Giám sát việc ‘bơm’ vốn

T.Hằng 11/08/2021 06:30

Tròn 1 tháng kể từ thời điểm 16 ngân hàng thương mại đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt khó khăn, cùng với đó các ngân hàng cũng tung ra gói hỗ trợ lãi suất thấp trị giá hàng nghìn tỷ đồng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Câu hỏi đặt ra là: Làm sao để sự hỗ trợ ấy đạt được hiệu quả như kỳ vọng?    

Doanh nghiệp chưa dễ tiếp cận

Cùng với các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đồng loạt các ngân hàng thương mại (NHTM) đang ứng biến linh hoạt trong việc hỗ trợ giảm lãi suất cho vay đã phần nào chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp(DN) cầm cự sản xuất trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.

Cụ thể, ngày 12/7 vừa qua 16 tổ chức tín dụng (TCTD) đồng thuận cam kết giảm lãi suất cho DN với với nguồn lực từ việc cắt giảm lợi nhuận khoảng 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm. Riêng 4 NHTM lớn bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank ngoài gói hỗ trợ chung còn cam kết bỏ thêm khoảng 1000 tỷ đồng hỗ trợ giảm thêm lãi suất cho các DN, người dân ở các địa phương phải thực hiện giãn cách, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các NHTM giảm lãi suất là sự chia sẻ đáng ghi nhận, đặc biệt nguồn hỗ trợ này là từ nguồn lực của chính các ngân hàng, ước tính khoản hỗ trợ của mỗi ngân hàng tham gia lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Dù vậy, Chủ tịch VCCI cũng cho biết, số DN thật sự tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất giảm còn ít so với kỳ vọng, đặc biệt là các DN nhỏ vì khó tiếp cận vốn vay ưu đãi.

Có nhiều khoản nợ cần được cơ cấu lại nhưng lại không đáp ứng được điều kiện quy định tại Thông tư 03 về thời gian phát sinh nợ là trước ngày 10/6/2020. Trong bối cảnh khó khăn, DN sẽ cần nhiều thời gian để khôi phục, ổn định nên nợ phát sinh nghĩa vụ phải trả sau tháng 12/2021 vẫn cần phải cơ cấu lại. Song dịch bệnh khiến việc cơ cấu thời gian trả nợ thêm 12 tháng như tại Thông tư 03 của DN là hết sức khó khăn, do đó DN vẫn khó có thể trả nợ.

Về vấn đề này, TS Lê Thị Kim Xuân, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, điểm vướng của Thông tư 03 là thời hạn trả nợ kéo dài và tất cả các khoản nợ chỉ được kéo dài trong vòng 12 tháng. Điều này sẽ rất khó khăn với các khoản cho vay trung và dài hạn. Việc khắc phục những bất cập của thông tư cần phải có thời gian. Do đó mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh đã họp trực tuyến với các ngân hàng, TCTD bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hiện DN đang cần nguồn vốn lãi suất thấp như người bệnh cần máy thở. Song nhiều Hiệp hội DN cho biết, thực chất ngân hàng giảm lãi suất chưa đáng kể, việc tiếp cận vốn của DN được như mong muốn.

Cần các giải pháp để các gói hỗ trợ lãi suất thấp đi vào cuộc sống. Ảnh :TL.

Các ngân hàng phải chia sẻ, đồng hành với DN

Các TCTD đã cam kết hỗ trợ lãi suất với số tiền 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm, lấy từ nguồn cắt giảm lợi nhuận, tuỳ quy mô ngân hàng. Đáng chú ý, NHNN sẽ giám sát chặt chẽ, bảo đảm các ngân hàng triển khai đúng cam kết hỗ trợ của mình theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Vậy làm sao để cho các gói hỗ trợ lãi suất đi được vào cuộc sống với hiệu quả cao nhất? Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, NHNN sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất, giảm được bao nhiêu, giảm thế nào để có sự hỗ trợ thực chất nhất. Các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ, đưa ra cam kết, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Ngoài ra, thời gian tới, NHNN tiếp tục chỉ đạo giảm các loại phí cho DN, người dân.

“Quan điểm của NHNN là dù các NHTM cũng hoạt động kinh doanh như một DN, nhưng lúc này các ngân hàng nên đề cao trách hiệm chia sẻ với DN, người dân. Đặc biệt, khi tình trạng dịch căng thẳng, tiếp tục giảm lãi suất cho vay với DN, người dân là giải pháp thiết thực. Do đó, để có điều kiện chia sẻ trách nhiệm, đồng hành, giảm sâu hơn lãi suất cho DN, các ngân hàng phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết giảm chi phí hoạt động và chia sẻ nguồn lợi nhuận của mình” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Cùng đó, ông Tú cũng cho biết, NHNN đang xem xét điều chỉnh nhiều quy định như: mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí; cho phép TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí đối với cả các khoản nợ phát sinh từ sau ngày 10/6/2020 cho đến một thời điểm phù hợp với diễn biến của dịch bệnh trên cơ sở đánh giá tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4… Tuy nhiên, khi xây dựng chính sách, NHNN phải tính toán bảo đảm hài hoà, giải quyết nhiều câu hỏi đặt ra: Giãn hoãn nợ như thế nào và kéo dài bao lâu? Trích lập dự phòng rủi ro thế nào?... Đây là bài toán không đơn giản. Nếu cơ cấu không hợp lý, không phản ánh khách quan nền kinh tế, nợ xấu cao thì sẽ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống, dự phòng rủi ro trong tương lai.

T.Hằng