Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh
Hiện nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trong đó, TP HCM và Hà Nội là nơi tập trung nhiều trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) của cả nước. Phương án ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong xét tuyển cũng như khâu nhập học để vừa an toàn trong phòng, chống dịch vừa đảm bảo quyền lợi thí sinh được các trường ưu tiên hàng đầu.
Kỳ tuyển sinh năm nay có một số điểm mới so với các năm trước, trong đó có việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Thí sinh có thể đăng ký nguyện vọng trực tuyến thay cho đăng ký nguyện vọng trên giấy. Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 3 lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến.
Theo PGS. TS Bùi Ðức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ÐH Kinh tế Quốc dân: hiện nhà trường đã hoàn thiện hệ thống đăng ký trực tuyến, xây dựng phần mềm để tạo thuận lợi cho thí sinh, nhất là những thí sinh ở xa không cần trực tiếp đến trường. PGS Triệu cũng cho biết, năm nay nhà trường đã nâng tổng số nguyện vọng tối đa của thí sinh từ 10 lên 54 nguyện vọng theo 54 mã ngành và chương trình, không phân biệt thứ tự. Việc tăng số lượng nguyện vọng sẽ khiến trường gặp khó khăn nhưng bù lại thí sinh có cơ hội trúng tuyển cao nhất.
Sau khi công bố điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) bằng các phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, điểm học bạ THPT, nhiều trường ĐH, CĐ đã bố trí các cán bộ tuyển sinh ăn ở tại trường để kịp thời hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của các thí sinh về thủ tục đăng ký nhập học, điều chỉnh nguyện vọng.
Đại diện trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP HCM) cho biết ban đầu dự định cho thi năng khiếu một số môn như vẽ, âm nhạc cho các ngành đặc thù là thiết kế thời trang, kiến trúc, âm nhạc… sau khi thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trường quyết định không thi tập trung mà tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Cũng tương tự với việc thi, kiểm tra online của học sinh các khối khác, toàn bộ quá trình từ lúc nhận đề đến lúc thí sinh nộp bài sẽ có giám thị theo dõi xuyên suốt để đảm bảo bài thi được thực hiện nghiêm túc và trung thực. Kết thúc thời gian làm bài, thí sinh chụp hình bài thi và gửi nộp về trường theo địa chỉ email do nhà trường cung cấp…
Thí sinh sau khi trúng tuyển môn năng khiếu, đồng thời điểm các môn thi tốt nghiệp THPT phải đạt mức yêu cầu của trường, thì nhà trường sẽ gửi thông báo trúng tuyển, giấy báo trúng tuyển qua email hoặc đường bưu điện cho thí sinh. Thí sinh cũng làm thủ tục nhập học online theo hướng dẫn của nhà trường.
Trên thực tế, trong bối cảnh hiện nay, đa số các nhà trường đã hoàn thành phần mềm nhập học online để thí sinh trúng tuyển đăng ký nhập học với đầy đủ các hướng dẫn chi tiết, thực hiện từng bước. Bên cạnh đó, thí sinh sau khi hoàn thành sẽ nhận được thư xác nhận bằng email tự động của nhà trường nên có thể yên tâm về việc đã nhập học thành công. Mỗi trường đều có số điện thoại hotline để thí sinh gọi đến để được hướng dẫn chi tiết cũng như thông tin về các vấn đề có liên quan. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho thí sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đồng thời đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch cho cả thí sinh và cán bộ nhà trường do hạn chế tiếp xúc trực tiếp.
TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Hà Nội cũng thông báo kế hoạch xác nhận nhập học đối với thí sinh trúng tuyển diện xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp vào ĐH hệ chính quy năm 2021 theo hình thức trực tuyến và gửi chuyển phát nhanh qua bưu điện, không nhận hồ sơ trực tiếp.
Ông Dũng cho biết, hiện nay mọi thông tin tuyển sinh đều được nhà trường đăng công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường, thí sinh cần liên tục theo dõi, truy cập vào các trang này để cập nhật các thông tin mới nhất từ nhà trường để tránh bỏ lỡ cơ hội nhập học hay điều chỉnh nguyện vọng vào trường, ngành mình yêu thích.