Đồng Nai: Thử nghiệm robot khử khuẩn và vận chuyển hàng hóa vào khu cách ly, phong tỏa

Mạnh Thìn 06/08/2021 17:18

Robot khử khuẩn và vận chuyển hàng sử dụng 2 động cơ; có bộ điều khiển với khoảng cách tương ứng là 200m; có kết nối micro trực tiếp qua wifi hoặc 3G. Robot này có thể vận chuyển được khoảng 100 kg hàng hóa.

Robot khử khuẩn và vận chuyển hàng hóa của thầy trò trường Đại học Lạc Hồng. Ảnh: CTV.
Robot khử khuẩn và vận chuyển hàng hóa của thầy trò trường Đại học Lạc Hồng. Ảnh: CTV.

Ngày 6/8, Khoa Cơ điện - điện tử, Trường Đại học Lạc Hồng phối hợp với Tỉnh Đoàn Đồng Nai tiến hành chạy thử nghiệm robot làm nhiệm vụ phun khử khuẩn, vận chuyển hàng hóa vào các khu cách ly, phong tỏa.

Đây là kết quả sau 7 ngày nghiên cứu, chế tạo và lắp ráp các thiết bị để hình thành robot của thầy trò khoa Cơ điện - điện tử, Trường Đại học Lạc Hồng.

Cụ thể, robot khử khuẩn và vận chuyển hàng hóa sử dụng 2 động cơ được lắp ở bánh sau; có bộ điều khiển với khoảng cách tương ứng là 200m; có kết nối micro trực tiếp qua wifi hoặc 3G. Robot có chiều dài 1250mm, rộng 890mm và cao 790mm. Robot mất 4 tiếng để xạc đầy pin và có thể vận hành liên tục từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ. Khối lượng hàng hoá mà robot có thể vận chuyển lên đến 100kg trong điều kiện địa hình bằng phẳng.

Sinh viên Phan Nguyễn Xuân Khương, thành viên dự án cho biết, “khó khăn lớn nhất trong quá trình tạo nên con robot là tìm kiếm linh kiện thiết bị. Vì dịch bệnh, đa số các cửa hàng đều đóng cửa. Vất vả lắm tụi em mới có thể có đẩy đủ mọi thứ”.

Phó Trưởng khoa Cơ điện - điện tử, Trường Đại học Lạc Hồng thầy Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ, sứ mệnh của con robot này là hỗ trợ đội ngũ tình nguyện viên của Tỉnh Đoàn trong hoạt động phân phối, phát nhu yếu phẩm cho các khu vực cách ly và bệnh viện điều trị Covid-19.

“Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca bệnh tăng lên, đồng nghĩa với việc các tình nguyện viên phải làm việc nhiều hơn. Do đó, tần suất tiếp xúc với các F0 cũng tăng lên, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 là rất lớn. Nếu cứ sử dụng sức người thì thật sự rất vất vả và nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Việc chế tạo một con robot đáp ứng được các tiêu chí về giảm tải sức người, giúp hạn chế lây lan dịch bệnh là điều cần thiết lúc này”, thầy Nguyễn Hoàng Anh nói.

Ngoài chức năng vận chuyển hàng hóa, robot này cũng đảm nhận công việc phun khử khuẩn cho các khu vục có ca lây nhiễm, khu cách ly, phong tỏa.

Sau khi hoàn tất thử nghiệm, trước mắt, Tỉnh Đoàn Đồng Nai sẽ sớm đưa robot vào hoạt động vận chuyển hàng hóa ở một số khu cách ly, phong tỏa nhằm giảm tải sức người cho các tình nguyện viên.

Đại học Lạc Hồng là cái tên không hề xa lạ với các bạn sinh viên yêu thích chế tạo robot. Đây là trường đại học khá thành công trong việc xây dựng uy tín và thương hiệu của mình khi có đến 3 năm là đại diện của Việt Nam đoạt chức vô địch Robocon châu Á - Thái Bình Dương (2014, 2017, 2018).

Mạnh Thìn