Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Lê Quang Đạo: Nhà báo ‘Ái Dân’
Những năm 1936-1939 anh Lê Quang Đạo học ở Trung học Tư thục Thăng Long Hà Nội và vào Đoàn Thanh niên Dân chủ Hà Nội. Anh viết một số bài báo, được đăng công khai nhưng như anh nói: “Tôi xuất phát từ anh học sinh trung học, thích viết văn, biết chút ít về báo chí... thực ra chưa phải đã là làm nghề báo”.
Năm 1942 Thường vụ Trung ương Đảng quyết định ra tờ Cờ Giải phóng, cơ quan ngôn luận của Đảng và tờ Cứu Quốc của Mặt trận Việt Minh. Tổng Bí thư Trường Chinh phụ trách hai tờ báo, tự viết nhiều bài và biên tập chính. Anh Đạo giúp việc. Hai người làm thành Ban biên tập đầu tiên.
Anh Đạo được giao viết một số tin hay một số bài nhỏ. Anh Trường Chinh quy định số chữ, xem và sửa lại bài anh Đạo đã viết rồi trực tiếp trình bày, rất cẩn thận và công phu, đưa gửi đi in. Dần dần anh Đạo bắt đầu sửa một số bài ngắn và bản tin anh em gửi đến. Anh cũng thử và làm được vài bài thơ ngắn, tiếp đến là truyện ngắn. Các bài anh viết ký tên Ái Dân.
Anh Đạo nói: “Tôi biết viết báo, biết làm báo cũng là nhờ anh Trường Chinh”.
Sau đó, đồng chí Xuân Thủy (sau này là Bí thư Trung ương Đảng) được giao làm báo Cứu Quốc cùng anh Đạo. Hai người đã viết chung bài thơ với mấy câu đầu của anh Đạo:
Ổ rơm, chiếu cói quen nằm
Cơm ăn dưa muối, nhộng tằm mà ngon
Lệ thường đi sớm, về hôm
Khi chui bãi mía, khi luồn nương dâu.
Đầu năm 1943, Trung ương Đảng cử anh Đạo về làm Bí thư Ban cán sự Đảng Hà Nội với hai nhiệm vụ: lập lại tổ chức Đảng đã 8 lần bị địch phá vỡ thời gian 1940-1943, gây dựng phong trào cách mạng và phổ biến Đề cương Văn hóa Việt Nam của Đảng với các tiêu chí dân tộc, khoa học, đại chúng. Anh tiếp tục tham gia ban biên tập và viết bài cho hai tờ báo. Thời gian ở Hà Nội (1943-1945), anh Đạo góp phần quyết định ra đời và buổi đầu xây dựng tạp chí Tiên Phong của Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam dành cho giới trí thức và văn nghệ sĩ. Nhà văn Tô Hoài viết: “Bài xã luận tạp chí Tiên phong... trong số đầu tiên đã tóm tắt được tôn chỉ và định hướng chiến lược của Văn hóa Cứu quốc trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám 1945”.
Tháng 10/1945 Trung ương Đảng cử anh Đạo về làm Bí thư Ban cán sự Đảng Hải Phòng, để lập lại tổ chức Thành ủy, các cơ sở Đảng, xây dựng chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Anh kiêm Chủ nhiệm Việt Minh và trực tiếp chỉ đạo báo Dân Chủ, cơ quan của Việt Minh ở miền biển, với bí danh là Trần Hoạt.
Nhà báo Hoàng Phong viết: “Hoàn thành bầu cử Quốc hội khóa 1, chúng tôi bắt tay làm báo Tết Độc lập đầu tiên. Một mình Anh Đạo viết đến bốn bài: “Nhiệm vụ chiến sĩ cứu quốc miền bể” (ký Ái Dân), “Thế giới trong năm vừa qua” (ký Trần Hoạt), “Triển vọng kháng chiến” (viết chung với Hồng Thao, cũng ký Ái Dân) và bài tôi rất thích là “Tâm sự ngày cuối năm” (ký tên Lê Quang Đạo) trong đó có các câu thơ:
Xuân đã về đây lẫn bóng cờ
Súng ran như pháo giữa giao thừa
Say nằm đầu gối lên thây giặc
Lấy máu quân thù viết ý thơ.
Tháng 5/1946 tình hình Hà Nội nóng lên từng ngày, anh Đạo được điều từ Hải Phòng về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Anh lo công tác xây dựng Đảng, tổ chức quần chúng, tuyên truyền, ra báo, địch vận... Khi bàn việc đặt tên cho tờ báo của Hà Nội sẽ ra, đồng chí Nguyễn Văn Trân (sau này là Bí thư Trung ương Đảng) viết: “Người thì nêu “Chiến đấu”, hoặc “Tiên phong”, “Dũng cảm”... Sau khi suy nghĩ anh Đạo nói: “Có lẽ dùng từ Thủ đô là tốt...”. Tôi rất hoan nghênh, ý kiến Anh thật sâu sắc”.
