Thị trường bất động sản gặp khó

T.Hằng 10/08/2021 08:57

Sau đợt kiếm bộn tiền từ cơn sốt đất hồi cuối năm 2020, đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp (DN)  ngành địa ốc rơi vào khó khăn do ảnh hưởng của làn sóng thứ 4 đại dịch Covid -19.

Một thời “hốt bạc”

Cơn sốt đất từ Bắc vào Nam khiến cho thị trường bất động sản từ cuối năm 2020 đầu năm 2021 có dư địa tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021. Số liệu từ Bộ Xây dựng cho biết, đối với nhà ở riêng lẻ, giá giao dịch trong các dự án giữ mức tăng bình quân khoảng 3%, lượng giao dịch đối với nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 120% so với thời điểm cuối năm 2020. Đáng chú ý, quý I/2021, thị trường bất động sản hút mạnh sự quan tâm của giới đầu tư. Bất chấp dịch Covid-19, giá bất động sản vẫn tăng thẳng đứng.

Trong một quý đầu năm 2021, nhiều DN kiếm bộn tiền. Đơn cử báo cáo tài chính quý I/2021 của Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 2.954 tỉ đồng, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Công ty CP Đầu tư Nam Long công bố lợi nhuận quý I/2021 lên tới 365 tỉ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ năm ngoái...

Tươi sáng là vậy, song các chuyên gia trên lĩnh vực BĐS cho rằng, từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, thị trường BĐS lâm vào thế khó. Sau những “cơn sốt đất nền” thời gian qua, với sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương, cơn sốt đất nền đã hạ nhiệt, giá chững lại, nhu cầu giảm.

Giao dịch chậm dần

Trải qua 3 làn sóng Covid-19, DN địa ốc vẫn phát triển trong khi nhiều ngành nghề khác kiệt quệ. Song, khi làn sóng Covid- 19 lần thứ 4 kéo đến, cục diện đã thay đổi.

Theo phân tích, khi các địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, thu nhập của người dân giảm dần, nguồn tích luỹ bị co hẹp thì sức mua trên thị trường bất động sản sẽ giảm, chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trị vừa tại các đô thị lớn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Đại Phúc Land đã có một số khó khăn nhất định liên quan đến điểm nghẽn về pháp lý, lệch pha cung - cầu. “Đợt dịch lần thứ 4 này nghiêm trọng và kéo dài hơn dự kiến khiến nhiều DN bất động sản gần như dừng hoạt động”, bà Hương nói.

Cũng theo bà Hương, đa số các chủ đầu tư dùng vốn vay để phát triển dự án, gánh nặng lãi suất ngân hàng rất lớn. Do vậy nếu không được xem xét giảm lãi suất, khoanh nợ để có thêm nguồn lực phát triển dự án, thời gian tới DN khó hoàn thành tiến độ để đưa sản phẩm ra thị trường.

Còn ông Nguyễn Xuân Lộc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MSH Group chia sẻ, từ nay tới cuối năm, việc phòng chống dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn tới giao dịch thị trường. Bởi, với ngành BĐS, việc giao dịch online rất khó, khách hàng còn muốn đến tận nơi xem xét dự án, tiến hành ký kết các thủ tục mua bán…

Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia nhận định, từ nay đến cuối năm, thị trường BĐS được dự đoán sẽ không có nhiều đột phá, thậm chí có phần ảm đạm. Theo ông Sử Ngọc Cương, Tổng giám đốc Savills Việt Nam, 6 tháng cuối năm, khả năng tăng trưởng không cao do các DN dần đuối sức. Việc duy trì bộ máy hoạt động đang là gánh nặng của họ. Các kế hoạch sản xuất kinh doanh bị phá vỡ, doanh thu sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, PGS Đặng Hùng Võ nhận định, muốn vượt qua khó khăn thời điểm này, bản thân thị trường phải khắc phục các điểm yếu vốn có. Đó là giá bán bất động sản, giá bán tăng cao, vượt tầm chấp nhận của thị trường khiến cho tỷ lệ giao dịch đạt thấp.

“Giá cả bất động sản đang không phản ánh đúng quy luật cung cầu. Cung khan hiếm, giá lại quá cao, khó chấp nhận” – ông Đặng Hùng Võ nói. Ngoài ra, cũng theo phân tích của ông Võ, thị trường bất động sản phải tự điều tiết bằng cách gắn phát triển bền vững với chiến lược phát triển nhà ở một cách hài hòa.

T.Hằng