Các biện pháp ứng phó với sức khỏe tâm thần trong mùa dịch
Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những thiệt hại to lớn về xã hội, tình cảm và sức khỏe tâm thần cho cộng đồng. Đặc biệt, tình trạng này không chỉ xuất hiện ở những người từng phải thực hiện cách ly y tế hay điều trị Covid-19 mà cả những người trẻ, cha mẹ, con cái… cũng gặp không ít sang chấn về mặt tâm lý.
Dịch Covid-19 đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đến đời sống xã hội. Theo thống kê, một con số đáng kể các bệnh nhân mắc Covid-19 vẫn tiếp tục có những triệu chứng sau giai đoạn cấp của bệnh bao gồm ho, mệt mỏi, đau mạn và cả những than phiền về tâm thần. Tạp chí y khoa Medscape đưa tin, một nghiên cứu quan sát 230.000 hồ sơ sức khỏe của những bệnh nhân tại Mỹ đã tiết lộ có 1/3 số người sống sót sau Covid-19 được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần hoặc thần kinh trong vòng 6 tháng sau nhiễm vi-rút.
Một nghiên cứu khác chứng tỏ những người mắc Covid-19 mức độ nhẹ cũng gặp phải các triệu chứng tâm thần không liên quan đến chẩn đoán tâm thần trước đó. Các kết quả trên gần 900 bệnh nhân cho thấy 2 tháng sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút, 26% số đó bị trầm cảm, 22% bị lo âu và 17% có các triệu chứng stress sau sang chấn. Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng vì đa phần những người mắc Covid-19 đều ở thể nhẹ.
Chỉ tính riêng đợt dịch Covid-19 thứ 4 này, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội đã tiếp nhận khoảng 20 trường hợp được đưa đến điều trị tại khu cách ly của bệnh viện thuộc các nhóm đối tượng đến từ các vùng dịch tễ; phát bệnh tại các khu cách ly tập trung; có tiền sử bệnh tâm thần; người đi lang thang… Trong đó, nhiều yếu tố tác động khiến bệnh nhân tâm thần gia tăng và trở nên trầm trọng hơn.
Bác sĩ Trần Đức Cường - người trực tiếp điều trị bệnh nhân tại khu cách ly của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho rằng, những trường hợp dễ mắc rối loạn tâm thần nhất phải kể đến là bệnh nhân Covid-19. Có những bệnh nhân ngay trong những ngày đầu nhập viện cách ly, điều trị đã xuất hiện dấu hiệu mất ngủ, lo âu, căng thẳng (stress)… kéo dài. Thậm chí, những người này khi khỏi bệnh trở về cộng đồng cũng chịu áp lực tâm lý nặng nề.
Khi xuất hiện bất thường về sức khỏe: Đau đầu, lo âu, stress… kéo dài, nếu không kiểm tra, thăm khám và điều trị kịp thời, có thể dẫn tới bệnh lý tâm thần, bác sĩ Trần Đức Cường lưu ý.
Không chỉ xuất hiện ở những bệnh nhân mắc Covid-19, các chuyên gia tâm lý học còn cảnh báo, hiện tượng rối loạn tâm thần còn kéo theo hệ lụy đối với người trẻ, ảnh hưởng đến khủng hoảng trong mối quan hệ, đặc biệt là mối quan hệ hôn nhân hoặc cha mẹ và con cái…
Tiến sĩ Lê Minh Công, chuyên ngành tâm lý học lâm sàng, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhìn nhận dịch Covid-19 gây khủng hoảng lớn đến mọi mặt đời sống con người, trong đó có vấn đề về tâm lý và sức khỏe tâm thần.
Nếu như ở mối quan hệ gia đình, tác động của dịch bệnh làm cho cá nhân gia tăng những suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng, xung đột giữa các thành viên trong gia đình do vợ chồng, con cái ở nhà quá lâu, không có sự kết nối với bên ngoài, thu nhập lại giảm sút làm gia tăng mâu thuẫn thì người trẻ cũng chịu tác động không nhỏ từ đại dịch.
Theo thạc sĩ Nguyễn Công Bình, chuyên ngành tâm lý học lâm sàng, Phó giám đốc Trung tâm tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức: Các bạn trẻ bị thay đổi kế hoạch học tập, rủi ro trong công ăn việc làm, thậm chí nhiều người thất nghiệp. Đặc biệt, một số bạn khởi nghiệp gặp đợt dịch thứ 4 này đã rơi vào tình trạng phá sản. Tất cả đều ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tâm thần, khiến bản thân lo âu, trầm cảm. Tỷ lệ bạn trẻ gặp vấn đề này rất cao. Điều đáng lo ngại là các bạn chưa có kinh nghiệm, trải nghiệm nhiều nên khả năng ứng phó, đối mặt với rủi ro còn yếu, không tìm ra được giải pháp nên thường có suy nghĩ, hành vi tiêu cực, bi quan.
Ứng phó với sức khỏe tâm thần trong mùa dịch
Diễn biến dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, do đó Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội Nguyễn Quang Bính khuyến cáo, người dân cần phải chấp nhận, thay đổi lối sống để thích nghi. Đó là tăng cường rèn luyện sức khỏe thể chất, nâng cao sức khỏe tinh thần trong mùa dịch bằng các liệu pháp đơn giản, như: Thư giãn, luyện tập yoga, thiền, nghỉ ngơi, đọc sách... Khi có các dấu hiệu liên quan đến sức khỏe tâm thần phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, thăm khám, điều trị, nếu không có thể bỏ qua “cơ hội vàng” để hồi phục.
Riêng đối với người cao tuổi, PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, trong gia đình, người thân cần quan tâm trò chuyện với người cao tuổi để họ không cảm thấy cô đơn. Trong khẩu phần ăn hằng ngày, người cao tuổi cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin, canxi… để tăng cường thể lực. Hiện nay, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh có dịch vụ tư vấn trực tuyến, do đó, với người cao tuổi mắc bệnh mạn tính, nên sử dụng phương thức này để chia sẻ, nói chuyện với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình, từ đó giảm bớt lo âu.
Chuyên gia tâm lý - giảng viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên, mọi người nên nói ra tâm sự của mình để được chia sẻ, càng nói được với nhiều người, thì càng giải tỏa được lo lắng. Học sinh, sinh viên nên bình thường hóa cảm xúc bằng cách tăng cường trò chuyện với người thân về cảm giác bất an, sự tổn thương của mình. Và trong bối cảnh ấy, vai trò của phụ huynh vô cùng quan trọng, cần biết lắng nghe, động viên con em vượt qua khủng hoảng của bản thân. Trong khi phải ở nhà, hạn chế ra ngoài, học sinh nên dành thời gian cho những sở thích, như: Hội họa, âm nhạc, rèn luyện thể dục, thể thao...