Mùa Xuân 1949, kháng chiến còn rất gian khó. Ăn cơm cùng nhạc sĩ Văn Cao, anh Đạo đã nói:“...nếu cậu yêu Hà Nội, nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé !”. Sau đó hai tuần tờ báo Thủ đô in bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao.
Đầu năm 1948, nhà văn Hữu Mai dự lớp Huỳnh Thúc Kháng, lớp học viết báo đầu tiên do Tổng bộ Việt Minh mở: “Đây là một lớp học mang tính truyền nghề, dạy từ cách viết tin, viết phóng sự, điều tra, kết hợp với đi thực tập, dạy cả cách trình bày tờ báo, đặt tên bài… Anh Đạo là giảng viên nói về công tác tuyên truyền. Tôi đã tiếp thu từ bài nói có hệ thống, rất chặt chẽ của giảng viên. Đối với tôi Anh là một giảng viên mẫu mực về công tác tuyên truyền”.
Năm 1950 anh Đạo vào quân đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh giao anh làm Cục trưởng đầu tiên của Cục Tuyên huấn, TCCT, sau đó, năm 1955, làm Phó Chủ nhiệm TCCT. Trong gần 30 năm, anh Đạo phụ trách công tác văn hóa tư tưởng và đối ngoại của quân đội, trong đó có báo chí.
Cuối năm 1950 nhà báo Phú Bằng gặp anh Đạo khi về công tác tại báo Quân đội Nhân dân, anh Đạo nói: “...từ nay bài vở cậu viết xong, đưa tôi xem, tôi sẽ góp ý”. Nhà báo Phú Bằng kể khi nhận lại bài viết: “Bài viết của chính mình, thế mà khi tự đọc lại, nghe lạ hẳn đi. Anh Đạo đã gạt bỏ hàng loạt chữ “thì, mà, là, và....” lòng thòng và chỉnh lại những từ chính trị quân sự dùng tếu táo... Đợt sau tôi lại viết, lại nộp cho anh Đạo. Tự bảo mình phải viết rất gọn, rất chặt. Các hư từ tôi quẳng đi gần hết. Bất ngờ thay, khi nhận lại bài đã duyệt tôi thấy nó dài ra… Lần trước Anh Đạo quét dọn cho mình các từ thì bài mình viết thêm gọn, rõ. Nay bài mình Anh Đạo lại thêm ý, thêm một số từ để chuyển ý ấy làm cho câu văn có lúc như lơ lửng, có lúc nhấn mạnh hẳn. Câu chuyện trở nên sinh động hơn, kín kẽ hơn và hợp lý hơn. Lại thêm một thử thách mới trong nghề báo. Và Anh Đạo lại cầm tay tôi dắt dẫn bước đi đầu”.
Năm 1961, đồng chí Nguyễn Đình Ước (sau này là Trung tướng, PGS) về phụ trách Tạp chí QĐND đã viết: “Tôi còn nhớ mãi những lời đầu tiên Anh nói: “Làm tạp chí lý luận là một việc rất khó. Làm sao từ thực tiễn... khái quát được quy luật, đúc rút thành lý luận....”; “Lúc duyệt bài Anh thường phân thành 3 “giai đoạn”: Bài đã đúng, đã đủ ý chưa. Cấu trúc như vậy chặt chẽ chưa (Anh thường đọc xuôi rồi lại đọc ngược)...”.
Ngày 18/12/1989 Quốc hội Khóa 8 (1987-1992) do anh Đạo làm Chủ tịch đã thông qua Luật Báo chí. Mười năm sau, năm 1999, ngày 17/5/1999 anh Đạo đã có bài “Phát biểu về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật Báo chí” đọc tại Hội trường. Sau bài phát biểu này 2 tháng, Anh Đạo đã ra đi.
Lại nhớ, năm 1947 tôi lên chiến khu Việt Bắc, tham gia làm tờ báo đầu tiên của hội phụ nữ. Từ đó, tôi viết báo, viết văn và tham gia Hội Nhà văn, Hội Nhà báo.
Tôi và anh Đạo có nhiều điểm chung, đều là học sinh tham gia cách mạng, ham đọc và hay viết. Trong danh chữ “nhà văn Nguyệt Tú” công không nhỏ thuộc về anh. Làm giám đốc, bận việc nhà, nhiều lúc tôi ngại viết sách. Anh Đạo không những thông cảm, còn động viên tôi viết. Anh giúp thu thập tài liệu, góp nhiều ý kiến rất bổ ích. Khi tôi viết truyện “Chị Minh Khai”, anh nhắc: “Chị Minh Khai là một phụ nữ, một người mẹ. Nên viết sao cho phù hợp, đừng biến chị thành “siêu nhân”.
Tôi vẫn còn nhớ buổi tối hôm đó. Tôi nhờ anh xem và góp ý bài báo vừa viết xong. Anh Đạo bị viễn bẩm sinh, mắt nhìn kém. Đêm đã khuya, Anh vẫn ngồi cặm cụi đọc bài báo.