Ngôi nhà hạnh phúc
Những “ngôi nhà hạnh phúc” không chỉ đơn thuần thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các học sinh người dân tộc thiểu số, mà còn là sự động viên, khích lệ tinh thần để các em vượt qua gian khó, chăm chỉ học hành.
Tỉnh Sơn La vừa khởi công xây dựng hai căn nhà dành tặng cho 2 học sinh dân tộc thiểu số mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Dù chưa thành hình hài ngôi nhà, nhưng nó đã được đặt tên: “Ngôi nhà hạnh phúc”. Đúng là hạnh phúc thật, bởi trong bộn bề khó khăn vất vả của thời chiến với giặc dịch, sự yêu thương, đùm bọc sẻ chia vẫn được lan tỏa.
Đây là các công trình thanh niên do Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Trung tâm Tình nguyện quốc gia và Hội liên hiệp Thanh niên tỉnh Sơn La tổ chức thực hiện. Đây là hành động thiết thực của các cấp, ngành Trung ương cũng như của tỉnh Sơn La trong việc quan tâm, chăm sóc các học sinh dân tộc thiểu số có gia cảnh nghèo.
Một trong số hai “ngôi nhà hạnh phúc” sau khi hoàn thành sẽ tặng cho hai chị em học sinh Quàng Thị Khôn (học lớp 6) và em gái Quàng Thị Vân (học lớp 4) tại trường Tiểu học và THCS xã Mường Sại (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La). Các em là người dân tộc La Ha, một trong số 16 dân tộc có số dân còn dưới 10 nghìn người tại Việt Nam.
“Ngôi nhà hạnh phúc” thứ hai được dành tặng cho chị em học sinh Lầu Thị Nhung (học lớp 7, trường THCS xã Mường Giàng) và em gái Lầu Thị Sinh (học lớp 3, trường Tiểu học xã Mường Giàng). Các em là người dân tộc Mông ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Mồ côi cha từ nhỏ, chị em Nhung thuộc hộ gia đình nghèo đặc biệt khó khăn.
Hơi khác một chút, bố của Khôn và Vân mới mất năm 2019, nhưng ba mẹ con lại không có nhà ở, phải tá túc nhờ một người thân cùng bản. Mẹ các em không được học hành, thiếu đất sản xuất, không có thu nhập, thường xuyên thiếu ăn và không có tiền lo cho các con ăn học nên việc học tập đều nhờ vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Được các cấp, ngành quan tâm khởi công xây dựng “ngôi nhà hạnh phúc” đối với các học sinh nói trên đúng là chỉ thấy trong mơ. Trong buổi khởi công xây dựng, các em đã bật khóc vì xúc động, trào dâng niềm vui hạnh phúc không ngờ. Làm sao có thể kìm nén được cảm xúc khi mà ngôi nhà hạnh phúc trong mơ nay sắp trở thành hiện thực?
Những “ngôi nhà hạnh phúc” không chỉ đơn thuần thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các học sinh người dân tộc thiểu số, mà còn là sự động viên, khích lệ tinh thần để các em vượt qua gian khó, chăm chỉ học hành để sau này trở thành những công dân có ích cho xã hội, đất nước, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều tỉnh, thành phố, các cấp, ngành, chính quyền địa phương còn phải tất bật với việc truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Ấy vậy mà Sơn La vẫn thực hiện được một việc vô cùng ý nghĩa là xây dựng “ngôi nhà hạnh phúc” cho các học sinh dân tộc thiểu số thì rất đáng ghi nhận.
Khi mà có tới 21 tỉnh, thành phố trên cả nước đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, mọi nguồn lực (từ nhân lực đến vật lực) đều phải dồn cho cuộc chiến với đại dịch Covid-19, thì việc các cấp, ngành tại tỉnh Sơn La khởi công xây “ngôi nhà hạnh phúc” cho học sinh dân tộc thiểu số là một cố gắng lớn, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, cũng như sự cảm thông, chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn.
Nếu như địa phương nào cũng có được những hành động thiết thực như tỉnh Sơn La, có lẽ các học sinh dân tộc thiểu số nói riêng, học sinh có hoàn cảnh khó khăn nói chung sẽ vô cùng hạnh phúc, dù không được tặng “ngôi nhà hạnh phúc”. “Ngôi nhà hạnh phúc” chỉ là phương tiện thể hiện, hạnh phúc thật sự là khi được quan tâm, chăm sóc, yêu thương, giúp đỡ những lúc khó khăn, hoạn nạn. Đó mới là chân giá trị hạnh phúc!