Thực hiện nhóm giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết đồng ý cho Chính phủ áp dụng 4 nội dung khác luật hiện hành trong nhóm giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19. Điều này là vô cùng cần thiết, song cũng đặt ra vấn đề giám sát trong quá trình tổ chức thực hiện.
Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
PV:Cá nhân ông đánh giá thế nào về việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết đồng ý cho Chính phủ áp dụng 4 nội dung khác luật hiện hành trong nhóm giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19?
Ông Phạm Văn Hòa: Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã đưa nội dung tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 vào nghị quyết chung của kỳ họp. Đây là việc có ý nghĩa rất quan trọng trong công cuộc chống dịch Covid-19 của Việt Nam hiện nay. Theo đó, việc giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19 là hợp pháp, tuân theo các quy định, không phải vượt thẩm quyền. Việc giao thẩm quyền để xử lý, giải quyết những khó khăn do Covid-19 gây ra nhằm sớm ngăn chặn, phòng ngừa dịch để phát triển kinh tế xã hội.
“Chống dịch như chống giặc”, nếu mọi thứ phát sinh mà chần chừ, chờ Quốc hội họp để quyết định sẽ gây chậm trễ trong quá trình xử lý, giải quyết các tình huống cấp bách. Cho nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng 4 nội dung khác luật hiện hành trong nhóm giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 là kịp thời, đúng lúc.
Tôi cho rằng hiện tình hình dịch Covid-19 ở nước ta đã đến hồi báo động. Trong đợt dịch lần thứ tư, dịch đã xuất hiện ở nhiều địa phương. Chỉ còn một số tỉnh dịch chưa xuất hiện. Nếu không có biện pháp cấp bách để ngăn chặn tình hình sẽ xấu đi rất nhiều. Ngay cả khi tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội trước khi ra Nghị quyết chung của kỳ họp đã bàn và thảo luận rất kỹ việc giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số quyền có nội dung khác so với luật hiện hành.
Vì có những điểm khác so với luật hiện hành, vậy cần đặt vấn đề giám sát như thế nào để tránh xảy ra những sai sót, thưa ông?
-Do được áp dụng một số quy định khác so với luật hiện hành cho nên trong tổ chức thực hiện, việc vận dụng phải theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Cần phòng ngừa kịp thời để ngăn chặn các hành vi tiêu cực có thể xảy ra. Tránh để cho các đối tượng lợi dụng để trục lợi, đặc biệt trong mua bán vật tư y tế, thuốc chữa bệnh không qua đấu giá, đấu thầu. Nếu để xảy ra vi phạm sẽ làm ảnh hưởng, thất thoát ngân sách nhà nước rất lớn. Cho nên người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Nếu để xảy ra vi phạm phải nghiêm trị theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các đại biểu dân cử như đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND theo phân cấp chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động của cơ quan chính quyền cùng cấp trong thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống Covid-19.
Còn ở cấp Trung ương, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội cũng cần tiến hành giám sát Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các bộ, ngành trong thực thi nhiệm vụ được giao. Giao quyền mà không kiểm tra, giám sát sẽ rất nguy hiểm. Bởi ngoài tiền ngân sách, còn có sự ủng hộ rất lớn của doanh nghiệp và người dân. Dù tiền huy động nằm ngoài ngân sách nhưng cũng là tiền của nhân dân, nếu sử dụng không hợp lý, hợp pháp đúng quy định cũng có thể dẫn đến tiêu cực. Cho nên mỗi cơ quan được giao phải thanh tra, kiểm tra giám sát. Có sự vào cuộc như vậy của các cơ quan mới không để xảy ra các sai phạm đáng tiếc.
Về việc này, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu thế nào, thưa ông?
-Thời điểm này đòi hỏi bản lĩnh của từng cán bộ. Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các ngành các cấp từ trung ương cho đến cơ sở. Nâng cao đạo đức công vụ, phẩm chất của công chức viên chức, cán bộ đảng viên. Thực tiễn vừa qua chúng ta đã có những bài học đau xót xảy ra khi lợi dụng dịch Covid-19 để trục lợi. Cho nên lần này cần phát hiện kịp thời, ngăn chặn để không xảy ra các hành vi tiêu cực. Nếu xảy ra tiêu cực trục lợi vào thời điểm này sẽ có phản cảm rất lớn từ nhân dân đối với bộ máy hành chính nhà nước. Nếu có một bộ phận không nhỏ lợi dụng dịch để trục lợi cho cá nhân, gia đình là điều đáng chê trách vào lúc này và cần trừng trị nghiêm khắc.
Còn gói hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì sao, thưa ông?
-Cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện gói hỗ trợ cho những người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong lúc khó khăn, nhận được sự hỗ trợ của nhà nước là điều người dân rất vui mừng. Đây cũng là việc thể hiện sự nhân đạo, nhân văn của nhà nước đối với dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Vừa qua trong quá trình thực hiện tại một số nơi có việc lập danh sách khống, đưa “người thân” vào danh sách để hưởng hỗ trợ, còn người đúng tiêu chuẩn nằm trong đối tượng được nhận hỗ trợ lại nằm ngoài danh sách. Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Cho nên để việc hỗ trợ cho đúng đối tượng, người đứng đầu địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra. Ở đâu vi phạm phải xử lý đích đáng.
Trân trọng cảm ơn ông!