‘3 tại chỗ’ bộc lộ nhiều bất cập: Cần sớm có phương án thay thế
Những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong việc thực hiện phương án “3 tại chỗ” sẽ dần được tháo gỡ - đại diện Bộ Công thương cho biết.
Cần có phương án thay thế “3 tại chỗ”
Đó là ý kiến của phần lớn các DN khi thực hiện các phương án giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Từ thời điểm 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện theo Chỉ thị 16, liên tiếp trong vòng gần 1 tháng qua, nhiều DN đồng loạt lên tiếng nêu lên những khó khăn trong việc thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Mới đây nhất, tại cuộc họp trực tuyến với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương diễn ra hôm 11/8, nhiều DN tiếp tục đề xuất, cần phải có phương án thay thế.
Bà Lê Bích Loan, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP HCM đề xuất, chính quyền TP HCM cần có phương án thay thế cho “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” sau ngày 16/8, đồng thời cho phép người lao động được đi lại khi đã được tiêm vaccine cũng như DN được tăng quy mô sản xuất, thay thế lao động.
Cũng nêu lên những khó khăn, đại diện Công ty First Solar Việt Nam cho rằng, TP HCM nên xem xét theo hướng để DN tự quản lý, tự chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh lây lan. “Nếu DN đảm bảo phòng chống dịch sẽ được hoạt động, trường hợp không đảm bảo thì phải dừng” – đại diện DN này đề xuất.
Ghi nhận những khó khăn của cộng đồng DN, đại diện Tổ công tác đặc biệt Bộ Công thương cho biết, riêng với vấn đề “3 tại chỗ”, Bộ Công thương đã kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi Quyết định 2787; trong đó có đề nghị Bộ Y tế bổ sung các hình thức tổ chức sản xuất trong điều kiện vừa thực hiện cách ly vừa sản xuất kinh doanh tại DN. Theo đó, ngoài “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, Bộ Công thương cũng đề nghị linh hoạt bổ sung các hình thức khác cho DN lựa chọn, đặc biệt có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp người lao động có nhu cầu được về nhà theo cam kết của DN.
Nhiều đề xuất gỡ khó cho DN
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, các vấn đề bất cập của phương án “3 tại chỗ” tiếp tục được đề cập. Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nêu quan điểm, mặc dù phương án “3 tại chỗ” đã được áp dụng thành công ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nhưng khi triển khai tại các địa bàn khác, đặc biệt ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có TP HCM lại nảy sinh bất cập. Nguyên do là, ở miền Nam, người lao động đến từ rất nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, thực hiện phương án này, để người lao động ở tại một chỗ quá lâu cũng ảnh hưởng đến tâm lý người lao động. Bên cạnh đó, ông Hải cũng nêu lên thực tế, chi phí để thực hiện phương án “3 tại chỗ” quá cao, nhiều DN không “kham” được.
Ngoài ra, theo đại diện Bộ Công thương, một số quy định của các địa phương còn khác nhau. Nếu có trường hợp bị mắc Covid-19 trong bất kỳ khu công nghiệp nào đó thì mỗi một nơi lại quy định khác nhau. Có nơi đóng cửa ngay cơ sở sản xuất đó trong khi họ đã chuẩn bị rất tốn kém để thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Do vậy nhiều DN chủ động không làm nữa. Trước hàng loạt những bất cập nêu trên, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, ngày 6/8/2021, Bộ Công thương đã có văn bản do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ký gửi Bộ Y tế có ý kiến đề xuất một số biện pháp có thể phù hợp hơn so với “3 tại chỗ” hiện nay, thích nghi hơn trong điều kiện mới.
“Trong đó có rất nhiều đề xuất, kiến nghị, thậm chí là sửa đổi các quy định từ trước đến nay của Bộ Y tế liên quan đến hoạt động sản xuất, nhất là sản xuất trong các trung tâm công nghiệp. Hoặc nếu có F0 thì xử lý thế nào? Không bắt người lao động ở liền suốt một thời gian dài; họ cũng có thể được ra ngoài nhưng phải theo quy định”- Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết.
“Sản xuất là tốt và phải làm. Đó là mục tiêu Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Nhưng trước hết là phải chống dịch. Vì thế Bộ Y tế có vai trò hết sức quan trọng trong việc đưa ra các quy định phù hợp để có thể vừa chống dịch vừa tiếp tục sản xuất. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế để có thể ban hành sớm nhất văn bản, mang lại hiệu quả thiết thực vừa chống dịch vừa bảo đảm sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế” – Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.