Vụ lúa hè thu 2021: Ngổn ngang nhiều mối lo

Quốc Trung - Nguyên Bảo 11/08/2021 08:30

Vụ lúa hè thu 2021, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 1,56 triệu ha. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, khoảng 900 ngàn ha đang tắc đầu ra cả khâu thu hoạch và tiêu thụ. Hiện nay lúa đã đến kỳ thu hoạch rộ, nhưng thiếu nhân công, ít người mua, giá lúa bắt đầu giảm mạnh…

Thương lái “bẻ kèo”, nông dân điêu đứng

Vụ hè thu năm nay, toàn huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu canh tác hơn 13.770 ha, trong đó xã Vĩnh Thanh hơn 3.000 ha, xã Vĩnh Phú Đông hơn 4.000 ha, xã Vĩnh Phú Tây hơn 2.300 ha, còn lại là ở thị trấn Phước Long. Dự kiến, vào trung tuần tháng 8 này các trà lúa hè thu trên địa bàn huyện sẽ bước vào giai đoạn thu hoạch rộ. Mặc dù vụ hè thu năm nay được đánh giá là năng suất lúa khá cao nhưng điều khiến bà con nông dân lo lắng là, hiện tại đang thiếu máy gặt đập liên hợp, giá lúa lên xuống thất thường, thương lái tạm ngừng mua lúa…Hiện tại toàn huyện chỉ có 66 máy gặt đập, chỉ đáp ứng được hơn 40% diện tích lúa cần thu hoạch…

Theo ước tính, vụ hè thu năm nay huyện Phước Long sẽ đạt sản lượng hơn 90 ngàn tấn, chủ yếu do các cá nhân, đơn vị ngoài tỉnh thu mua khoảng 80%, các đơn vị trong tỉnh chỉ thu mua khoảng 20% nhưng do tình hình dịch bệnh đến thời điểm này các đơn vị thu mua chưa liên hệ để xuống chốt giá với người dân. Lúa đang thu hoạch đầy đồng, thế nhưng cò lúa lại “bẻ kèo” không chịu đặt cọc do không có thương lái. Việc “đem con bỏ chợ” vào thời điểm này khiến nhiều nông dân điêu đứng.

Ông Nguyễn Văn Triệu, ấp Tường Thắng B, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long cho biết: “Hiện tại hơn 2 ha lúa hè thu của gia đình đã bắt đầu thu hoạch, không chỉ khó khăn trong việc tìm máy gặt đập liên hợp mà tới thời điểm này chưa có thương lái vào thu mua do thực hiện giãn cách xã hội, bà con mong ngành chức năng có giải pháp để tiêu thụ lúa…”.

Ông Trần Văn Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long cho biết, phần lớn các ghe thu mua lúa đến từ tỉnh ngoài như Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, trong khi đó hiện nay việc đi lại gặp khó khăn. Huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thương lái vào thu múa lúa, đồng thời kết nối với các DN lớn để thu mua nông sản, tiến hành thống kê, lập danh sách lực lượng lao động tham gia phục vụ thu hoạch, vận chuyển lúa hè thu 2021...

Khẩn trương tìm giải pháp tháo gỡ

Ghi nhận của phóng viên tại tỉnh Hậu Giang, đến thời điểm này tỉnh đã thu hoạch xong trên 45.000 ha, năng suất trên 6 tấn/ha, diện tích còn lại khoảng trên 31.000 ha, dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm trong tháng 9 năm nay.

Thời điểm Hậu Giang bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình thu hoạch lúa trên địa bàn tỉnh hết sức khó khăn trong việc điều động máy gặt đập liên hợp để thu hoạch. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hậu Giang đã giao cho Sở NN&PTNT, chủ trì điều phối các máy gặt đập liên hợp từ địa bàn này sang địa bàn khác để đảm bảo thu hoạch dứt điểm từng hộ dân theo độ chín của lúa. Đến thời điểm này, giá lúa đã giảm khoảng 200 đến 300 đồng/ký so với trước đây...

Tương tự, toàn tỉnh Bạc Liêu có diện tích xuống giống vụ hè thu gần 60.000ha. Hiện tại các trà lúa đang bước vào giai đoạn thu hoạch với sản lượng khoảng 330.000 tấn. Nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh hơn 46.000 tấn, có thể xuất bán ra thị trường trên 283.000 tấn. Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận cho biết: Bạc Liêu sẽ tạo điều kiện cho thương lái vào địa bàn để thu mua lúa, làm sao để việc thu hoạch thuận lợi nhất. Tuy nhiên, các hoạt động này phải đảm bảo các quy định về phòng chống dịch.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã họp bàn giải pháp với các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL để tháo gỡ khó khăn trong thu hoạch và tiêu thụ lúa hè thu 2021 trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp. Theo đó, các tỉnh đã kiến nghị Chính phủ triển khai chương trình thu mua dự trữ lúa gạo quốc gia để nông dân yên tâm, cũng như kích cầu sản xuất vụ thu đông. Đồng thời, có phương án hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp trong việc thu mua, vận chuyển lúa gạo. Để quản lý người và phương tiện tham gia vào khâu thu gom lúa gạo, nhiều đại biểu cũng cho rằng, các địa phương cần có kế hoạch cụ thể để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa giúp thương lái, người lao động đi lại trong giai đoạn thu mua lúa trong dân.

Các tỉnh trong vùng ĐBSCL cũng đang tập trung chỉ đạo đến cơ sở, lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát thống nhất về quy trình thực hiện, tạo thuận lợi trong thu mua, vận chuyển nông sản, nhất là mặt hàng lúa thời điểm này. Duy trì tổ phản ứng nhanh, đường dây nóng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thu hoạch, mua bán, vận chuyển nông sản từ cấp tỉnh đến huyện, xã...

Quốc Trung - Nguyên Bảo