Hán, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Tình hình các quốc gia ở Đông Nam Á cũng không khả quan hơn. Indonesia, quốc gia đối mặt với sự gia tăng theo cấp số nhân của các trường hợp Covid-19 trong tháng Bảy, với số ca tử vong trung bình nhiều nhất và vượt qua tổng số 100.000 ca tử vong vào thứ Tư. Nước này chiếm đến 1/5 số ca tử vong được báo cáo trên toàn thế giới hàng ngày.

Sau đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất vào tháng 4-5, Ấn Độ một lần nữa chứng kiến ​​xu hướng gia tăng nhanh của các ca bệnh. Thứ Sáu tuần trước, quốc gia này đã báo cáo 44.230 trường hợp mắc Covid-19 mới, làm dấy lên lo ngại về một làn sóng nhiễm trùng thứ ba đã buộc một bang phải đóng cửa.

Thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi loại vi rút này xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019, sẽ tiến hành kiểm tra 12 triệu dân của mình sau khi xác nhận các trường hợp nội địa đầu tiên của biến thể Delta. Thành phố đã báo cáo không có ca mắc trong địa phương nào kể từ giữa tháng Năm năm ngoái.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC (Mỹ) cho biết trong một tài liệu nội bộ, biến thể này, được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ, dễ lây lan như bệnh thủy đậu và càng dễ dàng hơn nhiều so với cảm lạnh thông thường hoặc cúm.

Vắc-xin – Hy vọng hay mối lo ngại

Sự gia tăng ca bệnh trên toàn cầu đang làm nổi bật khoảng cách ngày càng lớn về tỷ lệ tiêm chủng giữa các quốc gia giàu và nghèo. Các ca bệnh đang tăng mạnh ở khoảng một phần ba quốc gia trên thế giới, nơi nhiều trong số họ thậm chí còn chưa tiêm liều đầu tiên cho một nửa dân số.

Người dân xếp hàng dài để được tiêm vắc-xin tại một cơ sở tiêm chủng ở Karachi, Pakistan (Ảnh: Reuters)
Người dân xếp hàng dài để được tiêm vắc-xin tại một cơ sở tiêm chủng ở Karachi, Pakistan (Ảnh: Reuters)

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Chúng ta cần một sự đảo ngược khẩn cấp, phần lớn vắc-xin được chuyển đến các quốc gia giàu có cần được đưa sang những nước có thu nhập thấp hơn”.

Tiến sĩ Gregory Poland, một nhà khoa học về vắc-xin tại Mayo Clinic, đưa ra một vấn đề vô cùng quan trọng, chính là những loại vắc-xin hiện tại dù có thể ngăn chặn bệnh tật, nhưng chúng không thể ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng hoặc ngăn không cho vi-rút tái tạo trong mũi.

Ông nhấn mạnh: “Các loại vắc-xin mà chúng tôi hiện có không phải là tất cả hoặc là cuối cùng. Và chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu với các biến thể vi rút cho đến k hi có được một loại vắc-xin có khả năng ngăn chặn sự lây nhiễm và bệnh tật tốt nhất.”

Mai Nguyễn