Đào tạo nhân lực cao ở một ngành khoa học đặc thù

PV 09/08/2021 15:06

Theo GS.TS Trần Hồng Thái, trong giai đoạn 2021-2025, Tổng cục KTTV tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực coi đây là một trong những yếu tố quan trọng, có vai trò quyết định thúc đẩy phát triển ngành KTTV.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT, ngày 28/6/2021 về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ thay thế Thông tư 08/2017/ TT-BGDĐT. Để tìm hiểu góc nhìn về công tác tuyển sinh và đào tạo đối với ngành khoa học đặc thù nói chung và ngành Khí tượng Thủy văn nói riêng, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái, Thông tư 18 “ra đời” có ý nghĩa như thế nào đối với công tác tuyển sinh, đào tạo Tiến sĩ đối với các ngành khoa học nói chung và ngành Khí tượng Thủy văn nói riêng?

GS.TS Trần Hồng Thái: Trước tiên, chúng ta cần thống nhất nhận thức rằng, Thông tư 08 là một bước tiến trong quá trình đào tạo chuẩn đầu ra cho tiến sĩ. Thông tư 18 lần này là một bước tiếp theo. Thông tư 18 đưa ra quy định tiêu chuẩn khung cơ bản để đảm bảo chất lượng đào tạo tối thiểu của một tiến sĩ. Trên cơ sở khung này, các cơ sở đào tạo căn cứ thực tiễn tính chất ngành đào tạo để xây dựng tiêu chuẩn và các yêu cầu cụ thể bằng hoặc cao hơn cho việc đào tạo tiến sĩ của mình. Cá nhân tôi đánh giá quy chế mới có những điểm tích cực, phù hợp với thực tiễn sau:

Thứ nhất, từ góc độ đóng góp của chính sách, quy chế đào tạo tiến sĩ mới có những điều chỉnh tiến bộ. Thực chất, theo như tôi hiểu, quy chế mới không hề hạ điều kiện sàn (trước đó là tác giả chính của 2 bài báo trong đó có ít nhất 1 bài đăng trong tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI/Scopus hoặc 2 báo cáo đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện (Peer Review) hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện khác), mà có điểm mới là bổ sung định lượng công bố có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án phải đạt tổng điểm từ 2,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định. Đây là sự vận dụng sáng tạo, gắn kết được trách nhiệm, uy tín và kinh nghiệm của các giáo sư đầu ngành của từng lĩnh vực.

Thực tế nếu như chỉ tính riêng mỗi công trình công bố kể cả ISI/SCOPUS có sự tham gia của nhiều tác giả để đạt được tổng điểm 2,0 cũng là một điều không hề dễ dàng. Trong khoản d, Điều 14 nhấn mạnh việc quy đổi các điều kiện trong khoản c thay thế bằng minh chứng là tác giả hoặc đồng tác giả của 1 kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế quốc gia, quốc tế; hoặc 1 giải thưởng chính thức của cuộc thi quốc gia, quốc tế được công nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao; có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án là hết sức có ý nghĩa với các ngành ứng dụng như khoa học trái đất, cơ khí, xây dựng, mỏ, v.v

Thứ hai, việc công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế của mỗi ngành rất khác nhau, có ngành chỉ vài tháng đến 1 năm, có ngành kéo dài vài năm do yêu cầu số liệu và thời gian kiểm định đủ dài, có ngành khó hoặc không thể công bố được các kết quả nghiên cứu mặc dù tính ứng dụng trong thực tiễn có thế rất cao. Vì vậy, trên cơ sở hướng dẫn khung cơ bản của Bộ Giáo dục đào tạo, các cơ sở đào tạo chi tiết và cụ thể hóa yêu cầu đầu vào, đầu ra với điều kiện không được thấp hơn khung quy định chung, trong đó, có thể yêu cầu bắt buộc 1-2 bài báo quốc tế ISI/SCOPUS tùy theo đặc thù đào tạo của mỗi ngành.

Thứ ba, Quy chế tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học theo Luật Giáo dục đại học (GDĐH), với tinh thần giao nhiều quyền (kèm theo cả trách nhiệm giải trình) về đào tạo hơn cho cơ sở GDĐH. Trên cơ sở các tiêu chuẩn khung này, cơ sở GDĐH căn cứ vào mục tiêu, năng lực đào tạo mà đưa ra những quy định, yêu cầu bằng hoặc cao hơn cho việc đào tạo tiến sĩ của mình, đồng thời, công bố công khai minh bạch để cơ quan quản lý, xã hội và người học biết và giám sát, thực hiện.

