‘Giải cứu’ cảng Cát Lái
Trước tình hình ùn tắc nghiêm trọng tại cảng Cát Lái những ngày qua gây ảnh hưởng xấu đến chuỗi cung ứng, tăng chi phí logistics và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các cơ quan, đơn vị đã khẩn trương triển khai các giải pháp.
Theo đó, Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý khó khăn, giải phóng hàng ở cảng Cát Lái trước nguy cơ có thể phải tạm ngừng tiếp nhận tàu. Văn bản nêu rõ, thời gian qua, một số nhà máy, xí nghiệp ở khu vực phải thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động do bị phong tỏa để phòng dịch Covid-19 nên nhu cầu lấy hàng tại cảng giảm. Trong khi đó, lượng container nhập về cảng từ tàu biển vẫn tăng trưởng khiến hàng hóa tồn tại cảng tăng cao, nguy cơ cảng Cát Lái có thể phải tạm thời ngừng tiếp nhận tàu trong thời gian tới. Điều này ảnh hưởng xấu đến chuỗi cung ứng, tăng chi phí logistics và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan và các đơn vị liên quan) có cơ chế cho phép Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (Tân Cảng Sài Gòn - doanh nghiệp vận hành cảng) vận chuyển container hàng nhập khẩu; trong đó có container tồn đọng trên 90 ngày về lưu giữ, thông quan, giao cho khách hàng và thanh lý hàng tồn đọng tại các cơ sở gồm: Tân Cảng Hiệp Phước, các ICD (cảng cạn): Tân Cảng Nhơn Trạch, Tân Cảng Long Bình (Đồng Nai), ICD Tân Cảng Sóng Thần (Bình Dương).
Trước mắt, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho phép doanh nghiệp nộp bản chứng thư scan bằng điện tử trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và bổ sung bản gốc sau để hạn chế người đến cảng làm thủ tục; ban hành cơ chế riêng trong việc làm thủ tục thông quan và vận chuyển hàng hóa nhập khẩu từ các cảng biển, cửa khẩu về lưu giữ tại các địa điểm thông quan trung gian. Đồng thời, TP Hồ Chí Minh lập điểm xét nghiệm nhanh và cấp giấy 24/7 tại địa điểm do Tân Cảng Sài Gòn đề xuất để phục vụ đối tượng lái xe có giấy chứng nhận hết hạn hoặc sắp hết hạn ra, vào cảng Tân Cảng Cát Lái được thuận tiện, nhanh chóng.
Trước đó, cuối tháng 7/2021, Tân Cảng Sài Gòn có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng về khó khăn trong tổ chức hoạt động cảng Cát Lái. Cụ thể, sau 3 tuần TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng dịch, dung lượng tồn bãi tại cảng Cát Lái luôn chạm mức hết công suất, đặc biệt dung lượng dành cho hàng nhập luôn trên 100% công suất.
Cùng với đó, lực lượng lao động của cảng này cũng bị thiếu hụt 50%, chỉ còn 250 công nhân/ngày, trong khi để duy trì hoạt động thường xuyên, lượng nhân sự cần thiết (bắt buộc) phải có mặt tại hiện trường trong ngày (3 ca sản xuất - tiếp nhận trung bình 12 chuyến tàu container xuất nhập khẩu) là 500 người. Vướng mắc về lượng hàng tồn và công nhân tác nghiệp khiến cảng Cát Lái đối mặt nguy cơ tạm ngừng hoạt động để chờ giải phóng hàng.
Thông tin với báo chí, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang cho biết, ngay sau khi nhận được báo cáo của doanh nghiệp, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đã nhanh chóng làm việc với Tân Cảng Sài Gòn và thống nhất 3 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho cảng Cát Lái.
Theo báo cáo mới nhất, hiện Tân Cảng Sài Gòn đã lên kế hoạch và thực hiện chuyển container hàng nhập tồn lâu ngày (trên 90 ngày) đi cảng Tân Cảng Hiệp Phước để lấy thêm chỗ chứa container hàng nhập tại cảng Cát Lái; nghiên cứu ban hành chính sách giảm giá để khuyến khích chủ hàng đến nhận hàng sớm tại Cát Lái và Hiệp Phước như: thương thảo hợp đồng chuyển một số tàu sang các bến cảng: Tân Thuận, Bến Nghé; điều chỉnh thời gian hạ bãi cảng đối với container hàng khô thông thường tại Cát Lái, tiếp nhận container trước không quá 3 ngày so với thời điểm dự kiến tàu đến cảng,...
Cùng với nỗ lực từ phía các Bộ, nhằm giải quyết lượng hàng hóa nhập khẩu tồn bãi tại cảng Cát Lái, tối 5/8 Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết sẽ thống nhất quy trình với khách hàng, hãng tàu, cơ quan hải quan trước các đợt vận chuyển từ cảng Tân Cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) đến các cảng cạn/ICD lân cận. Toàn bộ chi phí vận chuyển và chi phí nâng hạ hai đầu (nơi đi và nơi đến) do Tân Cảng Sài Gòn chi trả.
Lập tổ phản ứng nhanh, chống ùn tắc hàng hóa tại cảng, cửa khẩu
Ngày 6/8, Cục Hải quan TP HCM thành lập tổ phản ứng nhanh thông quan hàng hoá phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19 (Tổ 1080) và tổ Thường trực chống ùn tắc hàng hoá tại cửa khẩu (Tổ 1081). Tổ phản ứng nhanh thông quan hàng hoá giúp duy trì thông suốt hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, đảm bảo thông quan nhanh nhất đối với các loại hàng hoá, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tổ Thường trực chống ùn tắc hàng hoá tại cửa khẩu tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, giải pháp tạo thuận lợi thương mại. Đồng thời báo cáo, tham mưu, đề xuất các giải pháp cấp bách nhằm giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong thẩm quyền.
Cục Hải quan TP HCM cho biết, sau 3 tuần thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, hàng nhập và hàng xuất tồn ở cảng Cát Lái rất nhiều. Cụ thể, tổng tồn tại cảng Cát Lái đến thời điểm này là 106.717 teu, chiếm 86% dung lượng bãi. Hàng nhập tồn 50.872 teu, chiếm 95% dung lượng thiết kế. Hàng xuất tồn 30.000 teu chiếm 76% dung lượng thiết kế.
Thanh Giang