Bộ Y tế: Việc cấp bằng cho các bác sĩ nội trú là trách nhiệm của Đại học Y Hà Nội

Quang Thành - Hoàng Chiến 09/08/2021 13:30

Sau khi Báo Đại Đoàn Kết đăng tải 2 bài viết liên quan đến việc hàng trăm Bác sĩ nội trú Đại học Y Hà Nội tốt nghiệp từ năm 2007 đến 2017 (các khóa từ 28 đến 39) không được cấp đủ văn bằng theo quy định, mới đây Bộ Y tế đã chính thức lên tiếng.

Trách nhiệm thuộc về Đại học Y Hà Nội

Trả lời Báo Đại Đoàn Kết, đại diện Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (KHCN&ĐT), Bộ Y tế cho biết, đào tạo Bác sĩ nội trú (BSNT) là loại hình đào tạo sau đại học đặc thù của ngành y tế, là một trong những phương thức đào tạo những chuyên gia giỏi, nhân tài trẻ của ngành y tế áp dụng cho các chuyên ngành lâm sàng, cận lâm sàng và y học dự phòng.

Tại Khoản 2, Điều 16 của Quy chế đào tạo BSNT ban hành kèm theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BYT ngày 4/7/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế: “Học viên tốt nghiệp được cấp bằng BSNT, bằng Chuyên khoa cấp I và được đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp bằng Thạc sĩ”. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại Quy chế đào tạo BSNT của Bộ Y tế, các trường dựa vào năng lực đào tạo và các yêu cầu về bảo đảm chất lượng đào tạo của trường để xây dựng và ban hành hướng dẫn thực hiện quy chế đào tạo áp dụng cho trường mình, đảm bảo nguyên tắc chi tiết, cụ thể và không thấp hơn quy định của Bộ, nghĩa là có thể cao hơn …

“Do vậy, việc học viên tốt nghiệp BSNT được cấp Bằng chuyên khoa cấp I hay không, thứ nhất là nhà trường đã được Bộ Y tế giao nhiệm vụ đào tạo chuyên khoa cấp I cùng ngành đào tạo BSNT. Thứ hai là trường cần đưa vào hướng dẫn thực hiện Quy chế đào tạo của Trường. Với việc được đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp bằng Thạc sĩ” cũng tương tự như vậy. Nghĩa là trường phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ đúng với ngành BSNT mà Bộ Y tế đã giao. Nhà trường cần đưa vào hướng dẫn thực hiện Quy chế đào tạo”, đại diện Cục KHCN&ĐT, Bộ Y tế khẳng định.

Việc không cấp đủ văn bằng cho bác sĩ nội trú của Đại học Y Hà Nội đã tồn tại nhiều năm, ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, sự nghiệp và đời sống của các bác sĩ nội trú.

Cũng theo đại diện Cục KHCN&ĐT (Bộ Y tế), việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp văn bằng Bác sĩ nội nội trú, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, các trường sau khi được Bộ Y tế giao nhiệm vụ đào tạo sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo, xét công nhận tốt nghiệp và cấp phát văn bằng.

Hàng năm, các trường đều có báo cáo Bộ Y tế theo quy định. Trong quá trình thực hiện, Bộ Y tế đều có kiểm tra, giám sát thường quy cũng như đột xuất. Đối với đào tạo trình độ Thạc sĩ, trường cần tuân thủ theo quy định tại Quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc báo cáo, trong đó có báo cáo Cơ quan chủ quản là Bộ Y tế.

Bởi vậy, việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp phát văn bằng tốt nghiệp, trong đó có BSNT, chuyên khoa cấp I, Thạc sĩ do cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn. Có trách nhiệm giải trình theo quy định của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Khi có vướng mắc sẽ phải chủ động báo cáo kịp thời cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Các cơ sở đào tạo cần phải tuân thủ theo Quy chế đào tạo và các quy định có liên quan, bảo đảm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế. Khi nhà trường có văn bản báo cáo hay đề xuất nội dung cụ thể nào đó thì căn cứ chức năng nhiệm vụ, Bộ Y tế sẽ có chỉ đạo hướng giải quyết cụ thể theo thẩm quyền.

Đại học Y Hà Nội không cấp đủ văn bằng là vi phạm pháp luật

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, luật sư Trương Thanh Hòa, Văn phòng luật sư Kết Nối, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, vị trí vai trò của đào tạo các BSNT đã được ghi nhận trong các văn bản pháp luật là loại hình đào tạo sau đại học đặc thù của ngành y tế và đào tạo những chuyên gia giỏi, nhân tài trẻ của ngành y tế. Với loại hình đào tạo đặc thù này thì bản thân BSNT tốt nghiệp đã đầy đủ điều kiện để được công nhận và cấp bằng BSNT, bằng Chuyên khoa I, bằng Thạc sĩ. Các văn bản pháp luật cũng quy định và thừa nhận vấn đề này:

Tại khoản 2 Điều 16 Quyết định 19/2006/QĐ-BYT nêu rõ: “Công nhận tốt nghiệp: 2. Học viên tốt nghiệp được cấp bằng BSNT, bằng Chuyên khoa cấp I và được đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp bằng Thạc sĩ” .

