Một mùa hè không có điểm dừng
Nắng nóng dữ dội vẫn tiếp diễn tại nhiều vùng trên khắp trái đất, đặc biệt với Mỹ và Canada khi bị coi là “thảm họa bên cạnh đại dịch Covid-19”.
Tại các bang miền Tây nước Mỹ, nắng nóng làm sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Nhiều người chết vì sốc nhiệt và đột quỵ; những khu rừng và làng mạc bốc cháy.
Chuyên gia Freja Vamborg, nhà khoa học cấp cao tại Cơ quan Biến đổi khí hậu (Copernicus) của Liên minh châu Âu cho biết, những nghiên cứu cho thấy tháng 7 năm nay là một trong những tháng 7 nóng nhất thế giới được ghi nhận, chỉ sau năm 2016 và 2019, với nhiệt độ cao bất thường ở các khu vực từ Phần Lan đến Mỹ. Nguyên nhân được cho là do lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm thay đổi khí hậu trên trái đất.
Cảm giác mùa hè như không có điểm dừng
“Khi chúng tôi xem xét nhiệt độ toàn cầu , có sự thay đổi từ năm này sang năm khác hoặc thậm chí tháng này sang tháng khác. Tuy nhiên, cuối cùng điều cơ bản mà chúng tôi nhận thấy là xu hướng nóng lên trên toàn cầu và xu hướng này diễn ra ở hầu hết các khu vực trên thế giới”- tiến sĩ Freja Vamborg nói.
Dữ liệu của Copernicus được thống kê từ năm 1950, có sự kiểm tra chéo với các hồ sơ dữ liệu khác có từ giữa thế kỷ 19. Khách quan cho thấy tình trạng nóng lên toàn cầu đang làm cho các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn, trong khi hành tinh nóng hơn sẽ dẫn đến lượng mưa lớn hơn, gia tăng cường độ bão lụt.
Đợt nắng nóng kỷ lục này bắt đầu từ giữa tháng 6, kéo dài hết tháng 7, rồi tiếp diễn trong tuần đầu tháng 8/2021. “Có cảm giác mùa hè năm nay không có điểm dừng” - một người dân Greenville, nơi thị trấn vừa bị thiêu trụi nói.
Theo giáo sư Ralf Toumi, đồng Giám đốc của Viện Grantham về biến đổi khí hậu tại Đại học Hoàng gia London, những đợt nắng nóng kỷ lục gần đây là “không có gì đáng ngạc nhiên do nền nhiệt tăng cao trong thời gian dài”, mà nguyên nhân chính đến từ con người.
Nền nhiệt luôn phá vỡ các kỷ lục
Trong đợt nắng nóng này, Mỹ là quốc gia phải hứng chịu nặng nề nhất khi mà có nơi nhiệt độ thậm chí lên đến 50 độ C, phá vỡ các kỷ lục từ trước tới nay.
Demetrius Bentley - người dân bang Connecticut nói: “Trời quá nóng, chúng tôi bước ra ngoài và gần như không thở được. Ngay khi bước ra ngoài, người đã ướt đẫm”. Trong công viên, không khó để bắt gặp cảnh những người kéo theo cả những chiếc bình giữ lạnh. Patrick Georgia - người dân bang Pennsylvania cho biết: “Chúng tôi đã phải ngậm nước hoặc uống thật nhiều nước và quấn khăn quanh cổ để giữ mát và cũng cố gắng để tìm cách trú trong bóng râm”.
Trong tháng 6, hơn 50 triệu người ở 8 bang miền Tây nước Mỹ đã được cảnh báo về thời tiết nắng nóng kỷ lục trong vòng 147 năm qua. Nắng nóng kỷ lục diễn ra trên khắp khu vực trải dài từ thung lũng trung tâm của California (thung lũng rộng và bằng phẳng với diện tích 58.275 km²) đến tận miền Bắc bang Montana và bang Wyoming.
Thành phố Salt Lake, thành phố thủ phủ và lớn nhất bang Utah, đã ghi nhận nền nhiệt cao kỷ lục trong vòng 150 năm qua khi chạm mức 41°C. Trong khi đó, tại thành phố Palm Springs, bang California, nhiệt độ lên tới 47°C, phá vỡ nhiệt độ cao kỷ lục trong ngày 15/6 được thiết lập vào năm 1961. Nhiệt độ nhiều ngày cao kỷ lục cũng đã diễn ra ở thành phố Billings, bang Montana, vượt đỉnh nhiệt của mùa hè năm 1919 tới 11 độ C.
Giới chức miền Tây nước Mỹ cho biết, nhiệt độ cao và kéo dài đã gia tăng nguy cơ xảy ra cháy rừng ở bang Montana và phía Bắc bang Wyoming. Nếu có gió mạnh lên tới 56 km/h, thì nguy cơ khiến các đám cháy rừng đang bùng cháy lây lan nhanh hơn và khó dập tắt, đồng thời gây ra các đám cháy mới.
Trong khi đó, các công ty cung cấp điện năng ở California và Texas liên tục cảnh báo, các nhà máy đang phải hoạt động với công suất cao hơn nhiều so với ngày thường vì tình trạng nắng nóng và yêu cầu người dân sử dụng tiết kiệm nhằm tránh bị quá tải và cắt điện - điều mà người dân nơi đây chưa từng gặp phải.
Ngày 8/8, trong một thông báo của một tổ chức nghiên cứu khí hậu và môi trường Nam California, tiến sĩ Michaell Lee, cho rằng “những mùa hè đổ lửa” sẽ còn tiếp diễn khi mà các chất phát thải tiếp tục được đưa vào bầu khí quyển. “Chúng ta đã lấy đi quá nhiều những gì lẽ ra con cháu chúng ta được hưởng. Chúng ta mắc nợ các thế hệ tiếp nối vì đã để lại cho chúng một trái đất không ngừng nóng lên” - tiến sĩ Lee nói.
Đám cháy rừng Dixie “rả rích” trong 3 tuần đã “xé toạc” thị trấn miền núi Greenville, bang California, Mỹ. Thị trấn trở thành đống tro tàn. Đây là trận cháy rừng lớn khủng khiếp, ảnh hưởng tới diện tích 1.127 km² và thiêu rụi hàng chục ngôi nhà. 5.000 lính cứu hỏa đã được điều động dập lửa nhưng những gì lấy ra được là không đáng kể. Tất cả người dân thị trấn đã buộc phải sơ tán. Nắng nóng khiến cây cối, cỏ và thảm thực vật khô nỏ, đến nỗi cảm giác nếu một cục than hồng tiếp đất sẽ lập tức tạo ra một đám cháy mới.
Đám cháy Dixie đã trở thành đám cháy lớn thứ 6 trong lịch sử bang California. 4 trong số 5 vụ cháy rừng lớn nhất khác tại bang này đều diễn ra vào năm 2020. Trong khi đó, Vườn quốc gia núi lửa Lassen gần đó đã phải đóng cửa với tất cả du khách vì cháy rừng.