Quảng Ninh: Đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Chiều 10/8, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp 7 tháng đầu năm 2021. Hội nghị được tổ chức trong điều kiện siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình vô cùng khó khăn của các doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp đang đứng trên bờ vực phá sản
Tại hội nghị, các đại biểu đều nhận định do ảnh hưởng của dịch, nhu cầu trong các ngành đều giảm, việc suy giảm tiêu dùng của người dân và xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Việc thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh làm hạn chế tối đa việc đi lại giao thương giữa các nước, các tỉnh, thành phố, địa phương, cước vận tải đường biển và đường bộ đều tăng, cho nên giá bán sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp giảm mạnh, dẫn đến sụt giảm về doanh thu. Dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến khó có thể trang trải các khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh…
Theo ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, các doanh nghiệp trong tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp đã tính đến chuyện bán tàu, bán ô-tô, nhà xưởng vì đứng trước nguy cơ phá sản.
Các doanh nghiệp đã có chia sẻ thẳng thắn với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh những khó khăn đang gặp phải về vốn đầu tư, về chính sách hỗ trợ thuế, hỗ trợ giải phóng mặt bằng các dự án, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Nhiều vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm đề cập như công tác triển khai tiêm vaccine cho công nhân lao động, triển khai cơ chế mở, thông tin sâu về các dự án để các doanh nghiệp của tỉnh được tham gia dự thầu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp được tiếp cận với những dự án. Hay việc hỗ trợ tiền thuê đất, tiền nộp thuế trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp thay thế, đóng mới một số tàu du lịch và giảm tiền thuê đất, gia hạn thời gian thuê đất, xem xét giảm 50% thuế GTGT…
Đặc biệt, đối với tỉnh Quảng Ninh, nơi có nguồn thu, tăng trưởng từ khu vực dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng lớn đã chịu tác động rất nặng nề (chiếm 45,9% trong cơ cấu kinh tế năm 2019). Nhiều đơn vị kinh doanh du lịch (lưu trú, nhà hàng, vận tải..) vay vốn ngân hàng để đầu tư và tái cơ cấu kinh doanh, đặc biệt là những doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch do phải tạm dừng hoạt động dẫn đến có nguy cơ đối diện với khả năng không còn vốn để phục hồi sản xuất, không có khả năng trả nợ vay cả vốn và lãi vay; đóng thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, chi phí tiền lương và các chi phí phát sinh khác.
Bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh chia sẻ: 'Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch hiện gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19, tất cả các tàu du lịch phải dừng hoạt động do không có khách. Vì vậy, Hiệp hội Du lịch đề nghị tỉnh và các ngành chức năng nghiên cứu có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về vốn vay, về thuế để duy trì hoạt động và bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 2 năm nay, nhiều doanh nghiệp du lịch không doanh thu trong khi đó vẫn phải đóng các khoản phí thuê đất nên rất lo lắng. Thêm nữa, hiện nay, các đội tàu du lịch mặc dù không có khách nhưng vẫn phải duy trì đội ngũ bảo quản tàu và thực hiện sửa chữa, nâng cấp tàu. Do đó, chúng tôi rất mong tỉnh quan tâm, hỗ trợ có nguồn vốn vay lưu động để có nguồn chi lương cho người lao động cũng như chi phí bảo dưỡng tàu. Đồng thời, quan tâm bổ sung thêm các đối tượng ngành du lịch như nhân viên điều hành, nhân viên marketing... được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ'.
Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, trách nhiệm và đi đến cùng các vấn đề, các lãnh đạo tỉnh, sở, ngành liên quan của tỉnh Quảng Ninh đã cùng với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hàng loạt lĩnh vực dịch vụ, du lịch, GPMB dự án…
Khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp bằng những cơ chế thiết thực
Ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đã gửi lời cảm ơn và ghi nhận những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đã cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Quảng Ninh vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh Covid-19. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh, tỉnh đã chủ động có các biện pháp mạnh ngay từ đầu năm để đồng hành, tháo gỡ một phần khó khăn cho doanh nghiệp, điển hình là Nghị quyết số 326/NQ-HĐND ngày 8/2/2021 của HĐND tỉnh về đảm bảo an sinh và ổn định tình hình KT-XH.
Được biết, tính đến hết ngày 8/8, toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ được 5.305 doanh nghiệp (193.630 lao động) với tổng số tiền trên 14,7 tỷ đồng. Trong đó, đã thực hiện hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho 5.298 doanh nghiệp (187.965 lao động) với số tiền hơn 10,6 tỷ đồng; hỗ trợ dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất cho 2 doanh nghiệp (505 lao động) với số tiền gần 3,4 tỷ đồng; hỗ trợ 33 hướng dẫn viên du lịch số tiền trên 122 triệu đồng...
Ngay tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành, địa phương liên quan đã chia sẻ với những khó khăn vướng mắc và tiếp nhận 12 đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp. Đồng thời, thẳng thắn trao đổi cùng tìm ra những giải pháp tháo gỡ hiệu quả trong tình hình hiện nay để tiếp tục đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, Quảng Ninh xác định rõ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá của tỉnh. Tỉnh sẽ tổ chức thành lập các đoàn công tác và các buổi sinh hoạt kết nối, đến làm việc trực tiếp với doanh nghiệp theo từng ngành nghề, từng nhóm lĩnh vực để giải quyết các kiến nghị một cách cụ thể, căn cơ và hiệu quả hơn nữa, đặc biệt là việc tổ chức tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư tỉnh Quảng Ninh và tiếp tục duy trì chương trình Cafe doanh nhân.