Ái biệt ly… khổ

Việt Quỳnh 07/08/2021 09:00

Nhà thơ Đỗ Doãn Phương là tác giả của các tập thơ “Ánh chớp” (2006), “Những ngọn triều nhục cảm” (2009), “Hoan ca” (2011), “Tuyệt ca” (2013) cùng truyện ngắn “Một bông hồng và triệu bông hồng”, “Tình cơm bụi”, cùng tập thơ mới nhất vừa được ra mắt: “Ly ca” (NXB Hội Nhà văn).

Nhà thơ Đỗ Doãn Phương.

Nhìn về Đỗ Doãn Phương, thì có thể thấy là con người của thuần túy công việc. Anh ưa hí hoáy trong góc tối, có nhiều ý tưởng để ra nội dung cho số báo mới, cũng ưa mấy chuyện “buôn dưa” đồng nghiệp chỉ để vui vui. Nhà thơ thích trêu đùa, hài hước rồi cười có lúc rinh rích, có lúc phá lên như trẻ con, khi ghẹo được người khác. Nhưng nhà thơ lại rất kín đáo trong tình riêng, chuyện riêng.

Năm 2011, Đỗ Doãn Phương nhận giải thưởng Hội Nhà văn cho tập thơ “Hoan ca”. Với giải thưởng này, Đỗ Doãn Phương giữ im lặng và ít nhất với tôi, không thấy anh nhắc tới. Không rõ anh có tìm hiểu những ồn ào xung quanh giải thưởng không, hoặc cũng như thường nhiên, anh đứng ngoài dòng chảy thơ ca chung và ít giao du với văn nghệ sĩ. Làm thơ với anh, như là chuyện bình thường của ăn, của ngủ, của đi lại, sinh hoạt. Nó là nhu cầu cá nhân, hơn là thể hiện vị trí cái tôi giữa người khác, hay phân lệch thấp cao, cái thường thấy trong giới văn chương. Với giải thưởng, anh cũng coi như là đã “xong nhiệm vụ” của người làm thơ. Và cũng chỉ cần thế.

Với “Ly ca” lần này, anh chia sẻ: “Ở tuổi này, ngoài 40, mà làm và in thơ tình thì có vẻ cũng hơi “đổ đốn”, cho nên tôi đành phải nói rằng, đây là một tập hợp những bài thơ được làm rải rác từ xưa cho tới gần đây. Nhưng tất cả đều được suy ngẫm lại, diễn đạt lại bằng một thi pháp khác.

Tôi đã cố ý viết những bài thơ đó không theo một quy tắc, niêm luật hay cấu trúc nào cả, cố gắng không muốn dùng một mỹ từ nào, biểu tượng nào, phép ẩn dụ nào. Tôi dùng cách diễn đạt bình thường nhất để diễn tả đến tận cùng cảm giác về sự ly biệt. Hai nhân vật trữ tình bắt buộc phải xa nhau khi vẫn còn yêu nhau. Vậy họ phải sống như thế nào, chờ đợi như thế nào, hy vọng như thế nào, từ bỏ như thế nào, trở lại như thế nào? Tôi viết khi không thể tìm được câu trả lời, và mỗi bài thơ là một cách tôi tưởng tượng ra “cái kết” của sự ly biệt đó.

Đọc “Ly ca”, tưởng là tách ra từng bài thơ độc lập, nhưng từ đầu đến cuối, đều chỉ diễn tả sự tuyệt vọng trong đau đớn biệt ly của nhân vật nam, với một nhân vật nữ, mà không có định hình tướng, là ai. Người nữ này, đã có chồng rồi, cũng chẳng rõ cô ta có còn chút lưu luyến gì về mối tình xưa dang dở không. Còn anh người yêu cũ thì vẫn bám riết lấy người nữ qua ký ức, qua hình ảnh, qua những dõi theo nhịp sống. Sự bám riết này như một cơn bệnh thần kinh ủ lâu ngày, chỉ chực vỡ ra giữa cả khổ sở, điên cuồng, ghen tuông, ấm ức lẫn tự thỏa mãn xuê xoa.

“Tôi muốn giãi bày đến tận cùng cảm giác “ái biệt ly khổ” của mình”, nhà thơ Đỗ Doãn Phương chia sẻ. “Vì hy vọng càng đi sâu vào một nỗi khổ, ta sẽ nhận ra tất cả ý nghĩa của cuộc đời, của cái sống, cái chết, của tiền kiếp, hậu kiếp… Những ý nghĩa đó, cũng hy vọng là mục đích tìm kiếm chung của mỗi con người trong cuộc đời”.

