Vị Thủ trưởng tài năng, đức độ và tâm huyết
Đồng chí Lê Quang Đạo - nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và nhân dân, nhà hoạt động chính trị- xã hội nổi tiếng, nhà lý luận tên tuổi, nhưng trong trái tim tôi còn là một vị Thủ trưởng tài năng, đức độ và tâm huyết.
Tôi may mắn được biết anh từ lâu, hồi tôi làm thư ký cho đồng chí Hoàng Quốc Việt, nhưng thực sự hiểu biết anh và càng thêm ngưỡng mộ từ khi anh về chuyên trách công tác Mặt trận. Đây cũng là điều mà tôi từng viết trong bài báo đăng trên Báo Đại Đoàn Kết ngày 30/7/1999, sau khi anh về cõi vĩnh hằng (24/7/1999).
Lần đầu tiên tôi được trực tiếp làm việc với anh là những tháng đầu năm 1982 khi Đảng đoàn MTTQ Việt Nam được Ban Bí thư giao trách nhiệm chuẩn bị Chỉ thị số 17-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Đây là Chỉ thị đầu tiên của Đảng ta đối với sự lãnh đạo công tác Mặt trận sau khi thống nhất ba tổ chức Mặt trận ở hai miền vào đầu năm 1977. Đây cũng là Chỉ thị đầu tiên của Ban Bí thư về công tác vận động quần chúng nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng với yêu cầu phải thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh: “Công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng”.
Đến Đại hội IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào tháng 8/1994, đồng chí Lê Quang Đạo được hiệp thương làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho đến ngày anh ra đi.
Có lẽ đây là thời gian anh dành nhiều tâm huyết và trí tuệ nhất cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất. Trong 7 năm làm chuyên trách Mặt trận, giữa anh và tập thể Ban thư ký chúng tôi (sau này đổi thành Ban Thường trực) có biết bao kỷ niệm. Vui có buồn có. Nhưng bao trùm là tinh thần đoàn kết nhất trí, làm việc hăng say, chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi, tất cả vì việc chung.
Vì vậy, những năm tháng đồng chí Lê Quang Đạo làm chuyên trách Mặt trận với trọng trách người đứng đầu, Mặt trận đã làm được khá nhiều việc.
Đặc biệt phải kể đến việc tham mưu cho Trung ương ban hành Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 17/11/1993 về “Đại đoàn kết dân tộc, tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất trong tình hình mới” với nội dung chủ yếu là: Phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam tán thành công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Tôi còn nhớ, ngay từ lúc ở trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng thời là Bí thư Đảng đoàn Mặt trận, anh đã nhiều lần trao đổi với chúng tôi về sự cần thiết phải có một nghị quyết chuyên đề của Đảng về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất nhằm cụ thể hóa Cương lĩnh 1991 của Đảng và Hiến pháp 1992, trong đó thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết trong giai đoạn mới của cách mạng.
Cho đến khi chính thức về làm chuyên trách Mặt trận, anh bắt đầu thực hiện những “ấp ủ” của mình, gợi ý để anh em chúng tôi suy nghĩ, thu thập thông tin, chuẩn bị những tư liệu cần thiết về đặc điểm, tình hình thế giới, trong nước, đặc biệt là tình hình biến động của các tầng lớp nhân dân, trong đó coi trọng công tác thực tiễn, tôn trọng mọi ý kiến khác biệt.
Tinh thần làm việc thận trọng, nghiêm túc của anh đã truyền cho chúng tôi ngọn lửa nhiệt tình, nỗ lực hết mình, chỉnh sửa đến lần thứ 10 thì dự thảo hoàn chỉnh, gửi trình Bộ Chính trị. Và Nghị quyết được Bộ Chính trị ban hành vào ngày 17/11/1993 ngay trước thềm kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Nghị quyết đi vào cuộc sống đã tạo ra bước ngoặt cho sự tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và công tác Mặt trận trong công cuộc đổi mới đất nước, tập hợp thêm lực lượng mới, đặc biệt là những người trước đây từng làm việc dưới chế độ cũ và những người Việt Nam hiện đang sinh sống ở nước ngoài.
Nhìn lại quãng thời gian ấy, nhất là cùng anh chuẩn bị một số văn kiện quan trọng, trong đó có Dự thảo Nghị quyết “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất”, tôi càng hiểu sâu về anh. Tôi khâm phục sự hiểu biết uyên thâm trên nhiều lĩnh vực cũng như khả năng tổng hợp, phân tích và đề xuất vấn đề của anh.
Tôi thấm thía về cách lập luận của anh trong công tác tuyên truyền, vận động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc- những vấn đề cho đến hôm nay vẫn còn nóng hổi.
Như lời anh nói, “công tác tập hợp, đoàn kết, trong thời chiến của Mặt trận tuy khó nhưng lại dễ vì ai cũng có lòng yêu nước, ai cũng muốn nước mình được hoàn toàn độc lập, dân mình được hoàn toàn tự do. Còn ngày nay, trong hòa bình xây dựng, lại có quy luật riêng: Đó là cái tôi, cái ta đan xen nhau cùng tồn tại. Trong cơ chế thị trường, nếu không coi trọng công tác giáo dục tư tưởng, xây dựng tổ chức và chính sách cho đúng thì nhiều khi cái tôi lấn át cái ta, ngoi lên trên cái ta và đẻ ra nhiều loại tiêu cực xã hội”.
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Uỷ viên thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam là người đã có vài thập kỷ công tác gần gũi với đồng chí Lê Quang Đạo. Đồng chí Lê Quang Đạo cũng là người giới thiệu ông Phạm Thế Duyệt cùng hai đồng chí ở Bộ Chính trị về làm Chủ tịch Mặt trận khi biết mình sắp “đi xa” để Bộ Chính trị chọn, giới thiệu với MTTQ Việt Nam hiệp thương làm Chủ tịch Mặt trận tại Đại hội V vào năm 1999.
Là người kế nhiệm đồng chí Lê Quang Đạo làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa V và khóa VI, ông Phạm Thế Duyệt rất coi trọng quan điểm chỉ đạo của đồng chí Lê Quang Đạo. Vì thế ông Phạm Thế Duyệt cho rằng, các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo”; “Đêm 31/12 Nối vòng tay lớn”; “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” được thực hiện sau này đều phát triển trên cơ sở quan điểm của đồng chí Lê Quang Đạo. Suốt cuộc đời đồng chí Lê Quang Đạo đã phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. “Tôi đã và nguyện tiếp tục sống noi gương cao cả của đồng chí Lê Quang Đạo”- ông Phạm Thế Duyệt khẳng định.