Hà Nội chủ động mở rộng cơ sở thu dung, điều trị
Những ngày gần đây, các chùm ca bệnh tại Hà Nội đã và đang tiếp tục được khoanh vùng, tìm cách “khóa chặt” bởi nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng y tế, lực lượng chức năng trên địa bàn.
Tuy nhiên, các ca dương tính mới qua xét nghiệm sàng lọc ho, sốt cộng đồng vẫn xuất hiện. Đáng lưu ý, trong ngày 6/8, Hà Nội xuất hiện thêm một số nhân viên cùng một siêu thị tại phố Mai Hắc Đế hay nhóm 4 thợ xây công trình trong Bệnh viện đa khoa Hà Đông dương tính SARS-CoV-2.
Nỗ lực khoanh vùng, truy vết
Theo ghi nhận của phóng viên báo Đại Đoàn Kết, siêu thị có các nhân viên dương tính SARS-CoV-2 ở phố Mai Hắc Đế bán đồ hóa mỹ phẩm. Ngay sau khi có thông tin trên, siêu thị đã trực tiếp thông báo tới khách hàng của mình thông qua trang mạng xã hội, yêu cầu toàn bộ khách hàng qua mua hàng trực tiếp trong tuần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và khám, thực hiện khai báo y tế trực tuyến. Đối với các khách hàng nhận hàng qua “shipper”, tự theo dõi sức khỏe, nếu có các biểu hiện như sốt, ho, đau họng cần liên hệ ngay với cơ sở y tế. Hiện, toàn bộ nhân viên siêu thị đã được đưa cách ly.
Được biết, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận Hoàn Kiếm đã ra thông báo khẩn tìm người đến địa điểm tiêm chủng phòng Covid-19 tại Trường THCS Trưng Vương vào chiều 3/8, theo các cơ quan chức năng, điểm tiêm chủng này có liên quan đến 1 ca F0 mới được ghi nhận.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Trường hợp này liên quan đến một ca F0 ở khu vực đường Giải Phóng, người đi tiêm là công dân của phường Phan Chu Trinh. Đây là trường hợp đi tiêm vào chiều ngày 3/8, khi đến địa điểm tiêm thì không đủ điều kiện để tiêm vì có bệnh nền và chỉ tiếp xúc với bác sĩ khám sàng lọc. Sau khi có thông báo trường hợp này dương tính với Covid-19, UBND quận ngay lập tức đã có thông báo tới những người dân đi tiêm tại điểm tiêm trong buổi chiều 3/8 để theo dõi sức khỏe và tổ chức lấy mẫu xét nghiệm. Hiện tại tất cả người dân đã thông báo lại với quận và sức khỏe vẫn bình thường. Trong trường hợp phát hiện ca F0 liên quan, UBND sẽ triển khai các bước điều tra truy vết”.
Đối với tình hình dịch bệnh trên địa bàn phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), ông Hoàn cho biết: “Hiện chúng tôi vẫn duy trì thực hiện quy định cách ly y tế tạm thời. Trong ngày 6/8, đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 6000 người trên địa bàn, là những đại diện của các gia đình. Khi có kết quả sẽ tính toán các phương án tiếp theo trên cơ sở tư vấn của CDC Hà Nội”.
Nghiêm ngặt hơn nữa các biện pháp
Nhận định về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cho biết, về cơ bản thì tình hình dịch bệnh tại Hà Nội vẫn đang được kiểm soát, số ca bệnh ngoài cộng đồng đang có dấu hiệu “giảm nhiệt”.
Tuy nhiên, không thể chủ quan với dịch bệnh vì biến thể Delta lây lan nhanh. Hà Nội cần phải thực hiện chặt chẽ, đồng bộ và thực hiện tốt các biện pháp đã đề ra, thậm chí phải nghiêm ngặt hơn nữa để sớm đẩy lùi dịch bệnh. Ông Phu cho rằng, thành phố cần bổ sung, xây dựng thêm phương án phòng, chống dịch riêng để áp dụng cho các khu chợ đầu mối, siêu thị… Bởi vì, nếu dịch bệnh xảy ra rồi cấm chợ đầu mối sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu thụ, người vận chuyển và người sản xuất. Đồng thời, Hà Nội cần bàn đến việc phòng, chống dịch ở siêu thị để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng...
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: “Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội thêm 1 thời gian sẽ là một giải pháp tốt để đánh giá tình hình diễn biến của dịch bệnh. Nếu giãn cách tốt sẽ giúp giảm bớt F0, không để lây lan”.
Khẩn trương chuẩn bị trang thiết bị, nhân lực cho các Trung tâm ICU
Liên quan đến công tác điều trị các ca Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có công văn gửi Sở Y tế Hà Nội đề nghị tăng cường biện pháp đối phó với Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội. Hiện trên địa bàn thành phố có 4 bệnh viện được giao là Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) vùng gồm Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Xanh Pôn, BV Thanh Nhàn, BVĐK Đức Giang và BVĐK Hà Đông.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, để chủ động trong công tác điều trị, Sở Y tế Hà Nội cần tổng rà soát lại toàn bộ thực trạng và khả năng thu dung, điều trị ca bệnh Covid-19 trên địa bàn Hà Nội nhằm đánh giá năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực của các bệnh viện trực thuộc và xác định khả năng đáp ứng kịch bản 100, 200, 300… ca mắc trong một ngày và ngưỡng tối đa đáp ứng được của hệ thống y tế Hà Nội. Bên cạnh đó, phân tầng điều trị cho các cơ sở thu dung, điều trị trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế thành 3 tầng. Chủ động mở rộng các cơ sở thu dung thuộc tầng 1 theo phân tầng trong tháp điều trị Covid-19.
Đặc biệt, 4 bệnh viện được giao là trung tâm hồi sức tích cực vùng phải chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống oxy, khí nén… và cử nhân lực chuyên ngành hồi sức, truyền nhiễm… đến đào tạo, tập huấn và thực hành tại các Trung tâm hồi sức tích cực quốc gia để có kinh nghiệm điều trị các ca bệnh nặng.
Hà Nội tiếp tục cách ly toàn xã hội đến 6h ngày 23/8
Chiều 6/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ra công điện số 18/CĐ-UBND trong đó nêu rõ, sẽ tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6h ngày 23/8 trên phạm vi toàn thành phố để phòng chống dịch Covid-19. Công điện cũng yêu cầu tất cả các cơ quan đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh và quy định các ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 17, bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những người được phép mới đến làm việc trực tiếp trong trường hợp thực sự cần thiết như: trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cấp bách cần thiết khác… Tại “vùng xanh”, lập các chốt bảo vệ vùng xanh; tại “vùng da cam” gồm các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện… chính quyền phê duyệt phương án phòng chống dịch, chỉ cho hoạt động khi đảm bảo các quy định phòng dịch. Tại các “vùng đỏ”, chính quyền cơ sở chủ động quyết định các biện pháp cao hơn, đảm bảo không để dịch bệnh lây lan trong khu vực, kiểm soát, khống chế trong thời gian sớm nhất.