“Như vậy, đối với bằng Chuyên khoa cấp I là học viên tốt nghiệp BSNT phải được cấp là sự đương nhiên như đối với bằng BSNT, không thể biến từ việc khẳng định “được cấp” trong quy định của một Văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực thành nghi vấn “được cấp… hay không” như đại diện phía Bộ Y tế trả lời”, Luật sư Trương Thanh Hòa khẳng định.

Luật sư Trương Thanh Hòa, Văn phòng luật sư Kết Nối, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Đơn vị thông báo và thực hiện tuyển sinh, lên chương trình đào tạo BSNT bao gồm cả chương trình đào tạo cao học là Đại học Y Hà Nội, do đó nhà trường phải có trách nhiệm với các quyết định này của nhà trường.

Trách nhiệm này bao gồm cả việc đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng từ khâu xin các cơ quan có thẩm quyền về chỉ tiêu để tuyển sinh và đào tạo; đảm bảo phù hợp với quy định chung của pháp luật, của Quy chế đào tạo BSNT do Bộ Y tế ban hành, của Quy chế đào tạo sau đại học do Bộ Giáo dục ban hành, của các Thông tư hướng dẫn giữa hai Bộ đồng thời phải phù hợp với năng lực đáp ứng của trường.

Do đó, khi đã đào tạo BSNT thì nhà trường phải có trách nhiệm để các bác sĩ ngoài việc nhận bằng BSNT thì phải được nhận đủ cả tấm bằng CKI. Đặc biệt, khi chương trình học đã bao gồm cả chương trình đào tạo cao học, đầy đủ các môn học bổ sung của chương trình đào tạo thạc sĩ, nhà trường cũng thu phí đầy đủ với các môn học này thì nhà trường phải có trách nhiệm trước các học viên tốt nghiệp BSNT về việc đảm bảo đủ chỉ tiêu cấp bằng Thạc sĩ cho họ đúng theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 30/2003/TTLT/BGD&ĐT –BYT nêu tại điều 3 mục III: “Chuyển đổi từ bằng BSNT bệnh viện sang thạc sĩ y học.

- Người trúng tuyển hệ đào tạo BSNT bệnh viện sẽ được công nhận là học viên cao học.

- Bác sĩ được đào tạo theo chương trình nội trú bệnh viện sẽ học bổ sung các môn còn thiếu trong chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành tương ứng theo Quy chế đào tạo sau đại học hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi tốt nghiệp BSNT bệnh viện, học viên sẽ được cấp bằng Thạc sĩ y học.

Bởi vậy, Luật sư Hòa cho hay, việc ĐH Y Hà Nội không cấp đủ 2 bằng còn lại là bằng Chuyên khoa I và bằng Thạc sĩ là ĐH Y Hà Nội đã vi phạm pháp luật.

“Y tế và Giáo dục luôn là hai ngành đòi hỏi sự chuẩn xác và đúng đắn. Chúng ta thượng tôn Pháp luật do đó tất cả quy định của Pháp luật đều phải được tuân thủ chuẩn xác và đúng đắn. Việc các BSNT các khóa từ 28 đến 39 tốt nghiệp từ năm 2007 đến năm 2017, 2018 không được cấp đầy đủ bằng, theo tôi là một sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng, phản ánh tiêu cực trong việc đào tạo Y khoa và ảnh hưởng nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các BSNT - của gần 1.500 con người, do đó sự việc cần phải được làm rõ đồng thời các Cơ quan có thẩm quyền cần xem xét để cùng giải quyết, khắc phục hậu quả này vì trách nhiệm không chỉ thuộc về một mình trường ĐH Y Hà Nội khi để sự việc kéo dài hơn mười năm qua”, Luật sư Hòa nhấn mạnh.

Báo Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục thông tin.

Trước đó, Báo Đại Đoàn Kết đã đăng tải 2 bài viết liên quan đến việc từ năm 2007 đến năm 2017, Đại học Y Hà Nội chỉ cấp duy nhất một tấm bằng Bác sĩ nội trú cho hàng trăm bác sĩ (các khóa từ 28 đến 39), dù trong quy chế tuyển sinh có nêu rõ, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, các bác sĩ nội trú sẽ được cấp 3 tấm bằng bao gồm: Bằng Bác sĩ nội trú bệnh viện, bằng Chuyên khoa cấp I và bằng Thạc sĩ (Đọc tiếp bài: 'Quảng cáo' 3 bằng chỉ phát 1 bằng: Đại học Y Hà Nội có 'lừa' bác sĩ nội trú?).

Điều này gây ra hàng loạt những hệ lụy, khó khăn trong công việc và ảnh hưởng tới sự nghiệp của hàng trăm bác sĩ nội trú. (Đọc tiếp bài: "Bác sĩ nội trú Đại học Y Hà Nội: Chờ đợi trong cay đắng")

Quang Thành - Hoàng Chiến