Tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch
Một chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người và càng quan trọng hơn trong mùa dịch, nó giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao thể trạng và đẩy lùi bệnh tật. Vậy chế độ dinh dưỡng như nào là hợp lý, nhất là với người đang là F0, F1, cách ly tại nhà?
Chế độ dinh dưỡng hợp lý là sự hài hòa giữa các nhóm chất và thực phẩm, như chất bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất, đủ lượng nước lọc (2-3l) trong ngày. Trong đó, đạm sẽ cung cấp các axit amin - là nguyên liệu cho cơ thể sản xuất các tế bào của hệ thống miễn dịch. Trong giai đoạn chiến đấu với bệnh tật, đòi hỏi các tế bào này phải tăng lên. Đạm có nhiều trong thịt, cá trứng, sữa, tôm, cua. Đường bột (glucid) chủ yếu trong gạo, mì, ngô, khoai sắn, bánh kẹo.
Trong đó, các vitamin như A, B, C, D, E… sẽ góp phần nâng cao hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Vitamin A có trong gan cá, trứng, sữa và rau, củ, quả màu vàng đỏ như gấc, cà chua, cà rốt, bí đỏ… Vitamin C có trong bưởi, cam, chanh, ổi, các loại rau xanh như rau ngót, rau cải. Vitamin D có trong các thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa. Còn vitamin E có rất nhiều loại ngũ cốc, quả bơ, súp lơ, măng tây. Canxi thì có trong tôm, cua, sữa, vừng, mè… Các vi khoáng sắt, kẽm, selen có trong thịt đỏ, hàu, sò, măng tây, ngũ cốc.
Những thức ăn này được bổ sung hài hòa, hợp lý trong các bữa ăn hàng ngày sẽ giúp nâng cao thể trạng, tăng cường hệ miễn dịch phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, mọi người không tự ý bổ sung các loại thực phẩm chức năng, thuốc, các loại vitamin nếu không có sự hướng dẫn cụ thể của các bác sĩ.
Cùng với thực phẩm, thì một lượng nước vừa đủ cho cơ thể vô cùng quan trọng. Ngoài ra có thể thêm uống thêm nước dừa, sữa, nước mía, nước ép cam, bưởi, chanh mỗi ngày. Đặc biệt, bổ sung thêm gừng, tỏi, nhất là tỏi sống cũng rất tốt cho hệ miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể.
Tuy nhiên, đối với F0 khi điều trị cách ly tại nhà, theo các bác sĩ, không cần và không nên ăn nhiều thức ăn giàu đạm (thịt, cá, tôm, cua…) trong thời gian bệnh nhân đang mệt, khó thở, ho nhiều…Đa số bệnh nhân F0 mất vị giác, nên chỉ cần nấu cháo loãng để có thể ăn dễ dàng. Cháo đậu xanh giữ nguyên vỏ là một món ăn đơn giản, phù hợp và rất hiệu quả.
Cho 200 g gạo với 50 g đậu xanh vỡ đôi còn nguyên vỏ vào nồi, vo sạch, đổ 1 lít nước, nấu sôi khoảng 5, 10 phút thì tắt bếp, đậy kín nắp trong 2 giờ. Mỗi lần ăn lấy ra một bát, đun lại cho nóng ấm. Có thể nêm các gia vị như đường, muối mè, nước mắm… Cháo loãng và ấm, không ăn lạnh, có thể nuốt dễ dàng mà không cần nhai.
Ngoài đậu xanh, các loại đậu nguyên vỏ khác cũng rất tốt. Đặc biệt cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong khi mua, chế biến và sử dụng, bảo quản thực phẩm. Đối với trẻ em, người trưởng thành có bệnh lý nền: đái tháo đường, tim mạch, suy thận cấp, suy thận mạn,... cần thực hiện đúng chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ.
Còn đối với các F1, F2 cách ly tại nhà thì thực phẩm chứa Flavonoid sẽ giúp tăng khả năng chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch của cơ thể và đã được chứng minh là có thể ức chế các hoạt động của nhiều loại virút. Đó chính là trà xanh, cần tây, hành tây, cam chanh bưởi,….Cùng với đó nên bổ sung các loại thực phẩm chứa nhóm vitamin như vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E, ...
Hạn chế thức ăn chiên xào, nhiều dầu - mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp, mỳ tôm,... chứa nhiều chất béo, đường và muối không tốt cho cơ thể.Tránh các loại thức uống có gas, nước ngọt, đồ uống có chứa cồn,…Mỗi ngày cần dành ra khoảng 30 phút luyện tập thể dục với cường độ vừa phải phù hợp với tình trạng sức khỏe.