Nghệ sĩ vẫn ngóng gói hỗ trợ
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến nhiều nghệ sĩ gặp khó khăn, không riêng nghệ sĩ có hạng lương thấp. Với việc mở rộng đối tượng được hỗ trợ trong đó có nghệ sĩ cho thấy được sự quan tâm của nhà nước đối với nghệ thuật trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, hỗ trợ đến nay vẫn chưa thấy…
Hơn một năm qua, kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19, cũng như bao ngành nghề khác, lĩnh vực nghệ thuật chịu tác động rất lớn. Thời gian các sân khấu sáng đèn thì phập phù, hoạt động trở lại nhưng một thời gian ngắn lại phải dừng. Các nghệ sĩ gần như không có điều kiện biểu diễn. Từ đó, khó khăn luôn đè nặng lên đôi vai nhiều nghệ sĩ, không ít người đã phải bỏ nghề tính kế mưu sinh.
Thời điểm giữa tháng 6 vừa qua, Bộ VHTTDL có văn bản đề xuất chính sách hỗ trợ nghệ sĩ, hướng dẫn viên du lịch có thu nhập thấp. Trong đề xuất này thì đạo diễn, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV chưa thuộc diện được hỗ trợ.
Tuy nhiên, ngày 1/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 NQ/CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã xác định rõ 12 đối tượng được thụ hưởng chính sách. Đối với lĩnh vực nghệ thuật, đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ được xác định là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Đây là thông tin nhận được nhiều sự ủng hộ của các đơn vị nghệ thuật.
Những chính sách của Chính phủ đã giúp cho những người làm nghệ thuật thấy được sự quan tâm, họ nhận thấy nghệ thuật không bị bỏ rơi trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
NSND Nguyễn Tiến Dũng- Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi rất vui vì các nghệ sĩ đã được quan tâm. Việc hỗ trợ này, đặc biệt những nghệ sĩ thuộc diện hỗ trợ lương tương đối thấp. Về phía Nhà hát Múa rối Việt Nam đã tổng hợp, rà soát theo đúng đối tượng của nhà nước, gửi lên cơ quan chức năng để giải quyết”.
NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đồng thuận với chủ trương hỗ trợ và cho biết hiện nay phía nhà hát đã gửi tất cả danh sách lên trên, và đang chờ được xem xét, phê duyệt.
NSƯT Trần Ly Ly cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với những nghệ sĩ tự do đang gặp khó khăn. Bởi đây là lực lượng không nhỏ hoạt động nghệ thuật nhưng không thể biết được để hỗ trợ: “Vấn đề này cần phải có sự nghiên cứu khác trong toàn xã hội. Không chỉ nghệ sĩ tự do mà còn lao động tự do vô cùng nhiều”- NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ.
Còn theo NSƯT Kiều Minh Hiếu, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết: Những người thuộc diện được hỗ trợ ở Nhà hát Kịch Việt Nam không nhiều.
Bên cạnh đó NSƯT Kiều Minh Hiếu cho rằng có sự bất cập trong việc xét duyệt đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ vì diễn viên trẻ mới ra trường đang trong quá trình thử thách rất đông lại không được hưởng hỗ trợ: “Từ khi các nhà hát không được ký hợp đồng chuyên môn mà chỉ có viên chức và hợp đồng thuê vụ việc. Hợp đồng thuê vụ việc phía nhà hát sẽ tự trả lương theo tiết kiệm từ nguồn thu. Nghệ sĩ trẻ mới được tuyển dụng thì rất khó khăn. Một số bạn diễn viên trẻ đang ở diện thử việc, tức là hợp đồng vụ việc thì chỉ khi luyện tập và biểu diễn mới có nguồn để trả lại càng khó khăn. Phía Ban Giám đốc cũng đang bàn, cân đối hỗ trợ đội ngũ trẻ để các bạn có tình yêu nghề, tiếp tục gắn bó”.
Khi được hỏi về gói hỗ trợ, nghệ sĩ trẻ Thanh Huyền hiện đang thuộc quân số Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết không nằm trong đối tượng được hỗ trợ chia sẻ: “Hơn 2 năm kể từ khi có dịch bệnh, cánh cửa của các nhà hát đã không biết bao lần phải khép lại. Các nghệ sĩ không được biểu diễn, nhớ nghề một phần và một phần cũng đáng lo vì sẽ không đủ kinh tế để trang trải cuộc sống, đặc biệt là các đối tượng nghệ sĩ viên chức hạng III và hạng IV với hệ số lương từ 3.0 trở xuống thì mức lương này khá thấp, khó trang trải cuộc sống đắt đỏ ở Hà Nội. Chúng tôi mong nhận được sự quan tâm sẻ chia và động viên. Mong dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi để cuộc sống của toàn dân nói chung, cũng như các nghệ sĩ được trở lại bình thường”.
Với những khó khăn trong thời điểm hiện tại, trước mắt, Bộ VHTTDL đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì gói hỗ trợ các nhà hát đưa tác phẩm lên sóng truyền hình. Về việc này, trao đổi với phóng viên, đại diện một số nhà hát cho biết đang lên ý tưởng để triển khai. Song vẫn phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 về công tác phòng chống dịch. Chương trình phát sóng sẽ được thực hiện ngay khi điều kiện cho phép. Đây là một giải pháp tình thế, là một hoạt động phù hợp trong giai đoạn hiện nay để văn hóa nghệ thuật có tiếng nói về tinh thần với người dân thông qua truyền hình.
“Khi có thông tin này anh em nghệ sĩ rất phấn khởi. Đây là sự kết hợp rất là tốt, Cục Nghệ thuật biểu diễn luôn luôn trao đổi với các nhà hát để các chương trình phù hợp nhất, mang tính đặc thù của mỗi loại hình nghệ thuật. Tuy nhiên, trước sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid – 19, để đảm bảo tuân thủ công tác phòng chống dịch, các đơn vị cũng như nghệ sĩ, diễn viên vẫn chưa thể tập luyện trở lại”- NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ.