Xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Cởi bỏ vòng ‘kim cô’
Các Hội đồng cấp cơ sở vừa trình Hội đồng cấp Bộ, tỉnh thành danh sách xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 10 các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Trong danh sách có tên nhiều nghệ sĩ “gạo cội”.
Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng được xét danh hiệu
Ở đội ngũ nghệ sĩ quân đội có 78 hồ sơ đủ điều kiện được xét danh hiệu NSND, NSƯT. Trong đó có 25 cá nhân được xét danh hiệu NSND và 53 hồ sơ xét danh hiệu NSƯT. Trong đó, có thể kể đến như NSƯT Hồng Hạnh, NSƯT Bích Việt, NSƯT Hà Thuỷ, đạo diễn Đặng Thái Huyền, ca sĩ Vũ Thắng Lợi… Ở đội ngũ công an nhân dân có 5 nghệ sĩ được xét danh hiệu NSND trong đó có thể kể đến NSƯT Nguyễn Thanh Loan, nguyên Phó Giám đốc Điện ảnh Công an Nhân dân - người được biết đến vai diễn ni cô Huyền Trang (phim Biệt động Sài Gòn), NSƯT Hương Dung… và 4 cá nhân được xét danh hiệu NSƯT.
Về phía Hà Nội, theo thông tin từ Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, có 48 hồ sơ, trong đó 16 hồ sơ đề cử NSND, 32 NSƯT. Một số gương mặt được đề cử NSND đợt này như NSƯT Trần Đức, Thanh Tú, Bùi Xuân Hanh, Thu Huyền, Tấn Minh. Đặc biệt nghệ sĩ Lê Mai cũng có tên trong danh sách xét tặng NSƯT lần này. Theo nghệ sĩ Lê Mai đây là lần đầu tiên bà được xét tặng danh hiệu NSƯT vì trước đây không đủ tiêu chí về huy chương.
Với Hội đồng cơ sở thành phố Hồ Chí Minh có 57 hồ sơ đủ điều kiện đề xuất lên Hội đồng cấp thành phố, trong đó 24 nghệ sĩ được đề cử NSND. Một số nghệ sĩ nổi tiếng được đề này đợt này NSND có thể kể đến NSƯT Thoại Mỹ, Kim Huệ, Thanh Thúy, Thanh Điền, Mỹ Uyên, Trịnh Kim Chi, Hữu Quốc. Hồ sơ đề cử NSƯT có nhiều gương mặt trẻ như diễn viên Quý Bình, Huỳnh Đông, Đại Nghĩa. Hội đồng cấp Bộ của Bộ VHTTDL cũng nhận được 121 hồ sơ đề cử NSND, NSƯT của các lĩnh vực Múa, Âm nhạc, Sân khấu và Điện ảnh do Hội đồng cơ sở trình lên, trong đó 53 hồ sơ NSND, 68 NSƯT. Sân khấu có đông đảo nghệ sĩ được đề cử NSND nhất. Trong 25 hồ sơ, có những gương mặt quen thuộc như NSƯT Lê Đại Chức, Đức Trung, Phạm Chí Trung, Trần Lực, Lê Ngọc Huyền, Đức Khuê, Xuân Bắc, Quốc Khánh...
Có thể nói, đợt xét tặng mới chỉ đi được nửa chặng đường nhưng ở lần 10 này đã ghi nhận có rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi, “lão làng” có tên trong danh sách đề cử. Bởi trước đó, những tiêu chí về huy chương, giải thưởng trong việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã gây ra không ít tranh cãi khi áp dụng vào một số trường hợp cụ thể. Nhiều nghệ sĩ lớn tuổi trong các lĩnh vực cải lương, chèo, tuồng, sân khấu… dù họ mẫu mực về lối sống, có nhiều cống hiến cho nghệ thuật, có sức ảnh hưởng rộng lớn… nhưng vì không đủ huy chương nên hồ sơ của họ vẫn bị loại. Thậm chí, có không ít trường hợp, vì yếu tố huy chương mà khi sống không có danh hiệu gì, khi chết mới được truy tặng, điển hình như nghệ sĩ Văn Hiệp.
Ghi nhận xứng đáng với nghệ sĩ có nhiều cống hiến
Việc cởi bỏ được vòng “kim cô” nói trên cũng là nhờ sự điều chỉnh về tiêu chí xét, cách thức bỏ phiếu đợt này. Với Nghị định 40 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89 quy định về xét tặng NSND, NSƯT đã thực sự có sự “nới lỏng”, “hợp tình, hợp nghĩa” hơn. Ở đó, Nghị định 40 bổ sung một số trường hợp đặc biệt dành cho các nghệ sĩ có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc nhưng thiếu giải thưởng, nhằm tháo gỡ vướng mắc, bởi một số gương mặt nghệ sĩ tài năng, được công chúng yêu mến nhưng chưa đáp ứng tiêu chí giải thưởng. Ngoài ra, tỷ lệ đồng thuận của hội đồng giảm từ 90% xuống còn 80%, tuy nhiên quy định về thành viên hội đồng bỏ phiếu chặt chẽ hơn.
Đánh giá về lần xét tặng lần này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, thời gian qua một số nghệ sĩ có nhiều đóng góp nhưng chưa được xét tặng danh hiệu bởi vướng những rào cản về tiêu chí, điều kiện. Nghị định 40 ra đời là sự nỗ lực khắc phục những bất cập này và cũng tạo điều kiện cho một số ngành nghệ thuật có ít cuộc thi, hội diễn, những nghệ sĩ thực sự tài năng và cống hiến có thể nhận các danh hiệu vinh dự của Nhà nước. Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, nhưng không phải vì lý do nới tiêu chí sẽ làm tăng số lượng NSND, NSƯT và giảm chất lượng các danh hiệu này. Vấn đề là chúng ta thực hiện thế nào để các danh hiệu này là thực chất, thực sự là niềm vinh dự, tự hào của nghệ sĩ được phong tặng.
Đồng quan điểm, NSND Vương Duy Biên - nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, Nghị định 40 ra đời đã “mềm mại” hoá việc xét tặng danh hiệu, giúp nhiều nghệ sĩ có cống hiến, có sức ảnh hưởng… Bản thân NSND Vương Duy Biên cũng thấy tiếc cho các trường hợp như NSƯT Út Bạch Lan, NSƯT Hồ Kiểng... đã qua đời mà vẫn chưa được phong tặng danh hiệu NSƯT. Và các trường hợp như nghệ sĩ Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền, Chí Trung, Quốc Khánh, Thanh Lam... ở những đợt xét tặng trước đó vẫn chỉ dừng ở NSƯT. Đây là một điều cần phải xem xét lại và xem xét một cách có tình, có lý nhất.
Bày tỏ cảm xúc khi có tên trong danh sách xét tặng NSND lần nay, NSƯT Thanh Loan cho biết, việc ban hành Nghị định 40 đã tạo điều kiện cho các nghệ sĩ lớn tuổi, một đời cống hiến mà không có giải thưởng, huy chương… được xem xét để phong tặng danh hiệu theo đúng sự cống hiến của họ. Tất nhiên, việc này có hơi chậm so với thực tế ở nước mình nhưng tôi nghĩ chậm còn hơn không. Những thế hệ nghệ sĩ về trước, chỉ biết lo làm để phục vụ nhiệm vụ chính trị, cứ được đi diễn là vinh dự chứ không ai nghĩ đến giải thưởng gì cả. Mà ngày xưa, đất nước còn khó khăn nên không có nhiều hội diễn, liên hoan, cuộc thi như bây giờ. Để có được một huy chương vàng, các lĩnh vực khác đã khó, lĩnh vực điện ảnh lại còn khó gấp nhiều lần. Nghị định 40 ra đời coi như “cởi trói” cho “vòng kim cô” về giải thưởng, huy chương… để có sự tôn vinh và ghi nhận xứng đáng đối với các nghệ sĩ có nhiều cống hiến.