Sinh năm 1977, tại Làng cổ Đường Lâm, tuổi thơ của nhà thơ Đỗ Doãn Phương diễn ra rất bình thường.

Rồi sau đó, cũng có một trải nghiệm của tuổi thơ đã in sâu vào tâm lý, khiến anh luôn tìm cách lý giải suốt nhiều năm qua và cho đến tận bây giờ.

Bìa tập thơ “Ly ca”.

“Số là, hồi bé tôi phải luân phiên ở hai quê: lúc sống ở quê bố, lúc chuyển về quê mẹ. Cụ thể năm lớp 1 tôi học ở quê mẹ - xã Ba Trại (huyện Ba Vì, Hà Nội). Đến lớp 2, 3 tôi chuyển về quê bố - Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Lên lớp 4 tôi lại chuyển về Ba Trại, và từ lớp 5 trở đi mới hoàn toàn ở quê bố.

Việc chuyển đi, chuyển lại trong vòng bán kính 20km đó cũng là việc bình thường khi gia đình phải sống ở hai quê để làm ăn kinh tế, nhưng mỗi lần “luân chuyển” như vậy, đứa trẻ là tôi thường bị “đứt đoạn” ký ức. Tôi nhớ như in những “lát cắt” cuộc sống (gồm cả quang cảnh, con người, và cảm xúc của bản thân) ở hai quê vào khoảng thời gian mình đã sống. Tôi thường xuyên mơ trở về căn nhà cũ ở quê mẹ tôi, nơi tôi học lớp 4, gặp lại những con người cũ, không gian cũ, như thể tôi muốn sống tiếp cuộc sống bỏ dở ở đó. Dù sau này khi lớn lên, tôi có trở lại nơi đó nhiều lần, nhưng không bao giờ tôi “cập nhật” được cuộc sống mới ở nơi đó vào trong đầu, mà luôn quay về với ký ức cũ”. Từ trải nghiệm đó, nhà thơ Đỗ Doãn Phương luôn nghĩ đến những vấn đề siêu hình về không gian, thời gian, về ý nghĩa của “cái tôi” trong cõi nhân sinh ngắn ngủi.

Nhà thơ Đỗ Doãn Phương chia sẻ, dù đã ra mắt nhiều tập thơ cũng như truyện ngắn, đạt giải thưởng danh giá, nhưng anh cũng không đi vào con đường thơ ca chuyên nghiệp đúng nghĩa. Vì theo anh, “tác phẩm in ra cũng không bán được, không sống được bằng nghề, cũng không tuân theo các “quy chuẩn nghề nghiệp” mà các nhà thơ chuyên nghiệp thường thực hành (ví dụ đọc thơ, nói chuyện về thơ, trình diễn thơ…)”.

Không đi theo con đường thơ ca chuyên nghiệp, nhưng nhà thơ Đỗ Doãn Phương cũng không cho rằng mình làm thơ nghiệp dư, tài tử: “Bởi tôi tự xây dựng cho mình một “mỹ học” về thơ một cách bền bỉ, chắc chắn. Tôi viết thơ theo quan điểm thẩm mỹ của mình đến cùng cực, hầu như không bị ảnh hưởng gì bởi mọi ý kiến xung quanh, khen cũng như chê”.

Trải qua 4 năm để viết ra tập thơ “Ly ca” - là cách mà anh đối mặt với sự chia ly (“thụ biệt ly” - là một trong 8 nỗi khổ, theo nhà Phật). Nhà thơ Đỗ Doãn Phương mong rằng “ai đó sẽ bỏ ra 40 phút để đọc 4 năm của anh và sẽ lưu lại một chút trải nghiệm nào đó để có thể dễ dàng vượt qua nỗi khổ đó, nếu chẳng may gặp phải, hay chí ít cũng cảm thấy đầy đủ hơn hạnh phúc của mình khi chưa phải “thụ biệt ly”. Nhưng rốt cuộc sau tất cả những nỗi đau về biệt ly, còn lại là trống không của ảo huyễn, những thứ không thật, nhưng lại làm khổ con người suốt kiếp.

Việt Quỳnh