Tín dụng vẫn chảy vào bất động sản?

T.Hằng 13/08/2021 10:30

Không chỉ đưa ra mức lãi suất cho vay mua nhà ở vùng thấp, nhiều ngân hàng kết hợp với chủ đầu tư đưa ra nhiều ưu đãi lớn. Đến hết quý I, theo Ngân hàng Nhà nước, có hơn 1,8 triệu tỷ đồng cho vay bất động sản. Có hay không việc các ngân hàng thương mại vẫn đổ tiền vào lĩnh vực nhạy cảm?

Vẫn rộng cửa cho vay bất động sản

Giới chuyên gia phân tích, mức lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng đang ở mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua, đã kéo giảm xuống từ 5% - 8,3%/năm, thậm chí có ngân hàng còn gia hạn thời gian cho vay lên tới 35 năm.

Đơn cử, PVcomBank tiếp tục có lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất trong số các ngân hàng được khảo sát. Theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi tại PVcomBank hiện ở mức 5%/năm trong 6 tháng đầu; từ tháng thứ 7 trở đi, lãi suất áp dụng ở mức 12%/năm. Còn VIB đang có lãi suất cho vay cao nhất trong số 20 ngân hàng, là 8,3%/năm. Tuy nhiên, số tiền vay của khách hàng có thể lên đến 90% giá trị căn nhà, với thời hạn kéo dài đến 30 năm.

Không chỉ ngân hàng nội, các ngân hàng ngoại cũng tìm cách mở rộng mảng cho vay mua nhà. Woori Bank đưa ra một số gói vay: lãi suất từ 6,1%/năm trong một năm đầu tiên; từ 7,2% trong 2 năm đầu tiên hoặc từ 7,6%/năm trong 3 năm đầu tiên.

Mặc dù thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giám sát chặt chẽ tín dụng bất động sản cũng như liên tục cảnh báo các ngân hàng về đầu tư chứng khoán, song theo giới chuyên gia kinh tế, dòng vốn ngân hàng vẫn chảy vào bất động sản bằng nhiều cách. Ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn xây dựng đầu tư dự án, cho cá nhân vay tiêu dùng mua nhà ở…

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thành Đô - Phó chủ tịch HDBank cho biết, dư nợ cho vay bất động sản hiện khá lớn, chiếm hơn 19% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Khi có sự biến động của thị trường thì sẽ ảnh hưởng đến toàn hệ thống ngân hàng. Giải pháp hiện nay, theo ông Đô, ngoài việc cảnh báo, siết chặt từ phía NHNN, từng ngân hàng phải đặt ra mức trần cho vay đối với hai lĩnh vực này.

Tăng cường quản lý dòng tiền

NHNN khẳng định, chỉ khuyến khích cho vay với nhu cầu tiêu dùng của người dân, phát triển nhà ở xã hội. Thậm chí đối với lĩnh vực cho vay bất động sản, NHNN có quy định chỉ số quản lý, muốn cho vay nhiều hơn cũng không được. Giới chuyên gia ngân hàng cũng thừa nhận trong lĩnh vực cho vay bất động sản thì cho vay mua nhà, sửa nhà là tốt nhất vì đánh vào nhu cầu thật, song không thể không cẩn trọng. Bởi một lượng lớn tiền đang đổ vào hoạt động kinh doanh bất động sản, hoạt động mua đi bán lại hiện nay phần lớn được lấy từ nguồn tiền vay tiêu dung mua nhà, sửa chữa nhà.

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích, các ngân hàng vẫn luôn muốn cho vay bất động sản vì có nhiều cái lợi. Thứ nhất, có tài sản đảm bảo rõ ràng, được thẩm định rõ ràng nên ngân hàng “nắm đằng chuôi”. Thứ hai, trong các loại tài sản bảo đảm, tài sản bất động sản đảm bảo nhất. “Nhu cầu mua nhà của người dân rất lớn, nên các ngân hàng rất hào hứng cho vay mua nhà” – ông Hiếu nói.

Tuy nhiên TS Hiếu cũng cảnh báo, cho vay mua bất động sản, mua nhà chứa đựng khá nhiều rủi ro. Thị trường bất động sản luôn có chu kỳ lên - xuống, khi giá bất động sản nằm trong chu kỳ đi xuống, những khoản vay này trở nên đầy rủi ro, ngân hàng lúc này đối diện nợ xấu rất cao. Chưa kể, một bộ phận vay tiền mua nhà nhưng lại để đầu cơ, khiến cho giá nhà bị thổi lên.

Giới chuyên gia khẳng định lĩnh vực bất động sản tiềm ẩn nhiều vấn đề như bong bóng, thổi giá… do đó, NHNN phải luôn theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, điều hành một cách chủ động, linh hoạt để tín dụng bất động sản tăng trưởng lành mạnh, bền vững.

T.Hằng