Cũng với quy chế này, trách nhiệm của cơ sở đào tạo và người hướng dẫn cao hơn. Cơ sở đào tạo là nơi có thẩm quyền quyết định ai mới xứng đáng được trao bằng tiến sĩ, chứ không phải là Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Cụ thể hơn, chính các thầy, cô trong trường Đại học, những người người hướng dẫn nghiên cứu sinh, và các thầy tham gia hội đồng đánh giá là những người có đủ quyền, đủ tư cách quyết định nghiên cứu sinh có xứng đáng là tiến sĩ hay không.

Tại Khóa họp lần thứ 17 của Hiệp hội khí tượng khu vực II Châu Á (RA-II-17), GS. TS Trần Hồng Thái tái cử vị trí Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng khu vực II Châu Á nhiệm kỳ 2021- 2024. Ảnh: TL.

Bên cạnh đó, về chuẩn đầu vào, đầu ra, trước hết, chúng ta cần xem toàn văn Quy chế, đặc biệt là quy định đánh giá luận án tại đơn vị chuyên môn tại Điều 14. Theo đó, việc đánh giá luận án tại đơn vị chuyên môn được tổ chức khi nghiên cứu sinh đáp ứng đủ những yêu cầu theo quy chế và yêu cầu bổ sung của cơ sở đào tạo đối với từng chương trình đào tạo (nếu có). Trong những yêu cầu được nêu tại Quy chế, hiện được quan tâm nhất là yêu cầu liên quan đến công trình, sản phẩm khoa học của nghiên cứu sinh.

Có lẽ, chúng ta cần thống nhất chia sẻ quan điểm khi nhận thức về vai trò, ý nghĩa của bài báo, công trình khoa học đối với việc đào tạo tiến sĩ. Bài báo khoa học là một trong những minh chứng, chỉ số để đánh giá chất lượng học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh trong quá trình đạt tới học vị tiến sĩ. Tuy nhiên, việc mặc định cứ bài đăng báo quốc tế có uy tín nằm trong danh mục WoS hoặc SCOPUS là tốt, chất lượng bài đăng tạp chí trong nước là thấp là một định kiến cần được nhìn nhận lại.

Vì hiện nay, Việt Nam có khoảng 660 tạp chí, trong đó tạp chí khoa học có 387 tạp chí, 6/387 tạp chí (1,55%) được SCOPUS chọn vào danh mục tạp chí xử lý, 2 tạp chí (Journal of Science: Journal of Science: Advanced Materials and Devices và Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology (ANSN)) được chọn vào danh mục Tạp chí của Web of Science (ISI)), 19 tạp chí được chọn xử lý vào SCDL Asean Citation Index (ACI).

Trên thực tiễn, chất lượng của nhiều tạp chí ngày càng gia tăng, dần hướng tới các chuẩn quốc tế. Những đóng góp của hệ thống ấn bản phẩm khoa học trong nước hoàn toàn xứng đáng được nhìn nhận đánh giá khách quan và công bằng hơn.

Kinh nghiệm tham gia đào tạo, đánh giá luận án của nghiên cứu sinh các Ngành thuộc lĩnh vực Khoa học trái đất trong những năm qua tôi thấy, cũng áp dụng quy chế của Bộ như vậy nhưng chất lượng lại cũng có khác nhau, có luận án rất tốt, có luận án chỉ dừng ở mức đáp ứng yêu cầu.

Theo tôi, quan trọng nhất vẫn và trách nhiệm của thầy hướng dẫn, quản lý của cơ sở đào tạo và mức độ đầu tư nghiên cứu của nghiên cứu sinh, cả về thời gian nguồn lực để thực hiện các thí ngiệm. Với chi phí đầu tư cho nghiên cứu sinh thấp như hiện nay thì khó tạo ra kết quả đào tạo tốt được.

Nên chăng Bộ Giáo dục Đào tạo cân nhắc thêm việc đào tạo tiến sĩ khoa học ứng dụng (đặc biệt là đối với một số lĩnh vực đặc thù như Khoa học Trái đất - Mỏ), không nhất thiết phải có các bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trong luận án tiến sĩ, mà luận án tiến sĩ có thể chỉ là các kết quả nghiên cứu ứng dụng, thưa GS.TS Trần Hồng Thái?

- Nếu đưa ra quy định đối với mặt bằng chung của các ngành sẽ dẫn đến sự mất cân bằng đầu ra cho tiến sĩ đối với một số ngành hạn chế hoặc khó về khả năng công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Từ đó dẫn đến sự mất cân bằng trong đào tạo mở các mã ngành đạo tạo về sự thiếu hụt những người có băng cấp tiến sĩ thậm chí xóa mã ngành đào tạo vì không tuyển được đầu vào nghiên cứu sinh.

