Thanh tra tuyển sinh đại học 2021: Giám sát việc tuân thủ ngưỡng đầu vào

Minh Quang 09/08/2021 08:00

Bộ GDĐT vừa có hướng dẫn thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) 2021. Theo đó có nhiều nội dung thanh kiểm tra, liên quan tới Đề án tuyển sinh; các phương thức tuyển sinh; ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.

Thanh tra Đề án tuyển sinh

Cụ thể, nội dung thanh/kiểm tra: Việc xác định và công khai chỉ tiêu tuyển sinh gồm các điều kiện bảo đảm xác định chỉ tiêu tuyển sinh, việc thực hiện quy định hiện hành về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, kết quả xác định chỉ tiêu các ngành, khối ngành, trình độ đào tạo, hình thức đào tạo; Việc công bố công khai và giải trình về chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các tiêu chí xác định chỉ tiêu, chất lượng đào tạo và cam kết chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội; Việc xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh theo quy định sẽ thanh/kiểm tra: Đối tượng tuyển sinh, phạm vi tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, chính sách ưu tiên, lệ phí xét tuyển/thi tuyển, việc điều chỉnh đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo…; Việc tuân thủ quy định về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH và ngành giáo dục mầm non trình độ CĐ năm 2021, các ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ ĐH năm 2021.

Thanh tra/kiểm tra việc tổ chức tuyển sinh, gồm: Các điều kiện bảo đảm cho công tác tuyển sinh; Tuyển sinh sử dụng kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT; Tuyển sinh không sử dụng kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT (Xét tuyển dựa trên tổ hợp kết quả các môn học ở THPT; Tuyển sinh bằng phương thức thi, kiểm tra riêng); Việc xác định điểm trúng tuyển; Việc nhập học và kiểm tra hồ sơ thí sinh trúng tuyển.

Bộ GDĐT nhấn mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra nhằm hướng tới mục đích: Giúp cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh và các văn bản liên quan, bảo đảm công tác tuyển sinh diễn ra an toàn, nghiêm túc; Phát hiện những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật về công tác tuyển sinh; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật và phương án tuyển sinh.

Đảm bảo ngưỡng đầu vào

Mùa tuyển sinh 2021 là mùa tuyển sinh đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh thi đợt 2, thí sinh xét đặc cách tốt nghiệp THPT, Bộ GDĐT đã yêu cầu các trường điều chỉnh Đề án tuyển sinh (trước 10/8); yêu cầu 2 trường ĐH Quốc gia lớn dành chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực phù hợp với thực tế để các em thi sau không bị mất quyền lợi.

Trước đó, do tự chủ tuyển sinh nên các trường đã đa dạng hóa các phương thức xét tuyển: Tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp, tuyển sinh bằng học bạ. Điểm chuẩn vào các trường, nhất là khối A, khối D, khối C năm 2021 được dự báo tăng, cũng bởi 2 lẽ: Điểm thi cao, cộng với đó là chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức khác của các trường ĐH đã tương đối.

Việc thanh tra việc tuyển sinh ĐH trong năm 2021, như đã đề cập ở trên có nội dung liên quan tới việc tuân thủ quy định về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH và ngành giáo dục mầm non trình độ CĐ năm 2021; các ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ ĐH năm 2021.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), thực hiện Luật Giáo dục ĐH, hiện nay, Bộ GDĐT chỉ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với 2 nhóm ngành: Đào tạo giáo viên và nhóm ngành về sức khỏe. Chất lượng nguồn tuyển đầu vào là để đảm bảo thí sinh có thể theo học ngành nghề đào tạo một cách tốt nhất. Nếu các trường cố tình tuyển không đúng, hoặc chất lượng quá thấp theo yêu cầu của ngành nghề đào tạo thì sản phẩm đầu ra cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, hoặc thậm chí các em sinh viên không thể tốt nghiệp.

Quy chế tuyển sinh hàng năm cũng đã quy định các trường chịu trách nhiệm giải trình với cơ quan quản lý nhà nước, với xã hội về cơ sở, luận cứ khoa học, quy trình xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào và các tổ hợp tuyển sinh phù hợp với ngành đào tạo hay không.

Minh Quang