Khó dứt điểm dự án du lịch 11 năm dang dở, vì sao?
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đích thân thị sát mặt bằng dự án Khu du lịch sinh thái, tâm linh núi Bằng Am thuộc xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam với quy mô 300 ha, do Công ty CP Quảng Cường là chủ đầu tư.
11 năm dang dở
Được phê duyệt từ năm 2010 đến nay nhưng dự án chỉ mở được 1 tuyến đường công vụ. Cụ thể, dự án được phê duyệt năm 2010 là 300 ha đến năm 2017 điều chỉnh quy mô xuống 145 ha. Năm 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp chứng nhận đầu tư, dự án được chia làm 2 giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn 1 gồm: Phân khu văn hóa tâm linh với quy mô 24,4 ha; thời gian thực hiện đến tháng 12/2018 là hoàn thành và đưa vào hoạt động. Việc hoàn thành triển khai giai đoạn 1 là cơ sở đánh giá, xem xét năng lực của nhà đầu tư làm căn cứ cho phép thực hiện giai đoạn 2 của dự án. Còn giai đoạn 2 gồm các hạng mục còn lại với quy mô khoảng 120,6 ha; thời gian thực hiện đến tháng 12/2020 đưa toàn bộ dự án vào hoạt động.
Thế nhưng, đến nay đã trải qua gần 11 năm những gì chủ đầu tư thực hiện được chỉ mang lại sự thất vọng. Bởi vì, đơn vị này chỉ mở được 1 tuyến đường công vụ dài 12 km, rộng 7 m lên đỉnh núi, trong đó có 4 km được đổ bê tông, nhưng đây là công trình nằm ngoài dự án và chính quyền sở tại cho rằng “việc đầu tư đường công vụ này đã gây sạt lở đất xuống hồ Cây Xoay, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của địa phương”. Còn lại toàn bộ các hạng mục vẫn còn nằm trên giấy.
Có mặt tại đây, chúng tôi ghi nhận, trên núi tuyến đường này giờ đây đã xuống cấp, hư hỏng. Nhiều đoạn kè và bờ taluy âm và dương bị sụt lún, sạt lở hư hỏng, đất đá tràn xuống gần chiếm hết mặt đường. Nhiều mảng bê tông cũng bị cuốn theo. Đó đây dọc con đường này vẫn còn một số máy móc thi công qua một thời gian không sử dụng đã hoen gỉ. Trong khi đó cánh đồng dưới chân núi bỏ hoang, không bóng người sản xuất, đất khô nứt nẻ, cỏ cây thay cho lúa đang bao phủ cánh đồng.
Trước thực tại của dự án, người dân rất bức xúc. Bà Phan Thị Thanh (65 tuổi), trú thôn Ngọc Thạnh, xã Đại Hồng cho rằng, do xẻ núi làm đường nên khi mưa lũ đến xảy ra sạt lở khiến đất đá tràn vào nhà dân, vùi lấp nhiều diện tích ruộng lúa. Đất đá tràn xuống hồ Cây Xoay dẫn đến hàng chục ha đất không đủ nước để sản xuất và phải bỏ hoang nhiều năm nay. Gần 11 năm vẫn dang dở dự án và chẳng biết còn kéo dài đến bao lâu nữa”. Đó cũng là ý kiến của nhiều người dân khác khi được hỏi về thực trạng dự án này.
Chủ tịch UBND xã Đại Hồng, ông Phạm Ích Khiêm thừa nhận: “Lòng hồ Khe Bò bị bồi lấp khoảng 30.000 m3 và hồ Cây Xoay khoảng 20.000 m3. Hiện nay, toàn xã có 44 ha không xuống giống được vì thiếu nước, do không sản xuất được bà con rất bức xúc mà chúng tôi cũng chẳng biết dự án này sẽ đi về đâu”.
Không để kéo dài
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: Đã qua thời gian rất dài mà Công ty Cổ phần Quảng Cường vẫn cố tình chây ỳ, chậm trễ trong việc triển khai thực hiện dự án. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân địa phương mà còn ảnh hưởng rất lớn đến công tác thu hút xúc tiến đầu tư trên địa bàn huyện Đại Lộc. Như trong thời gian qua có nhiều nhà đầu tư tiềm năng mong muốn đầu tư vào dự án nói trên nhưng tình hình như thế này họ đành bỏ đi.
“Chủ đầu tư đã không tiến hành đầu tư, nhưng cũng không tích cực hợp tác với huyện để xử lý, ảnh hưởng rất lớn đến công tác thu hút xúc tiến đầu tư trên địa bàn. Chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành xem xét thanh tra việc đầu tư dự án và tình hình sử dụng đất của Công ty CP Quảng Cường để xử lý dứt điểm việc đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật”, ông Quang nói.
Mới đây, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đích thân đi thị sát thực tế tại núi Bằng Am và làm việc với địa phương cùng các sở, ngành liên quan. Tại đây, ông Thanh đã yêu cầu thành lập đoàn thanh tra liên ngành do Sở Kế hoạch đầu tư chủ trì để thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư, tiến độ, việc xây dựng các công trình liên quan.
“Trên cơ sở đó, tham mưu để UBND tỉnh quyết định theo thẩm quyền, không để kéo dài. Đối với hạng mục đầu tư khu tâm linh chỉ được thực hiện cuối cùng sau khi tất cả các hạng mục khác trong quyết định chủ trương đầu tư và quy hoạch chi tiết đã phê duyệt được xây dựng đúng tiến độ, đúng quy định và phải báo cáo nội dung hoạt động với UBND tỉnh, được UBND tỉnh cho phép triển khai thực hiện”, ông Thanh nhấn mạnh.
Thế là qua gần 11 năm dự án vẫn dang dở để lại bức xúc cho chính quyền và người dân địa phương. Vấn đề giải quyết dứt điểm dự án này vẫn chưa có thời hạn, cho dù Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định không để kéo dài.