Theo tôi, đối với kết quả của 1 nghiên cứu khoa học nói chung, của một luận án tiến sĩ nói riêng thì có 2 tiêu chí đánh giá lớn có ý nghĩa như nhau: (1) có điểm mới về phương pháp, lý luận: (2) lựa chọn được phương pháp phù hợp, xây dựng được công cụ có thể ứng dụng để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Thực tế hiện nay, một số nhóm ngành khoa học tự nhiên, nghiên cứu cơ bản (toán, lý, hóa, sinh) thì tiêu chí số (1) nên được ưu tiên hơn, các kết quả phù hợp công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín sẽ nhanh hơn so với một số ngành khoa học ứng dụng đặc thù (Khoa học Trái Đất - Mỏ), cần có thời gian thử nghiệm và kiểm định số liệu thực tế rất dài – đối với nhóm ngành này, tiêu chí (2) nên được ưu tiên hơn.

GS.TS Trần Hồng Thái (thứ hai từ phải sang) và đoàn kiểm tra tại Trạm Khí tượng Phù Liễn. Ảnh tư liệu tháng 9/2015.

Trong giai đoạn mới, nhận thức về sự đa dạng phong phú của các lĩnh vực ngành nghề đào tạo và sự cần thiết của việc ghi nhận và tiếp tục nâng cao chất lượng các công bố trong nước, vì vậy, tiêu chuẩn khung của Thông tư 18/2021/TT-BGĐT, theo tôi, sẽ phù hợp hơn so với quy định cũ, tạo sự linh động và nâng trách nhiệm cao hơn đối với cơ sở đào tạo và người hướng dẫn. Các chuẩn của từng ngành nên được giao cho từng cơ sở đào tạo chủ động xác định phù hợp.

Thưa GS.TS Trần Hồng Thái, nguồn nhân lực chất lượng cao (Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ) và việc đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong thời kỳ mới hiện tại tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn thế nào?

- KTTV là ngành yêu cầu cao về năng lực chuyên môn, đòi hỏi có nền tảng tốt về kiến thức toán, lý, tin học, đặc biệt là trong lĩnh vực dự báo ngành KTTV hiện nay có khá nhiều các tiến sĩ được đào tạo bài bản, chuyên sâu cả trong nước và nước ngoài đang đảm nhiệm ở các vị trí quan trọng của ngành. Các tiến sĩ đào tạo trong nước hay nước ngoài đều có năng lực chuyên môn tốt, đáp ứng ứng yêu cầu công việc thực tế.

Về nguồn nhân lực hiện tại, Tổng cục KTTV hiện có 2.926 người, có 25 tiến sĩ (1 Giáo sư, 2 Phó giáo sư); Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu hiện có 188 người, trong đó có: 26 tiến sĩ (trong đó có 1 Giáo sư, 7 Phó Giáo sư); Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hiện có 550 người, số lượng tiến sĩ là 102 người (có 13 Phó Giáo sư); Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 350 người, trong đó số lượng giảng viên 240 người, số lượng tiến sĩ là 38 người (có 02 Giáo sư, 10 Phó Giáo sư). Những con số trên cho thấy tỷ lệ nguồn lực chất lượng cao trong công tác nghiệp vụ thực tế rất ít ỏi. Đây chính là những vấn đề chúng tôi đang rất trăn trở.

Trường đại học Tài nguyên và Môi trường, nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành KTTV.

Khó khăn và nguyên nhân trong công tác tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao về khí tượng thủy văn là gì? Tổng cục có những chính sách cụ thể nào để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc thưa GS.TS Trần Hồng Thái?

- Trong những năm vừa qua, chế độ chính sách đối với công chức, viên chức của ngành KTTV đã được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhưng nhìn chung cơ chế chính sách đặc thù của Ngành vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống của công chức, viên chức (công chức, viên chức chủ yếu sống bằng lương không có thu nhập tăng thêm) do vậy chưa tạo động lực để khuyến khích được công chức, viên chức nỗ lực cống hiến trong thực hiện nhiệm vụ.

Thêm nữa, điều kiện làm việc, địa bàn làm việc còn có những khó khăn nhất định điều này đã dẫn đến việc thu hút nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại ngành KTTV gặp nhiều khó khăn. Điều kiện làm việc, sinh hoạt của công chức, viên chức và người lao động công tác trong lĩnh vực KTTV không kém phần vất vả so với công chức, viên chức của một số lĩnh vực khác như: giáo dục và đào tạo, kiểm lâm.

Để khắc phục phần nào những khó khăn này ngành KTTV đã vận dụng triệt để các quy định của Nhà nước để ưu đãi thu hút nguồn lực chất lượng cao như: Thu hút, đãi ngộ, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao áp dụng từ khâu quy hoạch, bồi dưỡng, đề bạt và bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ, lãnh đạo quản lý; chuyên gia đầu ngành.

