Ngăn chặn những chỉ dẫn vô căn cứ

Ngọc Mai 11/08/2021 06:45

Trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì trên mạng xã hội lại xuất hiện nhiều hướng dẫn không rõ nguồn gốc về các phác đồ tự chữa Covid-19 tại nhà. Từ đó, người ta chia sẻ với nhau qua facebook, Zalo... kể cả nhắn tin, rỉ tai nhau những “thần dược” uống trước khi tiêm vaccine Covid-19, cũng như thuốc điều trị.

Xin không kể ra đây những chỉ dẫn vô căn cứ, nếu không muốn nói là độc hại, trong đó có những chỉ dẫn với nội dung có thể nói là ngây ngô. Nhưng, vậy thì tại sao vẫn có người tin, vẫn được chia sẻ? Theo chúng tôi, trước hết là xuất phát từ sự lo lắng dịch bệnh của người dân, khi mà công nghệ thông tin rất rộng rãi như hiện nay.

Cũng phải nói rằng, không chỉ ở nước ta mới có tình trạng phát tán những thông tin thiếu sở cứ trong khi dịch bệnh bùng phát. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng từng phải hứng chịu vấn nạn này. Ví dụ, tại Iran, có thời điểm nhiều người tin rằng uống rượu sẽ diệt được virus SARS-CoV-2, như mạng xã hội nói. Hoặc tại Ấn Độ, mạng xã hội từng “tuyên truyền” rằng đông người tụ tập lại, cùng lúc hét thật to là thổi bạt được virus gây dịch bệnh.

Có thể thấy, những chỉ dẫn thu lượm trên các trang mạng không chính thống là những chỉ dẫn vô cùng nguy hiểm. Một ví dụ cụ thể: Vaccine đã chứng tỏ là vũ khí quan trọng bậc nhất để dập dịch Covid-19, đem lại lợi ích lớn nhất cho cộng đồng. Nhưng, thật tai hại, khi cũng có những “chỉ dẫn” dùng Telfast (một thuốc chống dị ứng) trước tiêm.

Và đó là điều sai lầm khi y học từng khuyến cáo không nên uống thuốc chống dị ứng trước khi tiêm vaccine vì có thể sẽ làm giảm đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Chỉ nên dùng thuốc chống dị ứng sau khi tiêm vaccine nếu có biểu hiện dị ứng, hoặc trước tiêm nếu có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Các chuyên gia y tế cũng khẳng định, việc chủ động tích trữ Dexamethasone (một loại corticoid có tác dụng chống viêm mạnh, liều cao có tác dụng ức chế miễn dịch, thường được các “thầy lang” pha trộn vào thuốc đông y không rõ nguồn gốc để chữa bệnh cơ xương khớp) hay Xarelto (một loại thuốc chống đông máu) là không cần thiết bởi thuốc có rất nhiều tác dụng phụ, thậm chí gây chết người. Những thuốc này cần có chỉ định của bác sỹ chuyên khoa sâu và việc sử dụng phải rất thận trọng.

Một điều thật đơn giản là việc áp dụng các phác đồ điều trị bệnh nói chung, Covid-19 nói riêng cần có sự tư vấn của các bác sỹ, chuyên gia y tế. Không thể tùy tiện sử dụng thuốc, cũng như không thể tự tìm hiểu, thu thập thông tin trôi nổi trên mạng, hay là mách bảo tai nhau, để rồi “tự mình là thầy thuốc cho mình”. Việc làm phi khoa học này hết sức nguy hiểm, bởi sức khỏe và tính mạng là không thể tùy tiện, khi nguy nan thì hối hận đã không còn kịp nữa.

Theo bác sĩ Lưu Quang Minh (Khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), người dân cần tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế, hoặc liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa để tìm hiểu thông tin trước khi sử dụng. Tuyệt đối không chia sẻ các thông tin không chính xác để tự điều trị bệnh.

Tuy nhiên, cũng cần nói rằng trước sự nhiễu loạn thông tin về tự chữa Covid-19 lan tràn trên mạng thì rất cần sự chủ động, tích cực của ngành y tế, của các chuyên gia y tế. Tiếng nói của cơ quan y tế, của người có uy tín trong ngành mới đủ sức xua tan những “chỉ dẫn” vô căn cứ, phản khoa học và độc hại. Đáng tiếc là tới nay điều đó không được làm tốt. Vì chưa làm tốt nên không lấn át được “cỏ dại”, “cỏ dại” vẫn có đất sinh sôi nảy nở.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân không khỏi lo lắng. Vì thế hơn lúc nào hết, bên cạnh sự tỉnh táo của mỗi người, thái độ đúng đắn của người sử dụng mạng xã hội thì rất cần sự vào cuộc của ngành y tế, các chuyên gia y tế đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng, dễ hiểu và khoa học. Cơ quan chức năng cũng cần sớm “truy vết”, tìm những người cố tình tung lên mạng những “chỉ dẫn” đề phòng, tự điều trị Covid-19 sai trái. Và, kể cả với người “chia sẻ” những thông tin ấy cũng không thể vô can khi vô tình hay cố ý khuếch tán nó.

Ngọc Mai