‘Lồng bát quái’ tận diệt thủy sản
Khai thác thủy sản bằng các phương thức tận diệt bị cấm vì làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản, tàn phá môi trường. Dù các lực lượng chức năng liên tục ra quân xử lý nhưng tình trạng này vẫn không giảm và nguồn lợi thủy sản đang đứng trước nguy cơ ngày một cạn kiệt.
Ra biển là thấy tàu, bè vi phạm
Ngư dân Nguyễn Văn Đăng (trú tại huyện Hải Hà, Quảng Ninh) làm nghề khai thác thủy sản bằng bóng đèn công suất lớn tại vùng biển Hải Hà, Cô Tô cho biết, gần như hàng ngày tàu anh đều gặp đội tàu đun, xiếc điện trên biển. Đặc biệt tại khu vực Ghềnh Võ (huyện Hải Hà) tập trung rất nhiều tàu khai thác theo hình thức dùng te điện, người địa phương gọi là khán điện.
Rất dễ để nhận diện những loại tàu đánh bắt bằng phương pháp tận diệt này. Tàu có hai cây gỗ lớn được treo ở hai mạn tàu, khi đánh bắt họ treo túi lưới phía dưới nước và phía trên tàu luôn có 1 máy phát điện cực lớn đưa điện xuống dưới đáy biển rồi nổ máy đẩy lưới đi tới đi lui để đánh bắt hải sản.
Mỗi đêm, hàng chục chiếc tàu quần thảo khắp vùng biển gần bờ thuộc các xã Quảng Minh, Hải Tân thuộc huyện Hải Hà; Quảng Nghĩa, Vĩnh Thực thuộc TP Móng Cái; vùng biển Đầm Hà…
Trong quá trình vừa di chuyển vừa kích điện hầu như tất cả những thủy sản to, nhỏ dưới đáy biển đều bị điện giật chết và bị hút vào túi lưới. Theo quan sát của người dân, hiện có hơn 30 chiếc tàu đang hoạt động đánh bắt hải sản theo cách tận diệt tại các vùng biển này.
Một số ngư dân cho biết nhiều bè, mảng khai thác thủy sản truyền thống của bà con ngư dân địa phương khi gặp các tàu khán điện chạy qua thì rất nguy hiểm vì tàu đánh điện lắp nguồn điện công suất lớn. Mỗi khi tàu này đi qua, các ngư dân địa phương phải tránh xa. Không chỉ thế, hệ thống cào của loại tàu này vướng phải lưới của ngư dân địa phương gây hư hại nặng nề.
Lưới săm cũng là một hình thức đánh bắt tận diệt gần bờ gây nhức nhối khi tận thu tất cả những loài hải sản lớn, nhỏ. Lợi dụng dòng thủy triều lên xuống, người dân cắm cọc dọc theo hướng nước lên xuống và chảy mạnh. Để đánh bắt, người dân bọc lưới vây bằng lưới mắt nhỏ lên những cây cọc tre cắm xuống đáy biển theo hình chữ V.
Khi thủy triều lên, cá, hải sản vào bờ kiếm ăn vô tình chui vào bãi lưới dài hàng km. Nước thủy triều rút, các loài thủy sản lớn nhỏ chỉ còn biết trôi theo dòng hải lưu vào một túi nhỏ ở đáy săm.
Theo báo cáo của UBND huyện Hải Hà, nạn lưới săm diễn ra dai dẳng từ hàng chục năm nay. Chính quyền huyện, xã nhiều lần tổ chức phá dỡ những bức tường thành lưới săm và xử phạt nhưng chỉ được một thời gian ngắn, người dân lại tiếp tục vi phạm. Gần đây, những người đánh bắt hải sản bằng lưới săm thay đổi phương thức hoạt động.
Khi có đoàn kiểm tra dân nhổ cọc, thu lưới hoặc vùi lưới dưới bùn. Đoàn kiểm tra rút đi họ lại dựng lên những bãi trường thành lưới săm dày đặc trên biển.
Xử phạt nhiều nhưng chỉ như ném đá ao bèo?
Theo tìm hiểu của PV Đại Đoàn kết, nạn đánh bắt thủy hải sản tận diệt diễn ra phổ biến kéo dài từ Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà tới tận đảo Cô Tô, đảo Vĩnh Thực với nhiều hình thức khác nhau. Lồng bát quái, te điện, khán điện… đang ngang nhiên tận diệt nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển cả ngày lẫn đêm.
Tại khu vực bãi Đá Đen và cảng Núi Đỏ thuộc phường Bình Ngọc (TP Móng Cái), hàng chục tàu khán điện neo đậu nghỉ ngơi vào ban ngày. Đêm xuống thì đi tận diệt nguồn thủy sản. Những loại tàu cào kích điện, lưới săm, lồng bát quái diễn ra thường xuyên và gần bờ khiến suy giảm nguồn lợi thủy sản nghiêm trọng.
Theo nhiều ngư dân tại Hải Hà, Móng Cái, Đầm Hà phương thức khai thác tận diệt kiểu tàu kích điện ít được người dân địa phương sử dụng mà thường là do ngư dân tỉnh ngoài như Hải Phòng, Nam Định thậm chí nhiều phương tiện của những tỉnh miền Trung đến khai thác. Người địa phương thì dùng nhiều lưới săm, lồng bát quái để đánh bắt thủy hải sản.
Đồn Biên phòng Trà Cổ, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh cho biết, từ đầu năm 2021, đơn vị này bắt giữ, xử phạt hàng chục vụ ngư dân khai thác hải sản tận diệt. Khi kiểm tra các tàu, đơn vị phát hiện nhiều ngư cụ phục vụ cho việc đánh bắt tận diệt như kích điện, lồng bát quái.
Báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ninh, tình hình khai thác, đánh bắt thủy sản trái phép vẫn diễn ra phức tạp trên địa bàn Quảng Ninh với nhiều hình thức ngày càng tinh vi.
Chỉ trong nửa đầu năm 2021, các ngành, địa phương đã xử lý hơn 500 vụ khai thác thủy hải sản tận diệt. Trước đó, chỉ riêng năm 2020, các lực lượng chức năng đã bắt và xử phạt hơn 1000 vụ, thu giữ nhiều phương tiện, ngư cụ phục vụ khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản…