Đồng chí Lê Quang Đạo: Tấm gương ngời sáng về tinh thần đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội
Ngày 8/8/2021, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Ðạo - Người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh, người chiến sĩ cách mạng, người lãnh đạo tiền bối có nhiều công lao to lớn đối với Cách mạng Việt Nam. Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí được Ðảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách khác nhau.
Ở bất kỳ cương vị nào, bất luận hoàn cảnh nào, đồng chí luôn nêu tấm gương ngời sáng về tinh thần tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với cương vị là Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ khóa VIII (1987 - 1992), đồng chí đã cùng với Quốc hội đảm đương sứ mệnh cao cả là xây dựng khuôn khổ pháp lý làm nền tảng cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Ðại hội VI của Ðảng (tháng 12/1986) khởi xướng.
Với phương châm đổi mới tư duy pháp lý, Quốc hội khóa VIII đã chương trình hóa việc xây dựng pháp luật và định ra quy trình làm luật nhanh chóng, bảo đảm xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật phục vụ công cuộc đổi mới. Dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Quang Ðạo, Quốc hội khóa VIII có nhiều kỳ họp nhất so với các Quốc hội khóa trước (11 kỳ họp); dành nhiều thời gian, trí tuệ bàn và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của đất nước; thông qua nhiều đạo luật có vai trò thể chế hóa, đưa đường lối đổi mới của Ðảng vào cuộc sống ở vào thời điểm cái cũ vẫn tồn tại, cái mới bắt đầu xác lập chưa vững chắc, còn gặp nhiều lực cản, khó khăn, thách thức.
Quốc hội khóa VIII đã ban hành hai bộ luật, 29 đạo luật và Hội đồng Nhà nước ban hành 39 pháp lệnh. Số lượng văn bản được ban hành trong nhiệm kỳ này nhiều hơn cả số luật của bảy khóa trước cộng lại. Nhằm phục vụ việc chuyển sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, góp phần phát huy mọi tiềm năng của đất nước, trọng tâm hoạt động lập pháp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII là tập trung ban hành các luật và pháp lệnh quan trọng về kinh tế như Luật Ðầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty, Luật Ðất đai, Pháp lệnh về hợp đồng kinh tế, các pháp lệnh về ngân hàng...
Bên cạnh đó, Quốc hội và Hội đồng nhà nước cũng đã ban hành nhiều luật và pháp lệnh nhằm đổi mới hoạt động trong lĩnh vực chính trị như Luật Công đoàn, Luật Báo chí, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân… Ðể tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân, bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, Quốc hội cũng đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân...
Ðặc biệt, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII, Quốc hội đã soạn thảo và thông qua Hiến pháp năm 1992 - bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc đổi mới tư duy pháp lý, đặt ra nền tảng pháp luật cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Quá trình xây dựng Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, phát huy dân chủ rộng rãi với việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào bản dự thảo Hiến pháp với tinh thần nghiêm túc, sôi nổi, dân chủ, thể hiện ý thức trách nhiệm cao của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân(1).
Cùng với việc ban hành các luật và pháp lệnh, Quốc hội khóa VIII đã có nhiều đổi mới trong hoạt động giám sát, nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào nhiều vấn đề cấp bách, nóng bỏng, như tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước; tình hình phân phối, lưu thông, giá lương tiền, chống lạm phát; giải phóng sức sản xuất của các thành phần kinh tế gắn với giao quyền tự chủ cho các xí nghiệp quốc doanh, thực hiện "khoán hộ" trong nông nghiệp, tháo gỡ cơ chế cho phát triển khu vực kinh tế dân doanh, kinh tế tư nhân; giải quyết việc làm, từng bước ổn định đời sống nhân dân; về cải cách giáo dục, bước đầu thực hiện xã hội hóa trong giáo dục; tình hình chống tham nhũng, buôn lậu, lập lại trật tự, kỷ cương… Hoạt động giám sát được thực hiện theo chương trình định trước, chú ý đi vào một số địa phương và những ngành quan trọng, xem xét những vấn đề trọng tâm, vừa nghe báo cáo tình hình, vừa cử đoàn kiểm tra tại chỗ.
Thể hiện trách nhiệm trước cử tri cả nước, tại các diễn đàn Quốc hội, đồng chí Lê Quang Ðạo đã dành nhiều thời gian điều hành Quốc hội tập trung thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước; đồng thời yêu cầu Hội đồng Bộ trưởng báo cáo bổ sung, cung cấp thêm thông tin, số liệu để đại biểu Quốc hội có thêm căn cứ xem xét, phân tích trước khi quyết định. Do đó, nội dung các nghị quyết của Quốc hội về những vấn đề quan trọng của đất nước nhìn chung đã đáp ứng mong mỏi của nhân dân, nhất là trong việc đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong một số vấn đề cấp bách, nóng bỏng về kinh tế.
