Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: ‘Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo’

H.Vũ 09/08/2021 06:00

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đội ngũ doanh nhân, DN quyết tâm hơn nữa, “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, phải vượt qua khó khăn, phát triển DN và góp phần xây dựng đất nước. 

Sáng 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp (DN), các hiệp hội DN và bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Thủ tướng đề nghị đội ngũ doanh nhân, DN quyết tâm hơn nữa, “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, phải vượt qua khó khăn, phát triển DN và góp phần xây dựng đất nước.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ

Tại hội nghị, đại diện một số hiệp hội, DN đã đề nghị các cấp có thẩm quyển cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng, nhất là đối với các tỉnh phía Nam để kịp thời hỗ trợ cho các DN, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động, sớm ổn định cuộc sống.

Các DN cũng đề nghị giải quyết ách tắc giao thông trong lưu chuyển hàng hóa, cũng như quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm và nâng tỷ lệ bao phủ vaccine chống dịch đối với công nhân, ngư dân, các DN chế biến; tiếp tục có chính sách hỗ trợ tiền điện; có các hướng dẫn cụ thể về y tế tại chỗ đối với khu vực này như nhất là vấn đề cách ly y tế khi phát hiện có các ca F0.

“Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để tiếp tục tạo điều kiện, cơ hội cho các DN phát triển sản xuất kinh doanh trên tinh thần an toàn trước dịch bệnh. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, ngày càng mở rộng, thiết lập các “vùng xanh” để DN tận dụng cơ hội, duy trì và phát triển được các hoạt động sản xuất kinh doanh”- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu đồng thời cho rằng chống dịch là để bảo vệ sinh mạng và bảo vệ sinh kế của người dân.

Theo ông Lộc, hỗ trợ hay gói kích thích kinh tế lớn nhất lúc này chính là tìm mọi cơ hội có thể để nới lỏng giãn cách, thiết lập “vùng xanh”, luồng xanh mở cửa thị trường được trong điều kiện có thể. Ông Lộc phân tích: “Chúng ta đang thực hiện giãn cách rất lớn, các tỉnh, thành phố, các trung tâm công nghiệp đang giãn cách, làm thế nào để tận dụng mọi cơ hội, nếu không mở cửa rộng khắp thì những “vùng xanh”, những cơ hội mới có thể mở trong vùng hẹp, để làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho DN có thể duy trì được sản xuất kinh doanh”.

Trao đổi giải đáp các thắc mắc được các hiệp hội, cộng đồng DN đưa ra, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc thực hiện mục tiêu kép là một chủ trương đúng đắn. Nếu không phòng, chống dịch thì cũng sẽ không làm ăn được. Tuy nhiên nếu không thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, không duy trì giao thương thì không chỉ mất thu nhập, khả năng chống chịu với dịch bệnh mà lớn hơn là mất thị trường; trong khi tổng cầu đang lên, thế giới phục hồi rất nhanh và chúng ta không khéo thì sẽ bị tụt hậu.

“Những chính sách đã được ban hành cần thực hiện một cách linh động, sáng tạo. Cho nên các DN cần tiếp tục chủ động đề xuất những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn tới các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ” - ông Diên nói.

Phải quyết tâm, cố gắng hơn nữa

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, dịch Covid-19 kéo dài hơn 1 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống, kinh tế xã hội trên toàn cầu. Ở Việt Nam, nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN bị đình trệ, thua lỗ đời sống nhân dân gặp khó khăn. Không ít DN phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, rút khỏi thị trường.

Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định, mặc dù khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, sự ủng hộ của DN cuộc chiến chống dịch bệnh ở nước ta đã bước đầu đạt được kết quả tích cực, thực hiện mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết và duy trì sản xuất nhằm đảm bảo đời sống nhân dân và an sinh xã hội.

“Trong bối cảnh trong nước, quốc tế và diễn biến dịch bệnh hiện nay đòi hỏi tất cả chúng ta đặc biệt là đội ngũ doanh nhân, DN đã quyết tâm phải quyết tâm hơn nữa, đã cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa. Đây là thời điểm “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, phải vượt qua khó khăn, dự báo, nắm bắt cơ hội để phát triển DN và góp phần phát triển đất nước với tầm nhìn xa, trông rộng gắn với dự báo tình hình trong thời gian tới”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhấn mạnh Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông những khó khăn chồng chất khó khăn của các DN trong thời gian vừa qua, Thủ tướng khẳng định: Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã rất cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các DN về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất. Tuy nhiên trong thời gian tới, các DN vẫn tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức và cần có giải pháp tháo gỡ để phục hồi sản xuất. Tất cả phải hành động với quyết tâm cao nhất để vượt qua khó khăn, thách thức.

Phê bình Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hải Phòng

Giải trình về việc ách tắc giao thông tại một số tỉnh miền Bắc, đặc biệt là tại Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, đã ký văn bản phê bình nghiêm khắc Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hải Phòng do không tham mưu cho lãnh đạo thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về lưu thông hàng hóa nên gây ách tắc giao thông. Ông Thể cho biết, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Văn bản 1015 và Văn phòng Chính phủ có Văn bản 5187. Với 2 văn bản này, không một hàng hóa nào lưu thông trên thị trường bị cản trở. Với những hàng phục vụ xuất khẩu, thiết yếu cho đời sống người dân thì sẽ được cấp mã QR.

H.Vũ