Vụ 'TPCN trong văn bản của Bộ Y tế': Hết thời hạn kiểm điểm, trách nhiệm thuộc về ai?

PV 07/08/2021 17:20

Mới đây, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Cục Quản lý Y dược Cổ truyền báo cáo, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến vụ xây dựng công văn 5944/BYT-YHCT. Báo cáo phải gửi về Vụ Tổ chức cán bộ trước ngày 3/8. Tuy nhiên, đến nay, khi đã quá thời hạn xem xét kiểm điểm, dư luận vẫn chưa nhận được câu trả lời thích đáng về quá trình kiểm điểm và trách nhiệm.

Những ngày qua, dư luận không khỏi hoang mang về nhiều thông tin liên quan đến thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) Kovir có tác dụng phòng và điều trị Covid-19 không chỉ khiến cho đời sống của người dân càng thêm khó khăn mà còn tác động đến tâm lý của cộng đồng dân cư, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Trước đó, Công văn số 5944 được ban hành vào ngày 24/7, trong đó phần đính kèm có liệt kê danh sách 12 loại thuốc cổ truyền, sản phẩm phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19, trong đó có viên nang Kovir.

Nội dung Công văn nêu rõ "các sở y tế căn cứ danh mục trong công văn này tham khảo lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận tài trợ để hỗ trợ điều trị cho người bệnh Covid-19 tại địa phương".

Ngay sau đó, công văn này đã vấp phải sự phản đối trong dư luận. Bộ Y tế cũng đã nhận được một số thông tin phản ánh về một số nội dung chưa phù hợp, gây hiểu nhầm, có nguy cơ tích trữ, nâng giá bán làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch và tâm lý người dân.

Vì vậy, chỉ 2 ngày sau khi ban hành, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký văn bản thu hồi công văn này.

Điều đáng nói, sản phẩm này được khuyến nghị dùng khi chưa được cấp phép công bố sản phẩm. Và lý giải cho điều bất thường này, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược Cổ truyền đã cho rằng "đây có thể là sự nhầm lẫn. Viên nang Kovir là sản phẩm được cho, sản phẩm đi vận động, xin về".

Chính điều này khiến dư luận đặt câu hỏi "liệu có điều gì mập mờ sau những khuyến nghị của Cục Quản lý Y dược Cổ truyền về việc sử dụng các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng) vào công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19", nhất là khi sản phẩm tăng giá đột ngột chỉ trước khi được đưa vào danh sách khuyến nghị sử dụng của Bộ Y tế ít ngày.

Và liệu rằng, sự im lặng của Cục Quản lý Y dược Cổ truyền trước yêu cầu báo cáo, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến vụ xây dựng công văn 5944/BYT-YHCT về hành vi quảng cáo về thuốc Kovir sai sự thật có phải là một sự “nhầm lẫn” nào đó giống như lý do mà ông Cục trưởng Cục Quản lý y dược Cổ truyền đưa ra khi sản phẩm Kovir được khuyến nghị dùng khi chưa được cấp phép công bố sản phẩm hay không?

“Nhầm lẫn” nhưng vẫn “tham mưu”

Mặc dù ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y dược Cổ truyền đã cho rằng TPBVSK Kovir được khuyến nghị dùng khi chưa được cấp phép công bố sản phẩm là “nhầm lẫn”, thế nhưng, Cục Quản lý Y dược Cổ truyền do ông Nguyễn Thế Thịnh làm Cục trưởng cũng chính là đơn vị làm nhiệm vụ tham mưu cho Bộ Y tế ban hành công văn số 5944/BYT-YHCT, sau đó lại đề xuất Bộ thu hồi do có một số nội dung chưa phù hợp.

Đáng chú ý, trước khi tham mưu cho Bộ Y tế ban hành và thu hồi công văn số 5944/BYT-YHCT, Cục Quản lý Y dược Cổ truyền cũng đã từng ban hành nhiều công văn do Cục trưởng Nguyễn Thế Thịnh ký gửi tới Sở Y tế tại nhiều địa phương - những nơi đang là “điểm nóng” dịch Covid-19 về việc sử dụng sản phẩm YHCT và hướng dẫn sử dụng thuốc, sản phẩm YHCT trong phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19.

