Học sinh đã tự tin hơn
Ngày 12/8, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Tiểu học. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 1 điểm cầu tại Bộ GDĐT, 63 điểm cầu tại 63 Sở GDĐT và hơn 700 điểm cầu đến các Phòng GDĐT cấp quận, huyện. Đánh giá về việc thực hiện Chương trình và SGK mới, học sinh lớp 1 được nhận định đã có một số mặt nổi trội hơn các lứa học sinh đã học chương trình 2006.
Học sinh lớp 1 được đánh giá là nổi trội
Năm học 2020-2021 là năm đặc biệt với ngành giáo dục nói chung và giáo dục Tiểu học nói riêng, khi lần đầu tiên cả nước thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT 2018) đối với lớp 1. Năm học diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến học sinh chỉ có thể trở lại trường học chính thức sau ngày khai giảng 5/9; học sinh lớp 1 không có 2 tuần làm quen nền nếp, môi trường học tập như các năm học trước. Trước đó, suốt nhiều tháng kể từ học kỳ II năm học 2019-2020, không ít địa phương vì ảnh hưởng của dịch đã phải cho học sinh tạm dừng đến trường; thầy trò từng bước làm quen và chuyển dần sang dạy học trực tuyến, nhằm khắc phục tác động của dịch Covid-19 và tạo điều kiện cho học sinh học tập mọi lúc, mọi nơi, hoàn thành chương trình đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Điều đáng mừng là tổng hợp kết quả đánh giá cuối năm học 2020-2021 của các địa phương cho thấy, học sinh lớp 1 tự tin, đọc thông viết thạo; lớp 2-5 đáp ứng chuẩn đầu ra. Trong đó, học sinh lớp 1 có một số mặt nổi trội hơn các lứa học sinh đã học chương trình 2006. Cụ thể, học sinh lớp 1 năm nay mạnh dạn, tự tin hơn, biết nêu quan điểm cá nhân và cơ bản là đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1, sau đó được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2. Đây là thành quả từ những nỗ lực, tâm huyến của từng cá nhân nhà giáo, học sinh, phụ huynh, và tập thể nhà trường, các địa phương, cũng như toàn ngành Giáo dục.
Khi triển khai CT GDPT 2018, trong quá trình dạy học, đối với một số ngữ liệu chưa phù hợp trong SGK, giáo viên thông qua sinh hoạt chuyên môn đã chủ động trao đổi để lựa chọn ngữ liệu tương đương, quen thuộc, gần gũi với đời sống và giảng dạy cho học sinh. Bộ GDĐT cũng kịp thời chỉ đạo các NXB, tác giả SGKthực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để hỗ trợ giáo viên khắc phục khó khăn trong quá trình sử dụng. Theo đó, SGK lớp 1 của NXB Giáo dục Việt Nam và bộ sách Cánh Diều đã có một số chỉnh sửa, được hiệu đính để chất lượng được tốt hơn.
Chủ động kịch bản dạy và học
Năm học 2021- 2022, Giáo dục Tiểu học đã đặt ra 5 nhiệm vụ với nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, cấp học này sẽ tiếp tục triển khai đảm bảo chất lượng CT GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và thực hiện hiệu quả CT GDPT 2006 từ lớp 3 đến lớp 5. Tiếp tục xây dựng kế hoạch, phương án tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học bắt buộc theo chương trình, đặc biệt là môn Tin học, môn Ngoại ngữ; đảm bảo 100% giáo viên dạy học lớp 3 được bồi dưỡng theo quy định của Bộ GDĐT và được hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa lớp 3 từ năm học 2022-2023.
Việc rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục và bố trí quỹ đất để xây dựng trường, điểm trường, lớp học phù hợp, thuận lợi và đáp ứng nhu cầu người học, vẫn là nhiệm vụ vẫn được chú trọng thực hiện trong năm học này. Song song với đó là tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện CT GDPT cấp tiểu học, khắc phục tình trạng trường lớp có quy mô lớp học và sĩ số học sinh vượt quá quy định.
Đặc biệt, năm học 2021-2022, Giáo dục Tiểu học đặt ra 2 nhiệm vụ mới. Một là chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Khai thác, sử dụng SGK, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Nhiệm vụ mới thứ hai là đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch Covid-19 đối với cấp tiểu học. Chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và điều kiện thực tế của người học. Tổ chức xây dựng kho học liệu điện tử phù hợp để sẵn sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp học sinh phải tạm dừng đến trường nhưng việc học vẫn không gián đoạn.
Hiện nay, toàn quốc có 406.636 giáo viên cấp tiểu học tăng 6.140 so với năm học trước. Tỷ lệ trung bình giáo viên/lớp là 1,41, cơ bản đảm bảo thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.
Trong 2 ngày (12, 13/8), Bộ GDĐT tổ chức 2 Hội nghị: Tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Tiểu học; Tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học. Các hội nghị này được tổ chức theo hình thức trực tuyến.