'Hạn hán lớn' ở dãy Andes do biến đổi khí hậu khiến một số đỉnh núi không có tuyết

Mai Nguyễn 06/08/2021 14:07

Dãy núi Andes, nơi thu hút lượng lớn người trượt tuyết đến Nam Mỹ, đang phải đối mặt với lượng tuyết rơi thưa thớt nhất trong năm nay do đợt hạn hán kéo dài hàng thập kỷ liên quan đến sự nóng lên toàn cầu.

Hình ảnh được một trong các vệ tinh Copernicus Sentinel-3 thu được cho thấy tình trạng "thâm hụt" tuyết ảnh hưởng đến dãy núi Andes ở Nam Mỹ. (Ảnh: Reuters).

Lượng mưa và tuyết rơi ít ỏi đang khiến nhiều ngọn núi hùng vĩ giữa Ecuador và Argentina chỉ được bao phủ một lớp tuyết phủ loang lổ hoặc hoàn toàn không có tuyết khi đất nâu khô lộ ra.

Ricardo Villalba, nghiên cứu viên chính của Viện Nghiên cứu khoa học về Tuyết, Sông băng và Môi trường Argentina (IANIGLA), cho biết khi lượng mưa giảm và các sông băng rút đi khắp khu vực, các cộng đồng sống phụ thuộc vào các ngọn núi để cung cấp nước có thể sẽ bị thiếu hụt.

Villalba nói: “Chúng ta đang chứng kiến ​​một quá trình giảm lượng mưa trong thời gian dài, một đợt hạn hán lớn. Nếu bạn nhìn vào lượng mưa ngay bây giờ cho toàn bộ Cordillera (dãy Andes), chúng cho thấy rằng nó không hề có tuyết hoặc có tuyết rơi rất ít”.

Nam bán cầu đang trải qua mùa đông, thời điểm mà tuyết rơi sẽ đạt đỉnh điểm. Các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết đã mở cửa trở lại sau thời gian dài đóng cửa do đại dịch và thu hút những người trượt tuyết vui vẻ đến biên giới Argentina-Chile. Nhưng lượng tuyết rơi khan hiếm đang buộc nhiều khu nghỉ dưỡng phải di chuyển tuyết để phủ các đường trượt phổ biến hoặc làm tuyết nhân tạo.

Ảnh vệ tinh được chụp từ tháng 7/2020 và năm nay cho thấy lượng tuyết phủ đã giảm rõ rệt. Điều đó được phản ánh trong các phép đo mực nước cho các con sông.

Villalba cho biết các sông băng của Andes, trong giai đoạn 2000-2010 vẫn giữ nguyên kích thước hoặc thậm chí lớn lên và hiện đang dần rút đi.

Ông cho rằng: “Các sông băng đang trong một quá trình rút lui mạnh mẽ và được đẩy nhanh hơn nhiều so với những gì chúng ta đã thấy trước đây. Điều này thật không may đang xảy ra ở tất cả các sông băng của Cordillera, và có liên quan chặt chẽ đến quá trình nóng lên toàn cầu đang ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh của chúng ta".

Mai Nguyễn