Đất rừng phòng hộ bất ngờ ‘chồng’ lên đất sản xuất

QUẢNG NGHĨA - TÂN BÌNH 13/08/2021 14:00

Sau nhiều tháng ngược xuôi hoàn tất các thủ tục, giấy tờ để đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhưng không được giải quyết, ông Nguyễn Thành Dưng (66 tuổi) ở thôn Tân Thuận, xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy, Quảng Bình) lại phải tiếp tục “hành trình đòi đất”.

Thửa đất không tranh chấp

“Thửa đất này do vợ chồng tôi khai hoang, sinh sống và sản xuất cây nông nghiệp từ năm 1984 đến nay. Gần 40 năm nay, thửa đất này không ai tranh chấp, không ai thu hồi của tôi cả. Thế mà vừa rồi, tôi làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bị gây khó khăn” - ông Dưng cho hay.

Được biết, năm 1984, vợ chồng ông Nguyễn Thành Dưng và bà Hoàng Thị Dục đã đến khai hoang và sinh sống trên vùng đất ven biển thuộc thôn Tân Thuận, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy. Sau đó, do điều kiện đi lại khó khăn, xa khu dân cư, nên gia đình ông Dưng chỉ sinh sống tại đây được vài năm thì di dời nhà ở lên sát đường 569. Khi chuyển đến nơi ở mới, hằng năm, thửa đất cũ này vẫn được gia đình ông Dưng trồng khoai và các cây rau màu khác.

Bà Nguyễn Thị Ngọ, thôn Tân Thuận (xã Ngư Thủy Bắc) cho biết: “Trước đây vùng này hoang sơ lắm, ông Dưng là người đầu tiên ra đây khai hoang làm nhà ở. Nhưng sau đó, ông chuyển nhà lên sát đường to, còn vùng này ông vẫn trồng khoai. Thửa đất này không tranh chấp hay kiện tụng với ai cả”.

Tại văn bản số 97 ngày 19/3/2021 UBND xã Ngư Thủy Bắc xác nhận: “Ông Nguyễn Thành Dưng và bà Hoàng Thị Dục có khai hoang và ở trên thửa đất từ năm 1984. Sau đó, vì điều kiện gia đình nên dời nhà lên phía trên sát đường 569 để ở. Phần diện tích đất cũ gia đình có trồng hoa màu”…

“Hẹn tới hẹn lui”

Để thuận tiện cho việc vay vốn, đầu tư sản xuất phát triển kinh tế trong gia đình, ngày 13/7/2020, vợ chồng ông Dưng đã có đơn đăng ký cấp giấy CNQSDĐ đối với thửa đất 241, tờ bản đồ số 07, diện tích 1807,7 m2; mục đích sử dụng là đất trồng cây hàng năm khác, với thời hạn đến ngày 1/7/2064.

Sau khi thẩm định cụ thể nguồn gốc đất, đối chiếu các quy định của luật đất đai, UBND xã Ngư Thủy Bắc đã xác nhận đủ điều kiện và hoàn thiện hồ sơ gửi cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy CNQSDĐ cho ông Dưng.

Sau khi tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ từ xã gửi lên, Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Lệ Thủy đã xác nhận đủ điều kiện cấp GCNQSD đất cho ông Dưng; đồng thời chuyển hồ sơ đến Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện (ngày 17/8/2020).

Tiếp nhận hồ sơ, Phòng TNMT Lệ Thủy cũng có giấy hẹn trả kết quả giải quyết hồ sơ vào ngày 21/8/2020. Tuy nhiên, đến ngày 1/9/2020, Phòng đã gửi phiếu xin lỗi và hẹn lại trả kết quả vào ngày 10/9/2020, với lí do “kiểm tra, xác minh một số nội dung liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Trong quá trình chờ đợi, ông Dưng được Trung tâm giao dịch một cửa liên thông huyện Lệ Thủy gọi đến để hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục liên quan, và tiếp tục nhận được giấy hẹn trả kết quả vào ngày 29/3/2021. Đến ngày hẹn, ông Dưng lại được cán bộ Trung tâm giao dịch một cửa liên thông huyện Lệ Thủy gia hạn, hẹn đến ngày 9/4/2021.

