Nhiều doanh nghiệp Bình Dương muốn chấm dứt '3 tại chỗ' vì không hiệu quả
Hàng chục doanh nghiệp (DN) ở Bình Dương thực hiện hoạt động “3 tại chỗ” phải tạm thời ngừng sản xuất do có nhiều ca dương tính; nhiều nhà máy bị phong tỏa để truy vết dập dịch. Trong khi, chi phí để thực hiện “3 tại chỗ” quá lớn,… đó là những nguyên nhân cơ bản khiến các DN muốn ngưng phương án “3 tại chỗ”.
Tính đến nay, tổng số DN trong và ngoài khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Bình Dương đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ” (ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và sản xuất tại chỗ) và “1 cung đường, 2 điểm đến” là 3.436 DN.
Cụ thể, trong KCN có 1.894 DN với gần 273.842 lao động đăng lý làm việc; ngoài KCN có 1.542 DN với gần 117.179 lao động đăng ký làm việc. Khi công nhân ở lại làm việc tại nhà máy, các DN được lo ăn, cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết và một số đơn vị có chi hỗ trợ phụ cấp thêm, trung bình từ 1-3 triệu đồng/người/tháng.
Chỉ tính riêng hệ thống KCN Việt Nam-Singapore (VSIP) trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 191 DN đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” với hơn 46.000 công nhân.
Tuy nhiên, những ngày gần đây sau khi đưa công nhân, người lao động vào ở trong nhà máy đã phát sinh nhiều vấn đề mới ngoài mong muốn. Tại một số DN đăng ký “3 tại chỗ” bắt đầu tổ chức hàng tuần lấy mẫu xét nghiệm nhanh sàng lọc cho công nhân trong nhà máy.
Kết quả, qua sàng lọc mới đây đã ghi nhận có hơn 18 DN tại KCN VSIP có công nhân dương tính với SARS-CoV-2. Đối với những công ty phát hiện F0 đều yêu cầu phong tỏa, ngừng sản xuất để cơ quan chức năng truy vết khoanh vùng dập dịch.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, chủ DN chuyên sản xuất giấy bao bì tại thị xã Tân Uyên, trong thời gian giãn cách xã hội, DN muốn công nhân, người lao động không mất việc làm và có thu nhập trong mùa dịch nên đã tổ chức hoạt động “3 tại chỗ” đưa người lao động vào ở trong nhà máy.
“Kế hoạch thực hiện gây nhiều tốn kém ngoài dự đoán cả về chủ quan lẫn khách quan đem đến, và cũng khó đảm bảo rằng như vậy là an toàn. Chỉ cần tại Công ty có một ca F0 thì nguy cơ lây lan sẽ rất cao, lúc đó công ty buộc phải đóng cửa, thiệt hại là không thể tính hết”, ông Trung nói.
Ông Trần Văn Đa, Giám đốc Công ty TNHH HKL Vina (khu công nghiệp Sóng Thần 2, TP. Dĩ An) cũng cho biết, mỗi ngày công ty tôi đều phải thực hiện phương án phòng, chống dịch, tổ chức lấy mẫu test nhanh rất tốn kém...
“Mặc dù tuân thủ các phương án nhưng vì chưa bao giờ tập trung số lượng lớn người lao động sinh sống kéo dài trong nhà máy dễ phát sinh rủi ro; trong đó riêng việc lo ăn, ở cũng phát sinh nhiều chi phí lớn công ty", ông Đa chia sẻ.
Trong khi đó, thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho thấy, đến nay toàn tỉnh đã có khoảng 600 DN với hàng chục ngàn lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đáng chú ý, đã xuất hiện nhiều ca Covid-19 trong nhà máy thực hiện "3 tại chỗ" khiến việc sản xuất phải ngưng lại.
Ví dụ tại Công ty TNHH nội thất New Fortune (KCN Nam Tân Uyên mở rộng) thực hiện phương án "3 tại chỗ" đã phát hiện 37 ca dương tính.
Tại Công ty TNHH Timberland (phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên) có hơn 1.300 người ở lại công ty sản xuất "3 tại chỗ" nhưng tới ngày 27/7 đã phát hiện 233 ca dương tính.
Nhiều DN đang sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" than thở rằng, họ chịu rất nhiều áp lực vì dù đã test nhanh đầu vào khi bắt đầu thực hiện nhưng những lần kiểm tra sau đó vẫn có thể xuất hiện ca F0.
Theo Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương, qua khảo sát của hiệp hội, có tới hơn 1.000 DN ngưng hoạt động vì không đảm bảo tiêu chí để duy trì sản xuất "3 tại chỗ". Nhiều DN đang thực hiện sản xuất còn đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu vì nguồn cung ứng nguyên vật liệu đang bị gián đoạn.
"Kiến nghị cho nhân viên đại lý hải quan, nhân viên giao chứng từ xuất nhập khẩu làm hiện trường được phép đi lại khi có xác nhận của công ty, có xét nghiệm âm tính... để giúp tháo gỡ hàng hóa vật liệu tồn kho tại cảng, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng", kiến nghị của Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương nêu.
Cuối tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương phát đi công văn chỉ đạo các địa phương nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch; trong đó yêu cầu đối với những DN đảm bảo đủ điều kiện tổ chức hoạt động theo phương châm "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 địa điểm" mới được phép hoạt động, nếu không đảm bảo điều kiện phải cương quyết cho ngừng hoạt động. Còn đối với các DN cho ngừng hoạt động phải tổ chức trật tự, an toàn và xét nghiệm sàng lọc để đưa công nhân lao động về địa phương.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương Đoàn Hồng Tươi đã có công văn gửi đến các DN trên địa bàn muốn tạm dừng hoạt động, sản xuất kinh doanh theo phương án "3 tại chỗ." Hiện trên địa bàn thị xã Tân Uyên có khoảng 1.000 DN hoạt động “3 tại chỗ.”
Theo đó, UBND thị xã Tân Uyên đề nghị các DN muốn dừng hoạt động sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" phải tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho tất cả người lao động trước khi đưa người lao động trở về nơi cư trú địa phương. Thị xã Tân Uyên yêu cầu tất cả công nhân phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2.
Trước đó, tại gặp gỡ làm việc với các DN, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi yêu cầu DN phải thực hiện nghiêm túc sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến. DN nào thực hiện đúng và tốt thì cho hoạt động, còn nơi nào không bảo đảm thì kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Lợi chỉ đạo địa phương và Ban Quản lý các KCN tỉnh cần phối hợp với DN ngừng hoạt động tiến hành sàng lọc, bảo đảm đầu ra công nhân lao động “sạch Covid-19,” không để mang mầm bệnh trở về địa phương nơi cư trú.