Khó khăn ‘bủa vây’ môi giới bất động sản

NGUYÊN VŨ 09/08/2021 06:20

Đợt dịch Covid-19 thứ 4 tại TP HCM bùng phát đã tác động mạnh đến mọi mặt đời sống của người dân và các lĩnh vực kinh tế. Trong đó, môi giới bất động sản cũng nằm trong vòng xoáy khó khăn...

Cám cảnh nghề môi giới giữa mùa dịch

Chị Nguyễn Thuỳ Linh (26 tuổi, quê Ninh Thuận) sống trong một dãy trọ trên đường Phan Văn Hớn, quận 12, TP HCM, là sales (nhân viên kinh doanh bán hàng cho doanh nghiệp) của một công ty chuyên bán đất nền. Dịch bệnh, công ty đóng cửa, chị cũng không thể về quê.

Chia sẻ với phóng viên, chị Linh kể: “Hôm 1/8, khu phố thông báo và gửi tờ khai thông tin cá nhân để đưa vào danh sách xét hỗ trợ cho người dân ở trọ mùa dịch. Mình khai làm nghề môi giới bất động sản, ngay hôm sau nhận được tin nhắn bị loại khỏi danh sách, lý do làm môi giới bất động sản nhiều tiền. Giờ thì thất nghiệp, hỗ trợ không có, chỉ còn cách đi vay anh em, bạn bè cầm cự thôi”.

Nhiều trường hợp môi giới may mắn vì trong mùa dịch Covid-19 công ty vẫn có bất động sản để bán. Tuy vậy, để kiếm được khách và giao dịch thành công vô cùng gian nan. Anh Hoàng Hiệp (nhân viên của một công ty bất động sản có trụ sở trên đường Phạm Văn Đồng, TP HCM) chia sẻ: “Ngày 30/7, mình đàm phán được 1 khách hàng đặt cọc lô đất nền, thời gian ký hợp đồng sẽ là 6/8, đùng một cái khu của khách ở bị phong toả vì phát hiện ca dương tính, thế là không đi công chứng được, lại phải chờ”.

Chưa hết, nhiều người môi giới còn rơi vào cảnh bi đát hơn, phải bỏ hàng triệu đồng để chạy marketing, quảng cáo…nhưng khi bán xong thì lại bị chủ đầu tư “chây ì” trả phí. Chia sẻ với phóng viên, môi giới tên H. kể: “Đầu tháng 4/2021, chủ đầu tư dự án The Rivana triển khai bán hàng để người mua chọn căn hộ và chuyển tiền đặt cọc. Sau khi được khách hàng thanh toán đầy đủ đúng thủ tục, thì đến nay, chủ đầu tư không thấy động tĩnh nào để thanh toán phí môi giới cho sales. Đất Xanh Service là tổng đại lý bán hàng ký hợp đồng với nhiều sàn môi giới khác nhau để bán F1, sau nhiều lần hẹn tới hẹn lui, mới đây lại hẹn đến ngày 15/8 sẽ giải quyết, nhưng cũng chưa có gì rõ ràng. Họ luôn lấy lý do công ty bị phong toả do dịch Covid-19 nên chưa đối chiếu phí để trả được”.

Được biết, suốt thời gian dịch bệnh Covid-19 kéo dài nhiều môi giới bất động sản, đặc biệt là những người mới vào nghề đã mất kiên nhẫn chuyển hướng tạm thời tìm kiếm công việc khác như giao hàng, chạy xe ôm công nghệ, bán hàng hoặc kinh doanh online… để có nguồn thu nhập, duy trì cuộc sống.

Co cụm chờ cuộc sống bình thường mới

Khảo sát của phóng viên, hiện nay các công ty môi giới bất động sản chủ yếu hoạt động online. Công việc kinh doanh trong đợt dịch gần như đứng im, chỉ lác đác giao dịch mua bán. Các công ty môi giới chấp nhận bán online (điều kiện trước dịch đã đặt chỗ) thì tỷ lệ thành công cũng thấp chỉ từ 30-50% so với mở bán truyền thống như trước đây.

Về số lượng nhân sự tại các công ty môi giới bất động sản, đối với công ty có tài chính dự phòng tốt, họ vẫn cố gắng duy trì và có chính sách hỗ trợ cho sales của mình trong ngày dịch. Tuy vậy, đa số đều có sự biến động, các sàn môi giới giảm 30-50% lượng nhân viên so với chưa dịch bệnh. Đa phần các công ty môi giới đều co cụm, tinh giản nhân sự một cách tối đa.

Ông Trương Quang Phát, Giám đốc Kinh doanh của Phú Hoàng Land cho biết, hoạt động kinh doanh của đơn vị giảm 85% so với thời điểm trước dịch. Lượng nhân viên môi giới cũng giảm 40%. “Cũng giống các đơn vị môi giới bất động sản khác, công ty chúng tôi chủ yếu bán hàng online, bằng cách tổ chức Zoom, Onmeeting event cuối tuần thay vì event truyền thống như trước đây. Tuy vậy, hiệu quả bán hàng online chỉ 30% so với truyền thống” - ông Phát đánh giá.

Theo chuyên gia kinh tế - Tiến sỹ Lê Bá Chí Nhân, việc các công ty môi giới bất động sản thích ứng trước dịch Covid-19 chuyển chiến lược bán hàng qua kênh online là phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tuy nhiên, tính hiệu quả chắc chắn không cao, vì đây là hình thức mới, người dân chưa thích ứng. Ngoài ra, bất động sản có giá trị lớn, giao dịch online rất khó để người dân tin tưởng. Chưa kể, hiện nay một số chủ đầu tư khi đăng tải online hình ảnh của dự án bất động sản đã được chỉnh sửa, không đúng thực tế, dễ dẫn tới tranh chấp khiếu nại về sau.

Dịch vụ lưu trú không còn “đóng băng”

Báo cáo thị trường khách sạn của Savills (Tập đoàn cung cấp các dịch vụ bất động sản) cho biết, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư diễn biến phức tạp, do các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt khiến nhu cầu khách sạn dành cho người cách ly lại tăng vọt. 17 khách sạn tại TP HCM đã phải tạm ngưng hoạt động trong quý II. Và thời điểm này, khoảng 28 khách sạn hoạt động trở lại và một nửa trong số đó được sử dụng làm cơ sở cách ly tập trung có thu phí. Tại Hà Nội, trong quý II ghi nhận 10 khách sạn 3-5 sao đã được chọn làm địa điểm cách ly. Nhu cầu phát sinh trong đợt dịch lần thứ tư khiến giá phòng bình quân tại thủ đô đạt 77 USD mỗi phòng một đêm, tăng 1% so với quý trước.

D. Phương

NGUYÊN VŨ