Chàng trai 'gọi là có mặt' làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo
Gần một tháng nay, người dân sinh sống tại TP HCM đã nhẵn mặt với chàng trai Chu Văn Huân, bởi cứ hễ nơi nào có người gặp khó khăn, gọi ngay cho Huân... Huân sẽ có mặt.
Trên con xe màu xanh xám có phần cũ kỹ, Chu Văn Huân (32 tuổi, Gò Vấp, TP HCM) lái xe đi khắp các ngõ ngách tìm người khiếm thị, vô gia cư, người nghèo… bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 để giúp đỡ, hỗ trợ. Những người ở xa nếu cần sự trợ giúp cũng được anh ra tay cưu mang.
2 bếp cơm gia đình đỏ lửa “nhen” yêu thương
Sau ngày TP HCM có lệnh giãn cách xã hội, anh Huân cùng với bà Trần Thị Lệ (mẹ anh – PV nói) đã lên ý tưởng về bếp ăn trao tận tay cho người gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thấu hiểu những nỗi vất vả của người nghèo, đặc biệt là người khuyết tật… khi TP HCM bị ốm, họ hi sinh quỹ thời gian quý giá để giúp đỡ những phận người kém may mắn.
2 bếp cơm cách nhau độ 1 cây số, địa điểm khác nhau là thế nhưng lại chung một giờ đỏ lửa. Đúng 4h sáng, tại 2 điểm bếp nằm trên đường Gò Vấp đã rộn vang tiếng cười nói của những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Họ cùng nhau thức dậy, tất bật nấu hàng trăm suất ăn từ thiện rồi chia nhau đi khắp các quận, huyện để tặng người khuyết tật và người lao động nghèo.
Nhờ sự tư vấn của mẹ, Huân không gặp nhiều khó khăn khi chọn mua thực phẩm cho mỗi bữa ăn tặng người nghèo. Bữa ăn có đầy đủ rau, củ, quả và cả cá, thịt, những thực phẩm tươi ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ tặng kèm những phần quà cùng với hiện kim ship tận nơi cho người nghèo. Đều đặn, mỗi ngày có gần 700 suất cơm nóng hổi được chính chàng trai trẻ Chu Văn Huân trao tận tay những phận đời kém may mắn.
Chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết Online, anh Chu Văn Huân, người sáng lập 2 bếp cơm cho biết: “Thông thường, khi thành phố chưa thực hiện giãn cách, những người nghèo còn có thể đi làm việc này việc kia để kiếm sống, bây giờ Sài Gòn "bị ốm", họ không tự kiếm ra tiền để chi tiêu, vậy nên cuộc sống rất chật vật. Xuất phát từ tình thương đối với người mẹ khiếm thị, tôi và một số người thân trong gia đình đã lên ý tưởng về bếp ăn miễn phí phát tận tay cho những người khuyết tật, người nghèo, những hoàn cảnh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thương họ, tôi ra tay cứu giúp”.
Những ngày đầu khi bếp cơm đi vào hoạt động, anh Huân gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với người khiếm thị, những người nghèo do đa phần họ rất ngại giao tiếp với người lạ. Thế nhưng, bằng chính tấm lòng thiện lương của mình, anh lấy được sự tin tưởng, lâu dần họ quen với sự có mặt của anh, chàng trai hiền lành, chân chất. Cứ vậy, họ truyền tay nhau nhắc về Huân, mỗi lần gặp khó chỉ cần gọi cho anh, anh lập tức có mặt.
“Ban đầu, tôi nghĩ chắc cũng chỉ cố gắng duy trì bếp ăn vài ba hôm để giúp đỡ người khiếm thính. Thế nhưng, càng làm tôi lại thấy có nhiều hoàn cảnh cần nhận được sự giúp đỡ hơn nữa. Bây giờ mà tôi dừng không làm nữa thì những người gặp khó khăn, họ không biết trông cậy vào ai”, Huân tâm tình.
