Thái nguyên: Giá trị xuất khẩu đứng thứ 4 cả nước
Dù ảnh hưởng của dịch Covid–19 tác động mạnh mẽ đến nhiều địa phương trên cả nước, gây nhiều khó khăn, song tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021.
Năm 2021, tỉnh Thái Nguyên và cả nước bước sang một giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 đầy khó khăn và phức tạp do tình hình dịch Covid-19 trong nước lây lan nhanh, phát tán trên diện rộng, tại nhiều tỉnh, thành phố... Các tỉnh giáp ranh Thái Nguyên như: Hà Nội, Bắc Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc… đều xuất hiện những ca nhiễm bệnh, lây lan rộng trong cộng đồng và trong khu công nghiệp, gây những thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội.
Tỉnh Thái Nguyên cũng không ngoại lệ, cũng đã xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động, tích cực, quyết liệt ngăn chặn, trong phòng, chống dịch bệnh; quyết liệt trong tất cả các khâu từ công tác chỉ đạo, đến công tác giải quyết và khắc phục hậu quả. Thái Nguyên đã sớm khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng để dịch Covid-19 không lây lan rộng ra cộng đồng. Đó là cơ sở quan trọng để các chuỗi sản xuất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không bị đứt gãy, gián đoạn, duy trì sản xuất ổn định, thúc đẩy tăng trưởng.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đạt 6,5%, cao hơn mức tăng trưởng của cùng kỳ năm 2020 (2,67%) và cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung cả nước (5,64%); đưa Thái Nguyên xếp thứ 25 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; xếp thứ 6 trong 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Cùng với đó, giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 13,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ, đứng thứ 4 cả nước và đứng thứ 2 Vùng thủ đô Hà Nội.
Bên cạnh đó, trong công tác bầu cử, tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đạt 99,67%. Toàn tỉnh Thái Nguyên đã bầu đủ số lượng 7 đại biểu Quốc hội, 66 đại biểu HĐND tỉnh; 319 đại biểu HĐND cấp huyện và 3.982 đại biểu HĐND cấp xã. Cuộc bầu cử đã đảm bảo được mục tiêu: Dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và là Ngày hội của toàn dân.
Trong bối cảnh khó khăn chung của đại dịch Covid-19, Thái Nguyên nằm trong số 20 tỉnh, thành phố có nguồn thu ngân sách cao nhất cả nước, đạt trên 9.000 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ và bằng 58,9% so với dự toán cả năm. Nằm trong Top 10 địa phương có thu nhập bình quân lao động trong doanh nghiệp cao nhất nước, đạt 9,4 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức bình quân chung cả nước (9,3 triệu đồng/người/tháng).
Theo thống kê, tỉnh Thái Nguyên có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính (Par Index) xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ngoài ra, Thái Nguyên còn đứng thứ 3 cả nước về giải ngân vồn đầu tư công theo kế hoạch Chính phủ giao, đạt 60%. Đây là bước đột phá so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 được xem là tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu địa phương, đơn vị và chủ đầu tư dự án trong năm 2021. Đồng thời, cũng là yếu tố quan trọng góp phần để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021.
Từ những kết quả trên cho thấy vai trò điều hành quản lý kinh tế của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên trong bối cảnh khó khăn chung khi phải ứng phó với đại dịch Covid-19. Trong đó, công tác chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp luôn thống nhất, sâu sát, sáng tạo, quyết liệt. Những quyết sách đều xuất phát từ lợi ích chung của tỉnh, của Nhân dân và của cộng đồng doanh nghiệp nên được người dân, doanh nghiệp ghi nhận, đồng thuận và sẵn sàng chia sẻ, ủng hộ.
Hiện tại, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung nguồn lực, dồn sức xây dựng tuyến đường chiến lược như: Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc; triển khai thực hiện hoàn thành các tuyến đường kết nối với đường vành đai V, tuyến đường ĐT261 kết nối các Khu du lịch sườn Đông Tam Đảo, hồ Núi Cốc… Trong 6 tháng đầu năm, Thái Nguyên Quyết định thành lập 7 cụm Công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng, số vốn đóng góp gần 3.193 tỷ đồng. Nổi bật là: Cụm công nghiệp Tân Phú 1, Tân Phú 2 thuộc thị xã Phổ Yên; cụm công nghiệp Lương Sơn thuộc thành phố Sông Công; cụm công nghiệp Thượng Đình, Hạnh phúc - Xuân Phương thuộc huyện Phú Bình…
Trong phát triển các dự án khu dân cư, khu đô thị được quy hoạch, Thái Nguyên đã thực hiện việc đổi mới hình thức đấu giá quyền sử dụng đất từ trực tiếp sang gián tiếp, với quy trình chặt chẽ, minh bạch, công khai đã góp phần tăng thu ngân sách và khai thác hiệu quả quỹ đất theo quy hoạch. Từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đồng thời tạo lòng tin trong Nhân dân về việc đảm bảo tính công bằng, khách quan, minh bạch trong việc đấu giá đất trên địa bàn toàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã ban hành Chỉ thị 13 về quản lý và thúc đẩy phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn. Với mục tiêu trồng khoảng 7 triệu cây xanh phân tán (gồm cây xanh đô thị và cây xanh nông thôn) trong giai đoạn 2021 - 2025. Đây là sự chuyển biến lớn từ tư duy đến hành động, thể hiện tầm nhìn, chiến lược của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đáp ứng được mong mỏi của người dân. Thực hiện mục tiêu này sẽ góp phần nâng cao các tiêu chí phát triển đô thị và hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, phát triển bền vững.
Được biết, Thái Nguyên là tỉnh đầu tiên thực hiện chuyển đổi số trong phòng chống dịch Covid-19; đã xây dựng Website riêng phòng chống dịch bệnh Covid-19, xây dựng bản đồ dịch tễ Covid-19 điện tử giúp người dân có cái nhìn trực quan, chính xác về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Thái Nguyên… Ngoài ra, hơn 55 nghìn liều vắc xin đã được đồng loạt tổ chức tiêm nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Do đó, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho người dân và sự phát triển của tỉnh.
Với tinh thần "Vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội", Thái Nguyên đã và đang kiên định “mục tiêu kép” với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đoàn kết, trách nhiệm, tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ phát triển của cả nước bằng những con số ấn tượng và dấu ấn nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội năm 2021.
Mới đây, tỉnh Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung Khu Công nghệ thông tin tập trung Yên Bình vào Quy hoạch chung Khu Công nghệ thông tin tập trung cả nước với quy mô trên 200ha; thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên với diện tích 154ha.
Đây là điều kiện thuận lợi để Thái Nguyên tiếp tục thu hút các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao, phục vụ yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và Vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.