Bí thư phường bị phạt
Chủ tịch UBND phường Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) Nguyễn Thanh Tùng mới đây đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Bách Lợi. Việc vi phạm quy định phòng dịch rồi bị phạt hành chính là bình thường, nhưng chuyện bí thư bị chủ tịch phạt thì thật hy hữu.
Có lẽ việc Chủ tịch UBND phường Tân Mai Nguyễn Thanh Tùng buộc phải ký quyết định xử phạt hành chính đối với người vừa là đồng nghiệp, vừa là cấp trên ở cùng phường cũng là việc chẳng đặng đừng. Bởi lẽ, việc ông Nguyễn Bách Lợi không đeo khẩu trang ra đường đã bị người dân chụp hình lưu lại.
Song, cũng rất mừng là thay vì giải thích để khỏa lấp cho hành vi vi phạm quy định phòng dịch của bí thư phường, ông Nguyễn Thanh Tùng đã đặt bút ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người “trên vai vế”. Có lẽ đây sẽ là tiền lệ tốt để các chủ tịch phường khác, quận khác, tỉnh khác noi theo để mà học tập.
Còn nhớ cách đây ít năm, khi bàn về thẩm quyền xét xử vụ án hành chính của TAND các cấp, nhiều chuyên gia luật và một số đại biểu Quốc hội đã lo ngại đặt vấn đề rằng: Một thẩm phán tòa cấp huyện khi được giao chủ tọa phiên tòa có dám tuyên ông chủ tịch huyện sai và hủy bỏ quyết định của ông ta hay không? Có ý kiến cho rằng không dám, bởi ngại va chạm, dĩ hòa vi quý...
Trong trường hợp này, quyết định xử phạt hành chính đối ông bí thư phường của Chủ tịch UBND phường Tân Mai Nguyễn Thanh Tùng có thể nói là rất... dũng cảm. Tất nhiên, về mặt lý thuyết, ông Tùng hoàn toàn có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Lợi, nhưng thực tế và lý thuyết vẫn luôn cách nhau trời vực.
Xét về mặt lý thuyết được quy định tại Hiến pháp 2013, TAND các cấp luôn xét xử độc lập, không chịu sự chi phối của ai, cơ quan nào và chỉ tuân theo pháp luật. Nhưng trên thực tế, đã có mấy thẩm phán TAND cấp tỉnh dám tuyên ông chủ tịch hay bí thư địa phương đó có hành vi hành chính sai, hoặc ban hành quyết định hành chính trái luật?
Tất nhiên, cũng khó trách một số thẩm phán khi xét xử có sự “nương tay” đối với lãnh đạo địa phương. Bởi lẽ, đến cấp trên của họ là các chánh án nếu có chủ tọa phiên tòa cũng chưa chắc đã dám tuyên án thẳng thừng, nữa là họ chỉ là thẩm phán thông thường. Vậy nên một số người đã dùng giải pháp “né” cho lành.
Vậy nên, trong việc ông Bí thư Đảng ủy phường Tân Mai vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19, nếu không phải ông Tùng mà là người khác thì chưa chắc đã dám ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp này, có lẽ có người sẽ chọn giải pháp “lờ” đi như không biết, hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho cấp trên giải quyết.
Nếu chọn giải pháp im lặng cũng rất có thể bị cấp trên khiển trách vì sao biết việc mà không làm. Nhưng nếu “nhanh nhảu” báo cáo lên cấp trên về hành vi vi phạm trong phòng, chống đại dịch Covid-19 của ông bí thư phường thì không những không bị khiển trách, mà cò khi còn được khen thưởng vì đã “có trách nhiệm” phòng dịch.
Song, thay vì đưa ra những “lựa chọn khôn ngoan” đó, Chủ tịch UBND phường Tân Mai Nguyễn Thanh Tùng đã chấp hành đúng quy định, không ngại va chạm để đưa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với ông bí thư. Đó mới thực sự là công tâm, khách quan, hết lòng vì công việc, tận tụy trong cuộc chiến với đại dịch.
Hành động của ông Tùng không chỉ khiến ông Bí thư phường Tân Mai “ngộ” ra được chức phận của bản thân, cũng đồng thời là hồi chuông cảnh tỉnh những “ông quan” đang có ý định ỷ vào chức vụ quyền hạn được giao để coi thường kỷ cương phép nước, coi thường dư luận xã hội. Bí thư phường bị chủ tịch phường xử phạt, thật hy hữu!