Đến nay, không chỉ riêng khu vực Gò Vấp, những trường hợp gặp khó khăn ở những địa điểm lân cận như: Hoocmon, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Phước… cũng được anh sẵn sàng giúp đỡ. Những trường hợp ở xa hơn, chỉ cần gửi hình sẽ có ngay khoản tiền hỗ trợ.
Lo chuyện bao đồng… tìm niềm vui từ nụ cười của người nhận
Những ngày trời mưa to, không tận tay giao được những suất cơm cho người nghèo, người vô gia cư, lao động… anh Huân ngồi thẫn thờ một góc, gương mặt buồn thiu. Mẹ anh thấy vậy, lòng nặng trĩu… thương con.
Bà Trần Thị Lệ, mẹ Huân cho biết: “Mới đầu, Huân có ý định thực hiện bếp cơm miễn phí phát tận tay cho người nghèo tôi cũng không đồng tình do sợ con vất vả. Thế nhưng, thấy được tấm lòng thương người, sự quyết tâm của con, về sau tôi đồng ý cho cháu thực hiện”.
“Bây giờ, mỗi lần nghe được lời cảm ơn từ những người mà con tôi đã giúp đỡ. Biết con làm được nhiều việc có ích, tôi mừng lắm”.
Không kể ngày mưa hay ngày nắng, những hôm mưa to, anh chờ mưa ngớt, mặc vội chiếc áo mưa, đi giao luôn cho kịp giờ ăn của người nghèo.
Từ ngày thành phố siết chặt hơn quy định giãn cách, việc đi tặng cơm của nhóm gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là tại những khu vực đang phải phong toả, nhóm chỉ có thể đặt cơm ở ngoài chốt gác rồi gọi mọi người ra nhận.
Tuy nhiên, những người khuyết tật thường đi lại khó khăn, việc liên lạc cũng không thuận tiện nên đa phần anh đều tự chủ động liên hệ. “Những cô chú làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát đa phần đều biết mình đi làm thiện nguyện nên một số người cũng tạo điều kiện giúp đỡ cho mang vào tận tay”, anh Huân cho biết.
Anh Huân cho hay, dù giao cơm đến đâu, anh cũng cố gắng đảm bảo giữ khoảng cách, trang bị khẩu trang, đồ bảo hộ, tấm chống giọt bắn để bảo vệ bản thân và cho người xung quanh. Anh cho rằng: “Anh đi ngoài đường nhiều, lỡ có nhiễm virus, anh ốm thì không sao, người nghèo mà ốm thì tội họ lắm”.
Huân kể: "Có những thời điểm, bếp ăn gia đình tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, nguồn kinh phí hạn hẹp, vì thế nên cũng có những hôm bếp ăn không hoạt động. Thay vào đó, tôi hỗ trợ bằng hiện kim, rồi nhanh chóng tìm nguồn hàng hoặc kêu gọi hỗ trợ. Tôi cố gắng duy trì mô hình bếp ăn nấu cơm miễn phí cho bà con đỡ khổ”.
“Động lực tiếp sức cho tôi thực hiện những việc ‘bao đồng’ này chính là ánh mắt, nụ cười đầy hi vọng của những người nghèo khổ đang chơi vơi, sống lay lắt giữa đại dịch”.
Trung bình mỗi ngày, Huân nhận được khoảng 70- 100 tin nhắn cầu cứu, mong nhận được sự giúp đỡ. Những dòng tin đau đến nhói lòng mà không một ai muốn nhìn thấy. Điện thoại reo, cơm đã nấu xong, anh Huân tức tốc lên đường.
Trong thời gian tới, Anh Huân cũng như bao người dân TP HCM chỉ mong dịch nhanh hết để cuộc sống trở về với quỹ đạo bình thường. Về phần mình, anh hi vọng sau khi hết dịch có thể tiếp tục giúp đỡ, san sẻ yêu thương, bớt chút gánh nặng cho những người lao động nghèo trên địa bàn thành phố, nhân lên những nghĩa cử cao đẹp.