Công trình Nhà Quốc hội Lào: Biểu tượng của tình đoàn kết sắt son

M.Loan 09/08/2021 17:35

Công trình Nhà Quốc hội Lào là sự tiếp nối truyền thống hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Lào trong giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng và phát triển của cả hai nước.

Đây là quà tặng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào. Bộ Xây dựng được giao là Chủ đầu tư dự án, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành – Bộ Xây dựng thực hiện quản lý dự án, Binh đoàn 11 – Bộ Quốc phòng là Tổng thầu thi công.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, các đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai Dự án Xây dựng Nhà Quốc hội Lào đã khẩn trương bắt tay ngay vào các công tác chuẩn bị từ giữa năm 2017 và bắt đầu thi công phần cọc từ ngày 1/7/2018.

Bên trong Nhà Quốc hội Lào.

Tiếp nhận thiết kế ý tưởng, thiết kế kỹ thuật từ phía Lào bàn giao tháng 3 và 7/2018; công trình là sự hoà trộn giữa văn hoá, hoạ tiết hoa văn mang đậm bản sắc, phong tục, truyền thống Lào và giải pháp công nghệ, thiết bị hiện đại, kỹ thuật, công nghệ quản lý thi công tiên tiến từ phía Việt Nam.

Theo nhiệm vụ thiết kế được phê duyệt tại văn bản 0220/BTK ngày 31/5/2018, công trình Nhà Quốc hội là trụ sở, nơi làm việc của Quốc hội có những nhiệm vụ quan trọng như: địa điểm tổ chức kỳ họp Quốc hội; Địa điểm tổ chức nghi lễ quan trọng của Đất nước; Phòng họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Địa điểm đón khách của Quốc hội và nguyên thủ Quốc tế; Nơi làm việc của lãnh đạo Quốc hội, các uỷ ban và cơ quan tham mưu, giúp việc; Phòng truyền thống, Thư viện của Quốc hội; Điểm đến tham quan và nghiên cứu văn hoá của nhân dân các dân tộc, học sinh, sinh viên hoặc khách du lịch cùng các chức năng phục vụ khác.

Nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo đảng, nhà nước và Quốc hội hai nước; Sự chỉ đạo sát sao, có hiệu quả của Ban chỉ đạo hai nước cùng sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm của các cơ quan hữu quan hai nước, đặc biệt với vai trò là Chủ đầu tư của Bộ Xây dựng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các lực lượng trực tiếp triển khai dự án của cả hai nước gồm: Ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tổng thầu và các nhà thầu phụ đã nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức để triển khai, cơ bản hoàn thành dự án với giá trị tổng mức đầu tư gần 112 triệu đôla Mỹ.

Lễ nghiệm thu.

Vượt qua khó khăn về khoảng cách địa lý, nguồn cung ứng vật tư/thiết bị cho công trình bị gián đoạn một thời gian, đặc biệt việc huy động nhân lực từ Việt Nam sang Lào trong thời gian đại dịch Covid-19 (từ tháng 4/2020 đến nay, 16/37 tháng thi công) công trình đã không bị gián đoạn thi công, đến nay đảm bảo tiến độ yêu cầu, đồng thời phòng, chống dịch an toàn. Số lượng cán bộ, công nhân trực tiếp thi công trên công trường tại thời điểm cao nhất tới gần 900 người.

Với sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng, sự điều hành, quản lý trực tiếp của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành – Bộ Xây dựng, lần đầu tiên công nghệ BIM (là quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các giai đoạn thiết kế, thi công và vận hành công trình) được áp dụng thành công tại Lào, mang đến những giá trị thiết thực, giải quyết cơ bản các vướng mắc trong quá trình thiết kế, thi công, tiết kiệm thời gian, nhân và vật lực; đồng thời sản phẩm của công nghệ BIM cũng sẽ được bàn giao cho phía Lào để phục vụ việc quản lý, vận hành công trình.

Theo yêu cầu của phía Lào, các hạng mục, không gian chính, các hệ thống cơ điện, hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà đã được khẩn trương thi công, nghiệm thu và bàn giao cho phía Lào phục vụ thành công Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khoá IX nước CHDCND Lào từ ngày 22 đến ngày 26/3/2021.

Đến nay tất cả các hạng mục công việc, các hệ thống kỹ thuật đã hoàn thành và được vận hành, chạy thử trong thời gian dài đảm bảo chất lượng, an toàn; tổ chức nghiệm thu công trình hoàn thành vào ngày 8/8/2021.

M.Loan