Dịch bệnh kéo dài, vì sao giá nhà đất vẫn không giảm?
Trải qua đợt dịch bệnh lần thứ 4, thị trường bất động sản tại Hà Nội đóng băng, hầu như không có giao dịch. Tuy nhiên giá nhà chung cư, đất nền vẫn neo ở mức cao, thậm chí có nơi còn tăng. Vì sao?
Quan sát thực tế cho thấy, hiện giá nhà đất tại Hà Nội đã hình thành mặt bằng giá mới. Nếu 3 năm trước căn hộ cao cấp khoảng 35-45 triệu đồng/m² thì hiện nay phân khúc này đã điều chỉnh lên mức 40-60 triệu đồng/m². Trong khi đó đất nền tại các vùng ven tại các huyện ven đô Hà Nội có nơi vượt ngưỡng 100 triệu/m2.
Trên thực tế, mặc dù đang trải qua đợt giãn cách xã hội dài ngày, tại Hà Nội, thị trường bất động sản hầu như không có giao dịch. Tuy vậy, giá nhà, giá đất vẫn có xu hướng tăng chứ không hề giảm. Thậm chí một vài nơi có hạ tầng tương đối hoàn thiện như Hoà Lạc, dọc đường 32 huyện Hoài Đức, giá đất nền có xu hướng tăng.
Phân tích nguyên nhân hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, do một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực, thị trường khác (chứng khoán, ngoại hối, các ngành kinh tế suy yếu khác) đang đổ mạnh vào bất động sản tìm cơ hội đầu tư mua sắm.
Tuy vậy, ông Đính cũng nhận định, giá bất động sản tăng là do nhiều tác động. Trong đó phải kể đến, giá đất trên thị trường sau cơn sốt nhiều nơi vẫn còn ở mức cao nên đền bù giải phóng mặt bằng sẽ cao. Ngoài ra, khung giá đất ở rất nhiều địa phương bị điều chỉnh tăng lên 15%, vật liệu xây dựng và các yếu tố đầu tư xây dựng đều đã tăng khoảng 50% (nhóm chi phí này chiếm tỷ trọng trên 50% giá thành đầu vào bất động sản) cũng tác động đến giá bất động sản.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn thì về dài hạn, tại các khu vực trung tâm, dự án mới ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu mua nhà ở ngày càng tăng. Hiện nay, tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam chỉ mới đạt khoảng 35%, Hà Nội khoảng 49%, khá thấp so với khu vực và thế giới. Với tốc độ đô thị hóa còn thấp, lượng cư dân ở các tỉnh đổ về Hà Nội sẽ ngày càng nhiều hơn, trong khi nhà ở là nhu cầu hiện hữu của tất cả mọi người.
“Quỹ đất không thay đổi nên giá nhà ở khó có thể điều chỉnh giảm trừ khi có chính sách, nhưng điều này là khó khi thị trường hiện nay giá bán sẽ do cung - cầu quyết định. Ngoài ra, chi phí đầu vào tại các dự án cũng tăng không ngừng từ giá đất, vật liệu xây dựng đến nhân công... càng góp phần đẩy giá nhà tăng cao hơn. Khi nhu cầu ngày càng tăng và nguồn cung giới hạn, giá nhà tại khu vực trung tâm hay những nơi thuận tiện giao thông, y tế, tiện ích... chắc chắn rất khó giảm thậm chí tăng cao hơn”, ông Quốc Anh phân tích.