Phân hóa và lẽ công bằng

Miên Thảo 06/08/2021 11:00

Một trong những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay chính là phổ điểm tiếng Anh rất lạ, đó là sự chênh lệch điểm số rõ rệt giữa học sinh khu vực nông thôn với học sinh khu vực thành thị.

Phổ điểm tiếng Anh trong kỳ thi vừa qua có 2 đỉnh thể hiện sự chênh lệch lớn về trình độ ngoại ngữ giữa các thí sinh. Đỉnh thứ nhất (khoảng 4 điểm) với hơn 29.500 thí sinh. Đỉnh thứ 2 (khoảng 9 điểm) với hơn 24.000 bài thi.

Như vậy, có thể thấy, phổ điểm thi tiếng Anh vừa rồi đối với học sinh thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thể hiện rõ sự chênh lệch về trình độ ngoại ngữ, việc dạy và học ngoại ngữ giữa các vùng miền rất lớn, nhất là khi học sinh phải chuyển sang học online do dịch bệnh Covid-19. Vì rằng hầu hết học sinh khu vực miền núi gặp khó khăn khi thiếu internet, điện thoại thông minh.

Những năm qua phụ huynh ở khu vực thành thị đã tích cực đầu tư vào tiếng Anh cho con em. Nhiều em có máy tính bảng, điện thoại thông minh, kể cả nhiều em có thể học online với giáo viên nước ngoài. Trong khi đó, học sinh nông thôn chủ yếu học qua sách giáo khoa. Đi cùng với đó là việc thiếu giáo viên tiếng Anh cũng như trình độ giáo viên ở khu vực nông thôn, miền núi cũng bất cập.

Một phân tích khác cũng cho thấy tuy cùng làm chung một đề thi nhưng 10 địa phương có điểm thi tiếng Anh cao chủ yếu là các thành phố lớn, trong khi đó 10 địa phương có điểm thi tiếng Anh thấp nhất tập trung ở khu vực miền núi phía Bắc, vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hơn. Phải chăng đó là sự “phân hóa” và thực tế đó nói lên điều gì?

Đáng chú ý, một số ý kiến cho rằng sự phân hóa đó cho thấy sự thiếu bình đẳng giữa các khu vực trong việc học tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung. Nếu với các môn học khác khi học sinh học bằng tiếng Việt, thì khoảng cách giữa trình độ của giáo viên ở khu vực nông thôn và thành thị cũng như kết quả học tập của học sinh là không quá lớn. Thậm chí nhiều học sinh khu vực nông thôn có thành tích học tập cao hơn, “thực học” hơn so với bạn bè thành thị.

Tuy nhiên, học ngoại ngữ (cụ thể là tiếng Anh) còn đòi hỏi các yếu tố kỹ thuật, trang thiết bị... thì học sinh khu vực thành thị thuận lợi hơn rất nhiều. Kể cả việc nhận thức tầm quan trọng của ngoại ngữ trong phụ huynh khu vực thành thị cũng khác so với khu vực nông thôn.

Rút ngắn khoảng cách về trình độ tiếng Anh của học sinh giữa các vùng miền, nâng cao năng lực ngoại ngữ là yêu cầu trong quá trình hội nhập cũng như đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm cho tương lai. Với thực tế chênh lệch quá rõ thể hiện qua một kỳ thi rất quan trọng cho thấy Bộ GDĐT cũng như từng vùng, từng địa phương cần có sự điều chỉnh mang tính căn bản. Không thể để việc học ngoại ngữ theo kiểu “nước chảy chỗ trũng”, nơi nào cần, nơi nào thuận lợi thì học; còn nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì thả nổi.

Ở đây có thể thấy vấn đề cần sớm được điều chỉnh từ Bộ GDĐT, từ lãnh đạo địa phương, từ gia đình và từng học sinh khu vực nông thôn. Rõ ràng là bất cứ địa phương nào muốn phát triển kinh tế, đẩy mạnh giao thương, thu hút đầu tư nước ngoài thì việc nguồn nhân lực có trình độ ngoại ngữ là điều cần thiết, nhất là với tiếng Anh. Không thể để khu vực nông thôn mãi vẫn thiếu giáo viên ngoại ngữ, trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ, dẫn đến không ít nơi học sinh dù được học tiếng Anh thì sau khi hết Trung học phổ thông có cũng như không. Như vậy, trong cuộc đua tới tương lai học sinh vùng nông thôn tự nhiên rơi vào xuất phát điểm thấp, thua thiệt so với bạn bè cùng trang lứa ở khu vực thành thị. Mà như thế, con đường đua tới tương lai sẽ không công bằng.

Trong rất nhiều thập kỷ, chúng ta đã nỗ lực rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo, thu hẹp khoảng cách thành thị - nông thôn. Thì với riêng trong lĩnh vực dạy và học ngoại ngữ (tiếng Anh), đó phải là điều rất cần được quan tâm. Vì đó cũng là lẽ công bằng.

Miên Thảo