Vĩnh Long: xây dựng kế hoạch tổng thể phòng, chống Covid-19
Sáng ngày 9/8, Tổ công tác hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Y tế đã đến làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo báo cáo của Sở Y tế Vĩnh Long, tổng số ca mắc Vĩnh Long từ đầu dịch đến nay là 1.329 ca nhiễm Covid-19 và 19 trường hợp tử vong, trong đó đã xuất hiện các ổ dịch lớn tại 2 khu công nghiệp. Vĩnh Long có 9 cơ sở cách ly với năng lực tiếp nhận là 7.696 người hiện đang cách ly 2.611 người.
Năng lực xét nghiệm Realtime-PCR toàn tỉnh đạt 2.000 mẫu/ngày. Vĩnh Long có 12 cơ sở điều trị và hiện điều trị cho 869 bệnh nhân trong đó có 24 trường hợp nặng. Về nhân lực y tế, toàn tỉnh hiện có 38 bác sĩ hồi sức cấp cứu và 10 bác sĩ truyền nhiễm, 91 điều dưỡng.
Phát biểu tại buổi làm việc bà Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Môi trường y tế đánh giá tích cực về sự phản ứng kịp thời và nhanh chóng trong công tác phòng chống dịch của tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch tỉnh cần có một kế hoạch tổng thể và rõ ràng trong từng nội dung phòng, chống dịch.
Về công tác xét nghiệm, Vĩnh Long cần triển khai ngay, trong thời gian nhanh nhất có thể phải thực hiện thần tốc xét nghiệm, tầm soát trên diện rộng, trước tiên tại các khu vục phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và với người có nguy cơ lây nhiễm cao. Xây dựng kế hoạch lấy mẫu cho các nhà ở/hộ gia đình, khu dân cư trên địa bàn để tránh trùng lặp, bỏ sót, phát hiện sớm các trường hợp mắc Covid-19
Về phòng, chống dịch tại khu cách ly tập trung, đoàn công tác đề nghị chỉ nên thiết lập khu cách ly tập trung với sức chứa dưới 50 người để sử dụng hiệu quả nhân lực phục vụ. Bên cạnh đó cần rà soát tổ chức, nhân lực vận hành cơ sở cách ly, đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động của cơ sở cách ly và đảm bảo công tác vệ sinh môi trường khử khuẩn tránh lây nhiễm trong các khu cách ly.
Về phòng, chống dịch tại khu công nghiệp, cần tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch sản xuất “3 tại chỗ” của các doanh nghiệp, thành lập các tổ công tác liên ngành để kiểm tra, hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác phòng chống dịch. Bên cạnh đó cần đảm bảo quản lý kết quả xét nghiệm định kỳ người lao động của các doanh nghiệp.
Về công tác điều trị, tỉnh cần tổ chức phân luồng điều phối khám chữa bệnh cho bệnh nhân đến khám, hạn chế người nhà vào chăm sóc bệnh nhân. Tổ chức đào tạo tập huấn về chẩn đoán, điều trị cho toàn thể các nhân viên y tế. Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng hộ cho nhân viên y tế trực tiếp tham gia khám chữa bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thường xuyên hội chẩn xin ý kiến chỉ đạo chuyên môn của Tiểu ban Điều trị của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng,bchống dịch Covid-19 để có phương án điều trị phù hợp
Về nhân lực y tế tỉnh cần bố trí nhân lực y tế hợp lý tùy vào từng trường hợp. Đối với bệnh nhân nặng cần 6-8 bác sĩ và 12-16 điều dưỡng cho mỗi 50 giường hồi sức tích cực (ICU), đối với bệnh nhân nhẹ cần 1-2 bác sĩ và 2-3 điều dưỡng cho mỗi 50 giường.
Về công nghệ thông tin và truyền thông, tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch, phát huy hiệu quả tối đa của công nghệ thông tin để giảm thiểu nhân lực và tiết kiệm thời gian. Bên cạnh đó tỉnh cũng cần xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể trong từng giai đoạn và thống nhất các nội dung truyền thông để cung cấp thông tin cho người dân kịp thời và hiệu quả nhất.