Bất hiếu ngay cả khi hư cấu
Đọc câu chuyện “vị “bác sĩ” quyết định rút ống thở của mẹ mình để cứu một sản phụ” dù nó “hư cấu” vẫn thấy nhức nhối tâm can, làm tổn thương bao trái tim người mẹ. Nếu không có hiếu với mẹ, làm người tốt ở đời nổi không?
Vì sao rút ống thở của mẹ để cứu người khác mà lại gây xúc động?
Khi thấy một số người xúc động trước chuyện một bác sỹ rút ống thở của mẹ để cứu một sản phụ, tôi đã không thể trả lời thấu đáo các câu hỏi: Vì sao bác sỹ ấy lại làm thế với mẹ mình? Sao người ta lại xúc động trước chuyện con “rút ống thở của mẹ” để cứu người khác? Đó là hành động gì, vừa giết người, vừa cứu người? Luật pháp và đạo đức có cho phép làm vậy không?...
Ngổn ngang một mớ câu hỏi.
Rất may, nó không phải sự thật.
Nên nhớ, không ai có quyền quyết định mạng sống của ai, kể cả đó là mẹ hoặc con của nhau. Hơn nữa, trong các đức hạnh lớn nhất thế gian này, hiếu đứng đầu. Trong các tội lớn thì bất hiếu cũng đứng hàng đầu. Điều này được coi như giá trị bất biến trong nền tảng đạo đức con người, lớn hơn nữa là nền tảng của xã hội, dù hiện đại đến mức nào. Và, chắc chắn rằng, nếu nền tảng đạo đức này lung lay, bị xô đổ, thì những giá trị khác như vợ - chồng, anh - em, thầy – trò, bạn – bè… đều không đáng giá gì trong cuộc sống này cả. Và, khi các mối quan hệ ấy, mà cao quý nhất là chữ hiếu mà bị băng hoại thì xã hội này có gì đáng tôn trọng, đáng để sống nữa đâu?
Đặc biệt, sinh mạng mỗi người là thiêng liêng nhất, đều đáng quý cả và không ai được quyền quyết định thay. Với người bình thường là thế, chứ chưa nói đến mạng sống của mẹ mình.
Sẽ rất xúc động, nếu bác sỹ kia dùng mạng sống của mình để cứu mẹ và sản phụ, chứ không phải tự quyết định lấy mạng của mẹ mình để thay thế cho người khác!
Một tình huống vô cùng khó khăn phân định tốt/xấu, rất đau não, sốc đến thế lại khiến dư luận nhanh nhảu rơi nước mắt!
Tháng 7, mùa Vu Lan, nhớ chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ, lại đọc cái tin này trên mạng xã hội, dù nó “hư cấu” vẫn thấy nhức nhối tâm can, làm tổn thương bao trái tim người mẹ. Nếu không có hiếu với mẹ, làm người tốt ở đời nổi không?
Đến hư cấu người ta cũng không muốn làm cho cuộc sống tốt lên. Sợ thật!