Tinh thần đổi mới trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII không chỉ thể hiện ở việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội mà còn phản ánh trong cải tiến, đổi mới lề lối, phong cách làm việc của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Ðạo kiến nghị cần phải tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng với Quốc hội, xem đây là nhân tố quan trọng nhất để bảo đảm cho Quốc hội thực sự hoạt động theo chức năng nhiệm vụ mà Hiến pháp và luật đã quy định. Cùng với đó, đồng chí cho rằng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội ngày càng được nâng lên chủ yếu bắt nguồn từ việc mở rộng dân chủ trong sinh hoạt của Quốc hội.
Việc mở rộng dân chủ "trước hết cần công khai các hoạt động của Quốc hội trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, theo dõi và giám sát hoạt động của đại biểu Quốc hội. Tổ chức hợp lý để các đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, thiết thực trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội; bảo đảm các quyết định của Quốc hội phản ánh được ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân"(2). Theo tinh thần đó, từ kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa VIII (6/1988), các cơ quan thông tấn, báo chí được mời tham dự các phiên họp để chuyển tải đến nhân dân có đầy đủ thông tin cần thiết về hoạt động của cơ quan đại diện mà họ đã bầu ra.
Trên cương vị là Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Lê Quang Ðạo đã hoàn thành trọng trách mà Ðảng và nhân dân giao phó. Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ và sâu sắc, đồng chí đã cùng với Quốc hội khóa VIII thực hiện xuất sắc các chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng đưa đất nước từng bước vượt qua những khó khăn, thử thách trên hành trình đổi mới, góp phần xây dựng cơ sở, nền tảng để tiếp tục đổi mới đồng bộ, sâu rộng, tạo tiền đề xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Kế thừa những thành tựu của Quốc hội khóa VIII, Quốc hội những nhiệm kỳ tiếp theo đã tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao về chất lượng hoạt động, góp phần rất quan trọng vào thành công của 35 năm đổi mới đất nước với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử rất đáng tự hào.
Tiếp tục kế thừa và phát huy tinh thần đổi mới đó, trong nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội sẽ tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc, thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng, Quốc hội khóa XV sẽ không ngừng nâng cao chất lượng công tác lập pháp và kỷ luật, kỷ cương quy trình lập pháp, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát, coi đây là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, tăng cường hoạt động chất vấn ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giải trình ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, Ðoàn đại biểu Quốc hội, chú trọng giám sát việc thực thi pháp luật và giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Không ngừng đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của Nhà nước; về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế, xã hội, chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực tài chính - ngân sách. Nâng cao chất lượng quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; tiếp tục tăng cường đối ngoại của Quốc hội gắn với hoạt động đối ngoại của Ðảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần nâng cao uy tín Quốc hội và vị thế của đất nước trên trường quốc tế; tiếp thu các kinh nghiệm tốt trong tổ chức và hoạt động của Nghị viện các nước trên thế giới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Với 78 tuổi đời, hơn 60 năm hoạt động cách mạng kiên định, đồng chí Lê Quang Ðạo đã phấn đấu, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc. Ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng nỗ lực hết sức mình và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ðồng chí xứng đáng là người tiêu biểu hiện thân cho thực hiện tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh, là một nhà lãnh đạo đức độ và tài năng của Ðảng, Nhà nước và nhân dân. Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Ðạo (8/8/1921 - 8/8/2021) là dịp để chúng ta cùng tưởng nhớ và tri ân những hoạt động và cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc Việt Nam.
Noi gương đồng chí, mỗi cán bộ, đảng viên và thế hệ các đại biểu Quốc hội hôm nay nguyện không ngừng học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng và năng lực công tác, ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Ðảng và nhân dân giao phó, góp phần đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và hùng cường theo tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
-----------------------
(1) Ðến ngày 28/2/1992, Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp đã nhận được 74 bản báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 98 đơn vị bộ, ban, ngành, đoàn thể ở trung ương và địa phương, 300 thư góp ý kiến cá nhân, 9.234.218 người tham gia các cuộc thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp. Văn phòng Quốc hội, Lịch sử Quốc hội Việt Nam, Tập 3, 1976 -1992, (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016), tr.207.
(2) Lê Quang Ðạo, Tuyển tập, (NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011), tr.536.