Bên cạnh đó là đãi ngộ về đào tạo, bồi dưỡng. Do đó, đến thời điểm hiện nay lực lượng cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực đã và đang đảm đương những vị trí trọng yếu trong quản lý, nghiên cứu, ứng dụng. Chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng cho công chức, viên chức ngành KTTV đã tiếp tục được ngành thống nhất đề xuất trong Đề án tăng cường năng lực hệ thống tổ chức và đội ngũ công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2030 và Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Những giải pháp trước mắt và lâu dài về nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Khí tượng Thủy văn trong thời đại 4.0 là gì thưa GS.TSTrần Hồng Thái?

- Sự bùng nổ của cuộc cách mạng KHCN 4.0: ngành KTTV với tính chất là một ngành khoa học điều tra cơ bản, đặc thù cũng cần phải có những thay đổi từ phương pháp nghiên cứu mới về mạng lưới quan trắc, thiết bị, công cụ hiện đại công nghệ cao, đến hệ thống thông tin, dữ liệu, công nghệ dự báo, cảnh báo KTTV, theo hướng đầu tư theo chiều sâu, do đó đòi hỏi phải chú trọng trong phát triển nguồn nhân lực (NNL) chất lượng cao, biết làm chủ công nghệ và trực tiếp tham gia vào quá trình ứng dụng những thành tựu KHCN, đó là chìa khóa thành công của sự nghiệp phát triển Ngành.

Phát triển ngành KTTV đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và tự động hóa; lấy việc đầu tư cho KHCN và đào tạo NNL làm giải pháp chủ yếu để phát triển, trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có; khai thác triệt để thành tựu KHCN trong nước, đồng thời ứng dụng chọn lọc những thành tựu KHCN tiên tiến trên thế giới.

Trong giai đoạn 2021-2025, Tổng cục KTTV tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng NNL coi đây là một trong những yếu tố quan trọng, có vai trò quyết định thúc đẩy phát triển ngành KTTV; đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức kỹ năng nghiên cứu, hình thành đội ngũ cán bộ có trình độ cao đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ, phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại; phát triển đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ, phương pháp, kỹ năng, kiến thức về chuyên môn và quản lý góp phần xây dựng đội ngũ CCVC chuyên nghiệp, có đầy đủ phẩm chất, trình độ và nâng cao năng lực, chất lượng CCVC.

Chúng tôi có định hướng đối với đội ngũ công chức sẽ đào tạo 1-2 tiến sĩ, 2-3 nghiên cứu sau tiến sĩ; đối với viên chức đào tạo 30-40 thạc sĩ, 5-7 tiến sĩ, 2-3 nghiên cứu sau tiến sĩ các lĩnh vực về KTTV và hình thành các nhóm ngành nghiên cứu có đủ năng lực giải quyết nghiên cứu KHCN, KTTV cấp nhà nước và quốc tế.

Tiếp tục thực hiện thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao từ việc: Phát hiện, theo dõi, hướng nghiệp, thu hút những sinh viên xuất sắc được đào tạo ở các cơ sở đào tạo đại học trong nước và sinh viên xuất sắc là người Việt Nam học tập trong các cơ sở đào tạo đại học ở nước ngoài; cán bộ khoa học trẻ từ các cơ sở đào tạo; từ trong thực tiễn công tác ở Trung ương và địa phương. Áp dụng những chính sách tuyển dụng trực tiếp không qua thi tuyển đối với những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ sau khi được tuyển dụng....

Phát triển KHCN là chìa khóa thành công của sự nghiệp phát triển ngành KTTV. Ảnh: Hội thảo khoa học "Công nghệ quan trắc khí tượng thủy văn phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai thời kỳ công nghệ số" và "Tham vấn về thông tin khí tượng thủy văn phục vụ công bố rủi ro thiên tai" do Tổng cục KTTV tổ chức.

Với tính chất đặc thù của ngành khoa học ứng dụng cao, đặc biệt trong thời đại 4.0 này, các cán bộ KTTV sẽ làm việc với hàng trăm nguồn dữ liệu thông tin khác nhau từ các trạm quan trắc, từ vệ tinh, từ radar, từ các nguồn chia sẻ của bạn bè quốc tế, sẽ cần giải bài toán xử lý số liệu lớn, phải nắm vững và làm chủ cơ sở dữ liệu lớn (big data) và các phương pháp đồng hóa xử lý số liệu, khai thác sử dụng số liệu (data mining), và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong từng khâu của quy trình tác nghiệp.

Vì vậy, chúng tôi luôn dành sự ưu tiên đầu tư vào con người đó là chìa khóa quan trọng để làm chủ công nghệ.

Không ngừng tăng cường và hiện đại hóa các công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa để thúc đẩy tiến trình xây dựng, vận hành các hệ thống thông minh, tối ưu hóa, tự động hóa các quy trình, công việc. Nhằm đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với lĩnh vực KTTV.

Trân trọng cảm ơn GS.TS Trần Hồng Thái!

PV