Điều đáng nói, ngày 8/4/2021, Phòng TNMT huyện Lệ Thủy đã có văn bản số 172 gửi Trung tâm giao dịch một cửa liên thông Lệ Thủy với nội dung: “Sau khi kiểm tra hồ sơ, Phòng TNMT trả hồ sơ. Lý do: Một phần diện tích trong thửa 241, tờ bản đồ số 07 là rừng phòng (hộ) theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2018. Do đó, Phòng TNMT không xem xét cấp giấy CNQSDĐ đất cho ông Dưng".

“Dính vào rừng là chúng tôi cắt hết”

Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Tường, Trưởng phòng TNMT huyện Lệ Thủy cho biết: Đối chiếu với tờ bản đồ quy hoạch 3 loại rừng do UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt năm 2018 thì đất ông Dưng bị trùng lấn với đất rừng phòng hộ với diện tích là 739 m2; nên Phòng đã dừng và không cấp giấy CNQSDĐ cho ông Dưng. Nếu ông Dưng muốn cấp sổ đỏ thì phải bóc tách phần đất chồng lấn này ra.

Khi phóng viên đặt câu hỏi căn cứ vào những văn bản, nghị định, điều kiện nào để khẳng định đất ông Dưng đã lấn chiếm đất rừng phòng hộ? Liệu khi đo đạc quy hoạch 3 loại rừng năm 2018, các đơn vị chuyên môn đã làm chính xác, không bị lấn vào đất của người dân?

Vị Trưởng phòng TNMT huyện Lệ Thủy trả lời một cách chung chung rằng: “Khi chồng ghép với bản đồ quy hoạch 3 loại rừng do UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt năm 2018 có phần đất bị trùng khớp thì chúng tôi không cấp được. Thế thôi! Còn bản đồ năm 2018, cái này thuộc Sở Nông nghiệp chứ không phải việc của bọn tôi. Chúng tôi chỉ căn cứ vào bản đồ này, nếu dính vào rừng là chúng tôi cắt hết”.

Trưởng phòng TNMT huyện Lệ Thủy cũng khẳng định thêm: “Đất rừng phòng hộ được quy hoạch ngay từ đầu và càng ngày càng thu hẹp lại chứ không thể mở rộng ra. Trong bản đồ quy hoạch sử dụng đất của huyện, toàn bộ phần này vẫn là quy hoạch đất ở, nhưng khi chồng ghép bản đồ lên bản đồ quy hoạch 3 loại rừng thì có một phần dính vào”.

Người dân thiệt thòi

Trao đổi với phóng viên, ông Dưng nêu vấn đề: Tại sao UBND huyện Lệ Thuỷ không làm văn bản kiến nghị UBND tỉnh Quảng Bình và các cơ quan liên quan làm rõ phần đất chồng lấn giữa bản đồ quy hoạch 3 rừng phòng hộ đã được UBND tỉnh phê duyệt với thửa đất của gia đình ông?

Thửa đất gia đình ông Dưng khai hoang, sinh sống, trồng hoa màu từ năm 1984; trong khi bản đồ quy hoạch 3 loại rừng đã được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt vào năm 2018. Ông Dưng lí giải, có thể trong quá trình đo đạc quy hoạch bản đồ 3 loại rừng, người đo sơ suất nên để xảy ra tình trạng chồng lấn đã khiến gia đình tôi gặp nhiều khó khăn khi làm thủ tục cấp sổ đỏ.

Theo ông Dưng, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định vào mục đích thuộc nhóm đất nông nghiệp từ trước ngày 1/7/2004, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp thì được công nhận quyền sử dụng đất.

“Vì vậy, thửa đất của gia đình tôi đương nhiên phải được cấp sổ đỏ. Nếu không thì tôi bị thiệt thòi”- ông Dưng nói.

QUẢNG NGHĨA - TÂN BÌNH