Trong công văn số 5944/BYT-YDCT về tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu, thậm chí, Cục Quản lý y dược cổ truyền còn hướng dẫn các địa phương sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Viên nang cứng Kovir của Công ty Sao Thái Dương từ khi sản phẩm này chưa được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành.

Việc để một đơn vị đã từng ban hành nhiều công văn hướng dẫn sử dụng cả sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ chưa được cấp phép như Cục Quản lý Y dược Cổ truyền làm nhiệm vụ tham mưu cho Bộ Y tế ban hành công văn số 5944/BYT-YHCT có dấu hiệu “chỉ định thầu”, sau đó lại tham mưu Bộ ra công văn thu hồi khi vấp phải những ý kiến trái chiều liệu đã thực sự thoả đáng? Trong trường hợp xảy ra sai sót, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19, trách nhiệm sẽ thuộc về người đứng đầu đơn vị làm nhiệm vụ tham mưu cho Bộ Y tế?

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, ông Nguyễn Thế Thịnh trên cương vị là Cục trưởng Cục Quản lý Y dược Cổ truyền đã có dấu hiệu vi phạm luật, gây hiểu lầm trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Luật sư Tùng cho rằng: Sản phẩm “Kovir”, “Nobel tăng cường miễn dịch” của Công ty CP Sao Thái Dương là thực phẩm chức năng (hay còn gọi là thực phẩm bảo vệ sức khỏe) và không có tác dụng như thuốc chữa bệnh nhưng ông Thịnh lại đính kèm trong công văn là có tác dụng chủ trị, điều trị bệnh.

Đặc biệt, khi trả lời báo chí, ông Thịnh còn phát biểu “là thuốc đông y, sử dụng không có hại gì…”. Đây là sự nhầm lẫn nghiêm trọng về tính chất của sản phẩm, công dụng cũng như cả tính pháp lý của sản phẩm.

"Việc ông Thịnh trả lời cho công văn sai phạm, nhầm lẫn về tính chất của sản phẩm là sai lầm, không những vậy còn có sự lấp liếm cho sai phạm của mình", luật sư Tùng nêu quan điểm.

Luật sư viện dẫn: Tại khoản 15, Điều 6, Luật Dược năm 2016 quy định: “Những hành vi bị nghiêm cấm: Thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh; Điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh; Điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế".

Thông tư 05/2016/TT-BYT của Bộ Y tế cũng quy định rõ: “Cấm người kê đơn kê vào đơn thuốc các thuốc, chất không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh; các thuốc chưa được phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam; thực phẩm chức năng; mỹ phẩm”.

Ngày 29/12/2017, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 52/2017/TT-BYT quy định việc kê đơn thuốc hóa dược; sinh phẩm trong điều trị ngoại trú (kê đơn thuốc). Theo đó, quy định không được kê vào đơn thuốc các nội dung tại Khoản 15 Điều 6 Luật Dược, như: thực phẩm chức năng; mỹ phẩm; các thuốc, chất không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh…

Từ những căn cứ trên, đối với hành vi của ông Thịnh, các cơ quan chức năng cần xem xét những vi phạm nêu trên, cần thiết tiến hành các biện pháp xử lý kỷ luật khi ban hành công văn có nhiều sai phạm.

Trước đó, thực phẩm chức năng Kovir của Sao Thái Dương từng bị Cục ATTP cảnh báo vì những quảng cáo có công dụng hỗ trợ điều trị Covid-19. Cục ATTP khẳng định, không có loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị Covid-19.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng khẳng định, đến nay chưa có bất kì loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được Covid-19 hay kháng Covid-19. Ngoài ra, các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe cũng không được phép ghi công dụng “điều trị bệnh”.

PV